Thị trường bánh trung thu có gì mới?
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Trung thu nhưng thị trường bánh trung thu đã bắt đầu sôi động với nhiều loại mới lạ như bánh trung thu làm từ dưa lưới Nhật, làm từ cà rốt, cà chua, dâu tằm Đà Lạt...
Khách hàng mua bánh trung thu tại một cửa hàng bánh trên đường Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM - Ảnh: NGUYỆT NHI
|
Vẫn còn hơn một tháng nữa mới đến Trung thu nhưng ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, thị trường bánh trung thu đã bắt đầu sôi động. Bên cạnh những thương hiệu bánh nổi tiếng, các loại bánh “handmade”, bánh “nội địa” Trung Quốc cũng được rao bán từ rất sớm.
Trên các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), 3 Tháng 2 (Q.10)... đã xuất hiện nhiều kiôt bán bánh trung thu của nhiều thương hiệu như Đồng Khánh, Như Lan và Kinh Đô... với giá bán không biến động nhiều so với năm trước. Nhiều người bán cho biết do mới vào mùa, lượng khách mua không nhiều.
Bánh làm từ... rau củ
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - giám đốc điều hành Công ty lương thực thực phẩm Đồng Khánh (Long An), thương hiệu bánh Đồng Khánh Bông Lúa Vàng - cho biết các đại lý của thương hiệu bánh này đã bắt đầu nhập bánh về để bán.
Giá bánh năm nay tăng 1.000-2.000 đồng/cái so với năm trước, giá dao động 48.000-130.000 đồng/cái, sản lượng xuất xưởng dự kiến tăng 20-30% so với năm ngoái.
Ngoài vỏ hộp thay đổi theo hướng bắt mắt và cao cấp dần để biếu tặng, mỗi phân khúc giá đều có thêm nhiều loại mới, đặc biệt là hàng chục loại bánh dành cho thiếu nhi (với hình con heo, con cá...) với giá bán thấp nhất 18.000 đồng/cái và cao nhất lên tới 2 triệu đồng/hộp 6 cái.
Một đại diện hệ thống The Coffee House cũng cho biết đã đưa sản phẩm bánh trung thu ra bán trên toàn bộ hệ thống cửa hàng The Coffee House từ ngày 8-8.
Chủng loại bánh của đơn vị khá đa dạng với nhiều mẫu như bánh thập cẩm ngũ cốc yến mạch, bánh tiramisu vỏ cà phê, bánh sôcôla hạnh nhân phô mai, bánh trà xanh đậu đỏ. Đặc biệt, trong mỗi hộp bánh trung thu sẽ có thêm 4 bộ cà phê phin của hệ thống cà phê này.
Theo ông Phan Văn Thiện - Phó Tổng Giám đốc Bibica, năm nay đơn vị tung ra hơn 600 tấn bánh trung thu, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và không tăng giá. Có trên 60 chủng loại bánh với 3 dòng chính gồm: cao cấp, dinh dưỡng và bánh truyền thống.
Điểm mới năm nay là bộ sản phẩm bánh rau củ có tên gọi Thưởng Nguyệt với nguyên liệu bánh làm hoàn toàn rau củ từ tự nhiên, giàu dinh dưỡng như cà rốt Đà Lạt, cà chua bi Đà Lạt, dâu tằm Đà Lạt, dưa lưới Nhật...
Công ty Mondelez Kinh Đô cũng giới thiệu ra thị trường 5 hương vị bánh ngọt trứng muối gồm bánh nhân ngũ hạt, bánh nhân hạt sen, bánh nhân sầu riêng, bánh nhân trà xanh và bánh nhân đậu xanh lá dứa.
Ngoài ra, dòng bánh mới với tên gọi Trăng Vàng Hồng Ngọc An Bình lần đầu tiên được cung cấp ra thị trường với nhiều hương vị độc đáo, dòng sản phẩm dùng đường ăn kiêng đa dạng chủng loại.
Bánh "nội địa" Trung Quốc giá rẻ như... cho
Trước đó, ngay từ đầu tháng 8-2019, trên các trang mạng xã hội, nhiều người bán đã bắt đầu đăng tải hình ảnh các mẫu bánh trung thu từ hàng nhập khẩu đến nhà làm.
Các loại bánh trung thu nhà làm (handmade) có giá 25.000-120.000 đồng/bánh, chưa kể loại bánh trung thu mini được bán giá 120.000-150.000 đồng/set gồm 6-8 bánh, đủ loại nhân mặn, ngọt như mè đen, khoai môn, chanh cốm, xá xíu, gà quay...
Theo giới thiệu của người bán, bánh được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, vỏ bánh được lấy màu từ chính các loại rau củ quả, trà xanh, không phẩm màu, không phụ gia, có bánh còn sử dụng hạt dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Một chiếc bánh nếu được bảo quản ở nơi thoáng mát có thể dùng được trong 2-3 tuần, để nơi nắng nóng sẽ dễ mốc, hạn sử dụng chỉ còn 7-10 ngày.
"Bánh không có chất bảo quản nên không để lâu được. Khi nào khách đặt mới làm, không có phẩm màu nên trẻ nhỏ cũng ăn được, không vấn đề gì" - chị Mi, một người bán tại TP.HCM, giới thiệu.
Tuy nhiên, khi được hỏi về các giấy tờ chứng minh chất lượng an toàn thực phẩm, nhiều người bán bánh trung thu handmade giải thích vì chỉ làm tại gia, quy mô nhỏ nên vẫn chưa có các giấy tờ kiểm định này.
Ngoài ra, bánh trung thu nhân tan chảy giá 100.000-170.000 đồng/hộp 6-8 bánh được giới thiệu là "hàng nội địa" của Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan... cũng được nhiều người bán giới thiệu.
Liên hệ một đầu mối chuyên sỉ, lẻ loại bánh này, chúng tôi được cam kết là hàng "bao check code", nếu kiểm tra ra bánh "fake" sẽ đền tiền gấp 3 cho khách mua hàng và sẵn sàng cung cấp các giấy tờ kiểm định nguồn gốc, chất lượng.
"Khách phản hồi rất tốt, bánh này nổi tiếng thế giới, mình bán 4-5 năm nay, một mùa bán 30-40 thùng" - một người bán loại bánh này giới thiệu, nhưng khi chúng tôi yêu cầu được xem các giấy tờ kiểm tra chất lượng lại bị từ chối.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực này khẳng định rất nhiều lò bánh sản xuất bánh trung thu không có giấy phép, trong khi bánh "nội địa" Trung Quốc cũng chỉ là cách... quảng cáo mới lạ.
Kiểm soát chặt chất lượng bánh, xử lý đồ chơi độc hại
Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cơ quan này đã yêu cầu cục QLTT các địa phương xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra giám sát thị trường bánh trung thu trước, trong và sau Tết Trung thu. Theo đó, phải tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kho nguyên liệu làm bánh như mứt bí, hạt dưa...; lấy mẫu bánh trung thu lưu thông trên thị trường để kiểm tra. Đặc biệt, phải tập trung kiểm tra các loại bánh sản xuất thủ công, không công bố chất lượng.
Các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý mặt hàng đồ chơi trung thu dành cho trẻ em có tính kích động bạo lực, hàng lậu nhái, hàng độc hại... Ban Quản lý an toàn thực phẩm và Cục QLTT TP.HCM cũng cho biết đã xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng bánh trung thu từ sản xuất đến bày bán, trong đó sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đăng ký, tăng cường lấy mẫu bánh trên thị trường để kiểm nghiệm.
|
NGUYỄN TRÍ - HỮU DUYÊN
Tuổi trẻ