Nhiều dự án của Petroland bán không qua đấu giá: Xẻ "thịt" để lại "xương"
Công ty CP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) đã thoái vốn “bán lúa non” hơn 3 ha đất mặt tiền dự án với giá bèo, để lại khu đất 2 ha bên trong không có lối vào.
Nhiều dự án của Petroland bán không qua đấu giá
|
Năm 2009, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) chấp thuận cho Petroland đầu tư xây dựng dự án khu đô thị mới dầu khí (KĐTMDK) Vũng Tàu (tiền thân là khu dân cư bắc sân bay - TP.Vũng Tàu), mặt tiền đường 2.9 (trước là QL51B) với diện tích 694.600 m2 tại P.10, P.11, TP.Vũng Tàu. Sau đó (từ 2009 - 2011) Petroland chi 115,74 tỉ đồng mua 13 thửa đất với diện tích 54.628,8 m2 (thuộc dự án trên) để triển khai dự án.
Chi phí đầu tư vào dự án lên đến 155,74 tỉ đồng, với tổng mức đầu tư dự kiến 3.034 tỉ đồng.
Đem dự án bỏ hoang
Điều khó hiểu, mặc dù đã chi hàng chục tỉ đồng thực hiện một số hợp đồng tư vấn, chi phí quản lý dự án để phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư dự án nhưng kể từ năm 2009, Petroland lại không tổ chức triển khai dự án, bỏ hoang nên năm 2016 bị UBND tỉnh BR-VT thu hồi chủ trương đầu tư dự án, gây thiệt hại gần 16,5 tỉ đồng.
Với kiểu kinh doanh lạ đời này, tháng 4.2018, Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) lập tổ công tác rà soát, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của PVC tại Petroland. Kết quả, PVC phát hiện năm 2017, Petroland đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án KĐTMDK Vũng Tàu trong khi đã bị UBND tỉnh BR-VT thu hồi dự án.
Theo tổ công tác, thương vụ chuyển nhượng bất động sản này, người đại diện phần vốn của PVC tại Petroland vi phạm quy chế quản lý nội bộ không xin ý kiến PVC khi thực hiện chuyển nhượng và dẫn chứng: “Vì theo quyết định của HĐQT PVC về phê duyệt và ban hành quy chế quản lý vốn của PVC vào doanh nghiệp khác, quy định: nghĩa vụ của người đại diện phần vốn phải gửi báo cáo và xin ý kiến đề xuất kèm theo các tài liệu liên quan về PVC chậm nhất là 10 ngày làm việc trước khi công ty tổ chức đại hội, họp để quyết, thông qua quyết định việc bán tài sản của PVC”.
Tùy tiện chuyển nhượng dự án
Petroland là đơn vị có phần vốn góp của nhà nước (tương ứng hơn 450 tỉ đồng, chiếm 45,01% vốn điều lệ Petroland) nên buộc phải tuân thủ quy định của luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Nghị định 91/2015 về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần.
Dự án Khu đô thị mới dầu khí của Petroland (bãi đất trống) - Ảnh: Nguyễn Long
|
Theo luật Đấu giá tài sản năm 2016, tài sản nhà nước theo quy định của luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước khi bán phải thông qua đấu giá. Vậy quyền sử dụng đất tại dự án KĐTMDK Vũng Tàu tại thời điểm năm 2017 được xem là tài sản phần vốn nhà nước nên khi chuyển nhượng bắt buộc thông qua đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, Petroland chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá từ 2,2 - 2,84 triệu đồng/m2 (tùy theo thửa đất) của Công ty CP thẩm định V.T phát hành ngày 1.3.2017, để làm cơ sở đàm phán, thương lượng, ký hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty CP thương mại và du lịch Vũng Tàu - Sài Gòn (viết tắt Công ty Vũng Tàu - Sài Gòn) mà không thông qua thủ tục bán đấu giá tài sản là vi phạm quy định pháp luật, không đảm bảo tính “công khai, minh bạch” trong việc sử dụng vốn nhà nước.
Cụ thể, ngày 22.9.2017, Petroland đã ký hợp đồng chuyển nhượng 33.951 m2 (đất nông nghiệp, được phép chuyển sang đất ở) cho Công ty Vũng Tàu - Sài Gòn và một cá nhân với số tiền gần 100 tỉ đồng (bán với giá trung bình từ 2,2 - 2,85 triệu đồng/m2), trong đó Công ty Vũng Tàu - Sài Gòn được chuyển nhượng 28.586 m2.
Đáng nói, Petroland đã dựa vào chứng thư thẩm định giá quá hạn giá trị sử dụng (giá trị sử dụng trong 6 tháng) chuyển nhượng 28.586 m2 của dự án với giá 2,85 triệu đồng/m2 cho Công ty Vũng Tàu - Sài Gòn.
Về những sai phạm trên, theo một lãnh đạo của Petroland, với giá bán như vậy là quá thấp so với mặt bằng chung đất nông nghiệp (được phép chuyển sang đất ở) vào thời điểm bấy giờ. Minh chứng, thời điểm đó, người dân rao bán đất nông nghiệp ở đường nhỏ (nằm xung quanh dự án Petroland, được phép chuyển sang đất ở) với giá từ 3,5 - 6 triệu đồng/m2 (tùy vị trí); vị trí dự án P.S thuộc đường nội bộ, giao dịch từ 12 - 15 triệu/m2 (bên cạnh dự án Petroland). Trong khi đó, dự án KĐTMDK Vũng Tàu nằm mặt tiền đường 2.9, rộng 60 m, cạnh bệnh viện, trường học, siêu thị Metro… Vì vậy dự án này phải bán ở mức thấp nhất là 4 - 5 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp.
“Tại sao Petroland bán “lúa non” như vậy? Trong khi đó, Petroland chỉ cần đầu tư từ 1 - 2 triệu đồng/m2 để đóng thuế chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở, tốn thêm khoảng 1 triệu đồng/m2 xây dựng hạ tầng nữa thì có thể bán giá từ 12 - 15 triệu đồng/m2. Khó hiểu hơn nữa, Petroland chọn bán các lô đất mặt tiền đường của dự án khiến những lô đất nằm bên trong không có lối vào, làm giảm giá trị lô đất, khó bán gây khó khăn trong việc thoái vốn, nguy cơ thiệt hại lớn cho công ty”, ông Đinh Việt Thanh, Ủy viên HĐQT kiêm Phó giám đốc Petroland, phân tích.
Đã thiệt hại như thế, trong phi vụ này, Petroland còn phải chi 7,8 tỉ đồng trả cho bên dịch vụ tư vấn môi giới (!?). Theo một lãnh đạo Petroland, hợp đồng dịch vụ tư vấn môi giới có dấu hiệu khống vì trong hồ sơ chi tiền có đến hai hợp đồng dịch vụ tư vấn môi giới với nội dung giống nhau và khác ngày ký kết (ngày 22.9.2017 và 4.10.2017). Nghịch lý hơn, ngày ký hợp đồng dịch vụ tư vấn môi giới lại trùng với ngày ký bán và sau ngày ký bán (!?).
Về những vấn đề trên, ông Nguyễn Long, Giám đốc Petroland, xác nhận việc chuyển nhượng thỏa thuận có hành vi vi phạm quy định, tính đảm bảo “công khai, minh bạch” hay không thì cần có cơ quan chức năng thanh kiểm tra mới kết luận được. Còn hai hợp đồng tư vấn môi giới dự án ký trùng và sau ngày bán đất là có vấn đề. “Liên quan đến vụ này, cơ quan chức năng cũng đang điều tra làm rõ. Tuy nhiên để trả lời chính xác cho báo chí thì cần phải kiểm tra lại thủ tục hồ sơ giấy tờ vì khi tôi về Petroland, việc chuyển nhượng đã thực hiện xong”, ông Long nói.
Ông Đào Việt Anh, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh BR-VT, cho biết tháng 3.2018 có giải quyết một hồ sơ Petroland chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Vũng Tàu - Sài Gòn, với diện tích hơn 2,85 ha tại TP.Vũng Tàu. Theo hồ sơ chuyển nhượng mà Petroland đã cung cấp cho Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh BR-VT có các văn bản liên quan, trong đó có quyết định thu hồi dự án, nghị quyết của Petroland đồng ý cho bán diện tích đất trên...
Căn cứ vào hiện trạng đất thì thời điểm chuyển nhượng không có văn bản thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đất không có tranh chấp nên đủ điều kiện để công ty này (Petroland) bán cho Công ty Vũng Tàu - Sài Gòn.
Nguyễn Long
|
Sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả
Theo đánh giá của PVC trong đợt rà soát, kiểm tra về dự án trên, Petroland sử dụng 100% nguồn vốn tự có để đầu tư dự án nhưng hiệu quả sử dụng vốn giảm so với lãi suất tiền gửi ngân hàng hơn 100 tỉ đồng. Ngoài ra, toàn bộ khoản chi phí Petroland đã giải ngân cho khoản đầu tư này chủ yếu là khoản thanh toán chi phí mua đất và thanh toán chi phí cho một số hợp đồng.
Hiện dự án đã bị UBND tỉnh BR-VT thu hồi chủ trương đầu tư, do vậy khoản chi phí đã giải ngân cho các hợp đồng tư vấn (7,2 tỉ đồng) và chi phí quản lý dự án (9,27 tỉ đồng) không có khả năng thu hồi, đơn vị phải hạch toán lỗ cho khoản chi phí này.
Đ.H
|
Đàm Huy
Thanh niên