SMC thu nguồn lực để Nam tiến, đi sâu vào chuỗi sản xuất qua Nam Kim?
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) công bố thông tin xác nhận hoàn tất thương vụ chuyển nhượng công ty con thu về gần 151 tỷ đồng - một nguồn lực đáng kể cho tham vọng giữa thời khó của ông lớn ngành thép.
Ngày 08/08/2019, SMC cho biết đã hoàn tất chuyển nhượng 65% vốn tại Công ty TNHH MTV SMC Hà Nội cho đối tác Hanwa, qua đó nhận về gần 151 tỷ đồng.
Theo BCTC quý 2/2019 của SMC, khoản đầu tư vào SMC Hà Nội ghi nhận giá trị vốn góp đến hết tháng 6 vào khoảng 60.5 tỷ đồng. Như vậy, ước tính SMC có thể ghi nhận khoảng lãi xấp xỉ 112 tỷ đồng sau thương vụ.
Đvt: Đồng
Nguồn: Thuyết minh BCTC công ty mẹ quý 2/2019 của SMC
|
Đây sẽ là nguồn lực hỗ trợ đáng kể cho SMC trong giai đoạn thử thách của ngành thép. 6 tháng đầu 2019, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này chỉ bằng phân nửa cùng kỳ năm trước.
Không chỉ thế, tại Đại hội thường niên 2019, về việc chuyển nhượng vốn công ty con tại Hà Nội, ông Võ Hoàng Vũ - Tổng Giám đốc bấy giờ (hiện đã thôi chức) của SMC nói: “Chúng tôi chấp nhận bớt đi dòng lợi nhuận ở tương lai để thu về nguồn lực ở hiện tại. Và đương nhiên sẽ sử dụng những nguồn lực này để đầu tư và cố gắng tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.”
Thu nguồn lực để Nam tiến
Theo đó, SMC chọn chuyển nhượng SMC Hà Nội vì đây là công ty con hoạt động chủ yếu ở miền Bắc, vị trí địa lý xa cách nên hạn chế trong việc nhận hỗ trợ từ các công ty khác cùng hệ thống vốn hoạt động mạnh ở thị trường phía Nam. Vào thời điểm đó, Ban lãnh đạo SMC tiết lộ đang triển khai đầu tư nhà máy mới tại Đà Nẵng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, Chủ tịch SMC - bà Nguyễn Thị Ngọc Loan cho biết Công ty sẽ hoàn tất thủ tục cần thiết để tiến hành khởi công SMC Đà Nẵng và đưa vào sản xuất kinh doanh trong quý 3/2019.
Cuối tháng 6 vừa qua, SMC cũng đã công bố việc đầu tư thêm 70 tỷ đồng để bổ sung vốn cho SMC Tân Tạo - một đơn vị coil center (tương đồng với ngành kinh doanh chính của SMC Hà Nội) hoạt động chủ yếu tại thị trường phía Nam.
Tiến sâu vào chuỗi sản xuất thông qua NKG?
Tại Đại hội thường niên 2019, SMC cho biết vẫn đang chú trọng đầu tư vào các mảng hoạt động sản xuất liên quan. Công ty có kế hoạch nâng nguồn doanh thu từ hoạt động sản xuất, gia công lên cân bằng với doanh thu từ thương mại.
Cuối tháng 7/2019, SMC chính thức trở thành cổ đông lớn của Thép Nam Kim (HOSE: NKG) sau khi mua thêm 6.3 triệu cp NKG. “Người cũ” của SMC là ông Võ Hoàng Vũ cũng mua thành công 15 triệu cp NKG và nay đã ngồi vào ghế Tổng Giám đốc của ông lớn ngành tôn mạ này. Chiều ngược lại, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Đầu tư P&Q của Chủ tịch NKG - ông Hồ Minh Quang không còn là cổ đông lớn tại NKG, sau khi bán 19 triệu cp.
Về phía NKG, doanh nghiệp này đang dự kiến thực hiện đợt tăng vốn qua phát hành riêng lẻ 30 triệu cp. Đối tác được lựa chọn nhiều khả năng là một đơn vị cùng ngành, với một trong những tiêu chí là có khả năng hỗ trợ NKG mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sự “ăn rơ” này của các bên khiến thị trường không khỏi mong chờ một bước tiến xa hơn từ 2 tên tuổi của ngành thép Việt.
Thừa Vân
FILI
|