Thứ Ba, 06/08/2019 13:32

Kết quả kinh doanh ngành dầu khí: Nhiều nhân tố gây bất ngờ

Bức tranh sản xuất kinh doanh ngành dầu khí quý 2/2019 có cải thiện đáng kể, trong đó có một số nhân tố gây bất ngờ như PVD, PVCPVB cả ở khía cạnh lạc quan và bi quan.

Một số chỉ tiêu tài chính của các doanh nghiệp ngành dầu khí 6 tháng 2019

Theo CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị này tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như giá dầu thô diễn biến phức tạp, khó lường; khoảng cách chênh lệch giữa giá sản phẩm và dầu thô (spread crack) giảm mạnh so với kế hoạch; nguồn cung xăng dầu trong nước được bổ sung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn làm tăng thêm sự cạnh tranh; chính sách thuế nhập khẩu dầu thô chưa được tháo gỡ... Có thể do vậy mà Công ty chỉ thực hiện được hơn 311 tỷ đồng lãi ròng trong quý 2, nâng lũy kế 6 tháng lên gần 900 tỷ đồng, còn cách khá xa so với kế hoạch cả năm tận 2,939 tỷ đồng. Do BSR chuyển sang công ty cổ phần từ đầu tháng 7/2018 nên kết quả này không thể đánh giá được tình trạng của BSR so với cùng kỳ có biến động như thế nào.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (UPCoM: OIL) cũng là đơn vị được cổ phần hóa trong giai đoạn giữa năm 2018 nên không thể so sánh cùng kỳ. Chỉ biết, trong 6 tháng đầu 2019, OIL đã thực hiện được gần 76% kế hoạch lãi ròng cả năm khi đạt 190 tỷ đồng.

Lãnh đạo OIL lý giải, bên cạnh những diễn biến bất lợi của giá dầu thế giới thì việc điều hành xăng dầu của Chính phủ, biểu thuế Bảo vệ môi trường, chiết khấu thị trường giảm xuống rất thấp, sự khan hiếm mặt hàng xăng do nguồn cung thiếu ổn định từ các nhà máy lọc dầu trong nước… đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xăng dầu nội địa và hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, trong đó có OIL.

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) có lẽ là điểm sáng nhất trong bức tranh ngành dầu khí khi ghi nhận lãi ròng quý 2/2019 cao nhất từ trước đến nay với gần 225 tỷ đồng. Theo PVT, lợi nhuận tăng khá nhờ khai thác các tàu đầu tư mới có hiệu quả, đồng thời Công ty cũng tăng doanh thu tài chính từ việc ghi nhận cổ tức trong quý 2/2019. Từ đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, PVT đã vượt gần 10% kế hoạch lợi nhuận đề ra của cả năm.

Cũng không kém cạnh PVT là bao, Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) đã suýt soát kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ trong vòng 6 tháng khi đạt 565 tỷ đồng. Tuy nhiên, riêng trong quý 2/2019, PVS lại ghi nhận kết quả kém khả quan khi giảm gần 17% so cùng kỳ chủ yếu do tăng trích lập bổ sung một số khoản dự phòng về công nợ. Ngoài ra, một công ty con của PVS tiếp tục phải thực hiện lập và trình bày báo cáo tài chính cho trường hợp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục theo quy định.

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) cũng là điểm sáng trong quý 2/2019 sau quý đầu năm thua lỗ. Cụ thể, PVD ghi nhận mức lãi ròng quý 2 hơn 111 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so mức lỗ 67 tỷ đồng của cùng kỳ.

Theo giải trình của PVD, dù doanh thu quý 2 giảm 38% so cùng kỳ do ảnh hưởng từ hoạt động thương mại cung ứng nhân lực. Tuy nhiên, lãi ròng khả quan nhờ hiệu suất sử dụng giàn tăng từ mức 85% so cùng kỳ lên 90%. Thêm vào đó, PVD ghi nhận thuế nhà thầu tạm nộp tại Malaysia như là 1 khoản phải thu trong tương lai. Công ty cũng áp dụng thời gian khấu hao lên 35 năm đối với giàn khoan PV Drilling 2, 3 và 4. Nhờ đó, dù quý 1 lỗ hơn 87 tỷ đồng nhưng với tình hình khả quan của quý 2 đã kéo 6 tháng của PVD đạt lãi ròng 24 tỷ đồng. Kết quả này cũng giúp PVD sáng cửa hơn trong việc đảm bảo kế hoạch không lỗ trong cả năm 2019.

Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) - “ông lớn” đầu ngành lại đi ngược với các doanh nghiệp khác khi báo lãi ròng quý 2 quay đầu giảm gần 4%, về mức hơn 3,008 tỷ đồng. Điều này cũng được lý giải từ việc ảnh hưởng của giá dầu khi dầu bình quân quý 2/2019 là 68.82 USD/thùng, giảm 7% so với mức 74.39 triệu USD/thùng của quý 2/2018. Thêm vào đó, từ quý 2/2019, GAS trích quỹ thu dọn mỏ với 390 tỷ đồng.

Dù vậy, nhờ lãi quý 1/2019 khả quan nên lũy kế 6 tháng đầu năm, GAS vẫn tăng 6% lợi nhuận so cùng kỳ khi đạt 6,037 tỷ đồng. Theo đó, GAS đã thực hiện được hơn 80% kế hoạch lãi ròng cả năm chỉ trong 6 tháng.

Ở khâu bán lẻ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) đưa ra lý do cho sự sụt giảm hơn 3% lãi sau thuế trong quý 2/2019 là do giá xăng dầu biến động khác biệt giữa các chu kỳ kinh doanh, PLX đã điều hành chính sách giá trong nội bộ giữa công ty mẹ và các đơn vị kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo với yếu tố cạnh tranh tại các vùng thị trường.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (HOSE: PMG) cũng báo lãi quý 2/2019 giảm mạnh gần 61% so cùng kỳ trong khi doanh thu ghi nhận mức tăng trưởng gần 25%. Theo giải trình của PMG, sở dĩ quý 2/2019 doanh thu tăng trưởng cao trong khi lãi ròng giảm mạnh do Công ty đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phân phối, phát triển thị phần. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường mới và tăng quy mô hệ thống tồn trữ nên chi phí bán hàng tăng 6% so cùng kỳ. Thêm vào đó, quý 2/2019 giá gas thế giới giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến lợi nhuận sau cùng của Công ty. Ngoài ra, kỳ này PMG không có khoản lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn tại Việt Thái như cùng kỳ 2018. Ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khiến lợi nhuận 6 tháng của PMG mới thực hiện được 40% kế hoạch đề ra.

CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB) là đơn vị có kết quả kinh doanh bi quan nhất trong ngành dầu khí khi báo lỗ gần 18 tỷ đồng trong quý 2, nâng lũy kế 6 tháng lên con số âm gần 30 tỷ đồng. Theo PVB, kỳ này Công ty chưa thực hiện được các hợp đồng bọc ống có giá trị cao như cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu đạt được không đủ bù đắp chi phí khấu hao vào lương... khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Nhìn qua có thể thấy, chặng đường 6 tháng đầu năm của phân nửa các doanh nghiệp dầu khí bước đi còn khá dè dặt và cần phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian còn lại để thực hiện được kế hoạch đã đề ra. Phân nửa còn lại thì chỉ cần túc tắc khi mà 6 tháng đầu năm đã gần hoàn thành kế hoạch cho cả năm.

Minh An

Fili

Các tin tức khác

>   VIG: Báo cáo tài chính quý 2/2019 (06/08/2019)

>   BRR: Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 (06/08/2019)

>   VIN: Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 (công ty mẹ) (06/08/2019)

>   VIN: Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 (06/08/2019)

>   XPH: Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 (06/08/2019)

>   APT: Nghị quyết Hội đồng quản trị (06/08/2019)

>   CDR: Nghị quyết Hội đồng quản trị (06/08/2019)

>   CC1: Nghị quyết Hội đồng quản trị (06/08/2019)

>   BDC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (06/08/2019)

>   DHB: Ký hợp đồng kiểm toán (06/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật