Nhịp đập Thị trường 15/08: ATC gây sốc!
Phiên chiều chứng kiến sự hồi phục tăng dần đều trên sàn HOSE, nhưng đến đợt đóng cửa ATC, chỉ số tăng vọt 9 điểm, tăng dựng đứng lên 979,4 điểm, đóng cửa tăng tốt nhất châu Á.
Rất nhiều largecap trên HOSE, trong đó chủ yếu nhóm VN30 giúp chỉ số tăng sốc trong ATC, bao gồm BVH, FPT, HPG, MSN, MWG, SAB, VCB, VIC, VJC, VNM, VRE… Chưa rõ thông tin gì đã tác động một cách toàn diện lên sự tăng giá của các Large Cap nói trên, nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy sự tăng giá này có liên quan đến hợp đồng phái sinh VN30F1908, vốn giao dịch cuối cùng vào ngày hôm nay.
Diễn biến trên cổ phiếu Large Cap HOSE chiều nay tác động rất lớn lên các nhóm Mid Cap và Small Cap, cũng như giao dịch ở 2 sàn HNX và UPCoM, tuy nhiên mức tăng sốc trong đợt ATC lại chỉ hiện rõ ở mỗi nhóm Large Cap. Ở 2 nhóm Mid Cap và Small Cap sàn HOSE, chỉ số 2 nhóm này chỉ tăng nhẹ cuối phiên. HNX-Index vẫn giảm lúc đóng cửa, HNX30-Index cũng vậy.
Dưới sự “dẫn dắt” của nhóm largecap nói trên, có không ít nhóm ngành có sự cải thiện trong phiên chiều, như ngân hàng, chứng khoán, dệt may, cao su, cá tra… Nhóm bất động sản dân dụng trông có vẻ phân hóa, thực ra là do “quân số” quá đông.
GAB giữ nguyên được mức tăng trần trong gần như cả ngày hôm nay, và đánh dấu nửa tháng tăng giá ấn tượng (10/12 phiên trần). Tuy nhiên, hầu hết những cổ phiếu khác được coi (không chính thức) cùng “họ” với GAB hôm nay đều giảm giá, như FLC, ART, ROS, HAI…
Kết quả suy giảm mạnh trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm hôm nay mới được phản ánh vào giá cổ phiếu MPC. Cổ phiếu này đóng cửa giảm đến 12.5% về 30,300 đ/cp, gần bằng mức đáy cách đây gần 1 năm.
Khối ngoại giao dịch mạnh hơn trong phiên chiều. HPG đứng đầu danh sách mua vào, nhưng thực ra cổ phiếu này cũng đứng đầu nhóm bán, và kết quả chung cuộc là bán ròng mạnh. KDH bất ngờ được mua gần 500,000 cp trong phiên chiều (giao dịch nội khối, mức mua ròng thực tế bằng 0), đẩy DRC xuống vị trí thứ ba, vốn được khối ngoại mua mạnh chủ yếu trong phiên sáng. Ở chiều bán, sau HPG là VRE và HAG, một cái tên gây bất ngờ.
Phiên sáng: Muốn ngược nhưng chưa được
Có lẽ ít ai ngờ chỉ số VN-Index có màn hồi phục tích cực như sáng nay, trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán châu Á tràn ngập sắc đỏ sáng nay.
Khởi đầu rớt hơn 1% với tin tiêu cực từ sàn chứng Mỹ, nhưng sau đó VN-Index bắt đầu màn hồi phục và về sát tham chiếu, trước khi lại rớt lại trong khoảng 30 phút cuối về 965.4 điểm hiện tại. Chỉ số chứng khoán Việt Nam sém chút nữa là đi ngược châu Á, nhưng chưa được. Các mã được coi là chặn đà hồi trong 30 phút cuối có thể kể tên như FPT, GAS, VJC, VHM…
VIC tăng 1% có lẽ là cổ phiếu hỗ trợ tốt nhất cho VN30-Index lẫn VN-Index sáng nay, nhờ tỷ trọng vốn hóa khủng. Trong nhóm VN30, có 8 mã tăng giá, so với 19 mã giảm, dù vậy số liệu thống kê này cũng cho thấy trạng thái khá hơn nhiều so với thời điểm ATO. REE, GMD và PNJ thường xuyên duy trì top đầu tăng giá trong nhóm này, nhưng trọng số vốn hóa của các mã này lại không thực sự lớn.
