Phát biểu tại phiên thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội sáng 29/8, đánh giá khá cao về sự chuẩn bị công phu của dự án luật, nhưng cả chuyên gia và thành viên uỷ ban vẫn còn băn khoăn không ít.
Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Đậu Anh Tuấn nêu cảm nhận rằng dư luận còn có cách nhìn khác nhau về các dự án PPP và nếu qua báo chí thì nhìn thấy rõ định kiến về PPP.
Luật về PPP theo ông Tuấn là đạo luật rất quan trọng, đã được khởi động sớm, có tham vấn rộng rãi, chuẩn bị tốt. Song, điều ông Tuấn băn khoăn là có tới 14/102 điều đang giao Chính phủ hướng dẫn, cho thấy tính chất luật khung vẫn còn cao.
Ông Tuấn cũng nêu một vấn đề về bản chất mối quan hệ tại dự án PPP. Cho rằng theo quy trình đầu tư công thì rất chậm chạp, ông Tuấn nhấn mạnh, nếu vẫn lởn vởn giữa công và tư thì khó, phải tạo ra mô thức thứ ba, mô thức đầu tư thực sự hiệu quả tại luật này.
Trước đó, nêu một số vấn đề cần tập trung thảo luận, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng nhấn mạnh phải đánh giá vai trò của nhà nước trong dự án PPP. Bên cạnh là một đối tác trong hợp đồng thì Nhà nước còn có trách nhiệm rất quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước, ông Kiên nói.
Cũng quan tâm đến bản chất mối quan hệ công - tư tại dự án PPP, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc nhận xét hiện nay vẫn lẫn lộn công - tư. Doanh nghiệp thì cho là đầu tư tư nhân, tiền tôi bỏ ra sao lại là đầu tư công được, còn Kiểm toán Nhà nước và một số cơ quan khác thì hiểu là dự án đầu tư công nên phải vào kiểm toán.
Các nước quan niệm đây không phải quan hệ dân sự - thương mại bình thường mà đây là quan hệ hợp đồng hành chính, nghĩa là quan hệ giữa Nhà nước và tư nhân. Tuy nói là quan hệ bình đẳng, nhưng vẫn giữ lại cho Nhà nước những đặc quyền nhất định, ông Phúc nói.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu quan điểm, đây là luật về đối tác công tư, nên về mặt quản lý phải đan xen cả đầu tư công và đầu tư tư.
Liên quan đến các cơ chế đảm bảo của Chính phủ, ông Sinh cho rằng cần rút kinh nghiệm từ giám sát các dự án BOT giao thông, thực chất là chỉ định thầu, nếu doanh thu không đủ thì lại điều chỉnh giá. Luật PPP cần phải đấu thầu, mà đã đấu thầu thì phải lời ăn lỗ chịu và nhà nước có chia rẻ rủi ro trong trường hợp bất khả kháng, nhưng thế nào là bất khả kháng thì phải quy định rõ trong luật.
Đã đấu thầu thì lời ăn lỗ chịu chứ không thể như thời gian vừa qua, doanh thu không đạt thì tăng vé, tăng thời gian thu phí, ông Sinh nhấn mạnh.
Còn về cơ chế chia sẻ rủi ro, dự thảo luật quy định, đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trên nhưng chưa đảm bảo được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Quy định này, theo ông Sinh là không bình đẳng với các dự án không phải do hai cấp này quyết định, mà đã là cơ chế thì phải bình đẳng.
PPP là đầu tư công, phải phù hợp với Luật Quản lý tài sản công, Luật Đầu tư công, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bà Nguyễn Vân Chi nêu quan điểm.
Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, bà Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa nhà nước và nhà đầu tư còn rất chung chung, mới chỉ mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, tạo ra kẽ hở lớn.
Quy định về điều chỉnh hợp đồng theo bà Tuyết cũng còn nhiều kẽ hở, khi mà điều 45 dự thảo luật quy định các bên ký kết hợp đồng được điều chỉnh thời hạn hợp đồng trong trường hợp chậm trễ hoàn thành hoặc gián đoạn việc vận hành do hoàn cảnh vượt quá tầm kiểm soát hợp lý của một bên. Hay, doanh thu của doanh nghiệp dự án vượt quá hoặc thấp hơn mức doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng...
Quy định như vậy không có ý nghĩa ràng buộc, phải quy định cụ thể hơn, bà Tuyết góp ý.