Ở chiều kia, ROS vẫn duy trì vị trí giảm giá bất bại của mình, nhưng thất vọng có lẽ là “kẻ thứ hai”, FPT. Từng là cổ phiếu tăng tốt trong tháng 8, mới đây doanh nghiệp lại ra tin về kết quả kinh doanh 7 tháng, nhưng “quy luật” tin ra là chốt lời có lẽ đang áp lên FPT.
Khối ngoại giao dịch kém đi trong sáng nay, có lẽ họ cũng đang phải đánh giá lại tình hình, nhất là với những diễn biến thế giới, vốn ảnh hưởng rất lớn lên các dòng vốn đầu tư quốc tế. Khối ngoại sáng nay chỉ giao dịch vài trăm ngàn cp trên đa số Large Cap. DRC, HPG và VCI vẫn là 3 mã trên HOSE được mua nhiều nhất, nhưng thực sự mà nói chỉ có DRC là mua ròng. Thậm chí nếu nhìn từ phía bán thì chính HPG bị bán khối lượng nhiều nhất.
REE đứng đầu nhóm cổ phiếu tăng giá trong VN30, đến cuối phiên sáng tăng 3.1%, có lúc tăng hơn 5% lên trên 38,000 đ/cp. Thông tin về 1 tổ chức nước ngoài muốn mua cổ phiếu trong bối cảnh hết room ngoại, đã dấy lên đồn đoán rằng họ sẽ phải giao dịch nội khối (tức kiếm 1 NĐT ngoại bán ra) và như thế giá có thể rất cao so với thị giá, và REE phải tăng giá để đến ngày làm deal, giá giao dịch sẽ nằm trong biên độ. Tuy vậy cũng có thể khối ngoại sẽ xin giao dịch ngoài sàn, khi đó sẽ không bị ràng buộc bởi biên độ giá, cho nên về cuối phiên sáng, giá REE cũng nguội bớt do hàng xả ra lớn.
Nhóm ngân hàng đa số giảm giá sáng nay, có lẽ là do tình hình chung. Ngoại trừ NVB, tất cả những mã giảm giá còn lại đều giảm dưới 2%. Thậm chí có mã đã quay lại tham chiếu. Tuy nhiên, sáng nay có thông tin nhận định rằng ngân hàng khó mà giảm lãi suất trong bối cảnh áp lực từ các diễn biến vĩ mô, nhất là sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Có ý kiến cho rằng Việt Nam có 2 lựa chọn để bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu, là điều chỉnh tỷ giá tiền đồng, hoặc giảm lãi suất tín dụng. Cách đầu tiên mang lại rủi ro bị Mỹ đưa vào nhóm nước thao túng tiền tệ, nên kỳ vọng được đưa vào cách thứ hai, nhưng với thông tin trên, có lẽ cách thứ hai muốn làm cũng khó. Dù gì đi nữa, nhà đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng có lẽ không thích nghe tin ngân hàng giảm lãi suất chút nào.
2 trong 3 cổ phiếu săm lốp sáng nay vẫn tăng giá là DRC và SRC. CSM tăng giá đầu phiên nhưng không chịu nổi nhiệt nên đã chuyển sang đỏ trong những phút cuối sáng nay.
10h55: Hồi nhẹ trong phiên
Chỉ số VN-Index đang dần hướng về tham chiếu.
VN-Index rơi một mạch ngay sau ATO về 955.76 điểm, nhưng rồi dần hồi nhẹ lên trên 962 điểm. Hiện chỉ số vẫn còn giảm 0.6% nhưng tâm lý nhà đầu tư dường như vững hơn. Một số chỉ số chứng khoán châu Á xanh trở lại sáng nay cũng là một điểm tựa tâm lý. Tuy nhiên còn hơi sớm để mong VN-Index quay lại tham chiếu.
Trên HOSE, tuy số mã giảm giá vẫn còn rất nhiều (hơn 210 mã) nhưng số mã tăng cũng đã lên đến hơn 60 mã (gấn đôi so với thời điểm ATO). Trong nhóm VN30, tỷ lệ tăng giá/ giảm giá là 5/23. REE tăng 3.1% nhờ có thông tin quỹ ngoại muốn mua (có lẽ sẽ giao dịch nội khối do REE đã hết room ngoại). SAB, VIC là 2 đại gia tăng giá nhẹ, có lẽ tác động không nhỏ lên mức hồi của VN-Index.
Diễn biến trên HNX và UPCoM cũng hồi nhẹ, theo cùng tâm lý với HOSE. Thậm chí chỉ số UPCoM-Index còn tăng bật trên tham chiếu, với sự hỗ trợ từ ACV, FOX… VCS là một trong những Large Cap hỗ trợ tốt cho HNX-Index. Cổ phiếu này cũng đang được coi là một trong những mã được hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến Mỹ - Trung.
Sáng nay có vẻ nước ngoài mua hơi yếu. Trên HOSE, một số mã như HPG, VCI, VRE được mua nhiều… nhưng khối lượng mua chỉ vài trăm ngàn cổ phiếu, thậm chí nếu nhìn ở góc độ mua ròng thì ngay cả HPG cũng bị chuyển sang nhóm bán ròng. Ngạc nhiên, DRC mới là mã được khối ngoại mua nhiều nhất. Lưu ý rằng DRC tăng khá tốt từ đầu tháng 8 tới nay, đồng thời 2 cổ phiếu cùng nhà săm lốp khác là CSM và SRC sáng nay cũng xanh.
CII vẫn chưa chịu tăng dù có thông tin Tổng Giám đốc doanh nghiệp muốn bỏ trăm tỷ “cứu” giá. Mở cửa sáng nay CII đứng giá, đến giờ giảm nhẹ 1 bước giá (50 đồng). Có vẻ như xu hướng giảm giá đang được chặn lại nhờ thông tin này, nhưng hồi thì còn phải chờ. GAB sau phiên sàn hôm qua thì hôm nay lại trần. Tính từ phiên 31/07 đến nay, tổng cộng 12 phiên, thì GAB tăng trần 10 phiên.
Mở cửa: Ngập trong sắc đỏ
Yếu tố “đường cong lợi suất đảo ngược” và thông tin sụt giảm của thị trường Mỹ có vẻ đang tác động tiệu cực đến tâm lý thị trường.
Ngay từ 9h00, trên HOSE lệnh bán đổ vào có vẻ nhiều hơn lệnh mua, có lẽ vì yếu tố “đường cong lợi suất đảo ngược”. Yếu tố "ngày rằm Ngưu Lang - Chức Nữ" nhường chỗ cho thông tin sụt giảm bên sàn chứng Mỹ, vốn đang tác động không nhỏ lên tâm lý đầu phiên. Ở nhiều Large Cap như HPG, MWG, GAS, CTG, VCB… giá dự kiến khớp khá thấp so với tham chiếu. HNX-Index đã giảm ngay gần 1% chứ chưa cần chờ xem VN-Index giảm bao nhiêu.
Đến thời điểm ATO, VN-Index giảm 1.16% về 958.05 điểm. Sàn HOSE chỉ có 29 mã tăng giá, trong khi có đến 178 mã giảm giá. Trong nhóm VN30, 28 mã giảm giá. Sự sụt giảm ngay từ đầu phiên có lẽ báo trước 1 ngày tràn ngập sắc đỏ.
Lúc này khó kiếm được nhóm ngành nào có diễn biến tích cực. Có chăng là có những ngành cổ phiếu phản ứng “chống” lại sự suy giảm chung, đó là đứng yên, ví dụ như nhóm điện, than, xi măng… nhưng nhiều cổ phiếu trong những nhóm kể tên đó cũng đứng yên trong rất nhiều phiên.
Dầu khí giảm không chỉ vì suy giảm chung, mà có lẽ còn do thông tin giá dầu thế giới giảm 3%. Ngay từ sớm, lệnh bán đã đổ nhiều vào GAS và các đại gia dầu khí khác. Đến ATO, những mã này giảm bình quân gần 2%.
Amazon chính thức lập công ty ở Việt Nam, lại thêm một bước nữa khiến đại gia của thế giới ngày càng tiếp cận với thị trường trăm triệu dân Việt Nam, khiến thị trường bán càng cạnh tranh gay gắt hơn. Đây có lẽ tin không vui với các công ty có kinh doanh bán lẻ và thương mại điện tử.
VIS tiếp tục tăng trần phiên thứ tư liên tiếp, xem chừng không chịu tác động từ chỉ số, do cả 2 bên mua và bán đều rất khiêm tốn. Điều thú vị của thị trường là ngoài VIS, cũng có nhiều mã khác tăng trần, đa phần là có thị giá nhỏ (loanh quanh hoặc dưới 10,000 đ/cp) như MBG, NFC… “Đại gia” QCG cũng có tên trong nhóm tăng trần sáng ATO.
Hoàng Nam
FILI
|