Hàng quán đắt khách nhờ lên "app" gọi món
Hơn 1 năm trở lại đây, các dịch vụ giao đồ ăn thông qua ứng dụng (app) trên điện thoại bùng nổ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước làm thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người.
Người dân TP HCM hiện nay đã không còn xa lạ với các quán ăn, tiệm trà sữa tấp nập những người mặc áo xanh, áo đỏ, áo vàng của Now, GrabFood, Go-Food, BEAMIN,... Những quán xá nằm trong hẻm hay tầng cao của chung cư cũng được tài xế giao hàng tìm tới.
Nhiều người kinh doanh đồ ăn hiện nay không còn phải lo đủ thứ về mặt bằng, sắm sửa vật dụng, trang trí quán, kiếm người phục vụ, dọn dẹp… mà chỉ cần tập trung nấu ăn ngon, sạch, lạ để thu hút sự hiếu kỳ của cư dân mạng, vì đây là đối tượng khách hàng chính thường xuyên sử dụng các ứng dụng đặt món.
Người dân TP HCM hiện nay không còn ngạc nhiên với cảnh nhiều tài xế giao thức ăn xếp hàng để chờ tới lượt đặt món và mang đi.
|
Một số cửa hàng ăn uống cho biết khi kết nối với các ứng dụng họ thuận lợi hơn trong việc truyền thông và quảng bá cửa hàng, món ăn, đồ uống, còn khách hàng cũng yên tâm hơn khi đặt hàng qua các ứng dụng này.
Chủ quán cơm 86 (151 Cô Giang, quận 1) cho biết vì quán nhỏ nằm trong hẻm nên trước đây thường vắng khách, nhờ ứng dụng giao đồ ăn mà quán cô buôn bán khá hơn, nhiều người biết đến. "Từ khi bắt tay với các ứng dụng đặt món, doanh thu của quán ngày càng tăng" – chủ quán này khoe.
Việc kinh doanh của các hàng quán trở nên khấm khá nhờ đội ngũ giao hàng này
|
Còn cô Nga, bán xôi ở hẻm 117 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, trước đây gánh xôi của cô rất vắng, buôn bán thất thường, chủ yếu bán cho khách quen, có hôm ế tới hơn nửa gánh, cô phải mang cho gia đình, hàng xóm. Gần đây cô được mấy đứa con mua cho chiếc điện thoại, chỉ cách lên mạng và kết nối với các ứng dụng gọi món trực tuyến, gánh xôi của cô đông khách hơn hẳn. Chẳng những không ế mà cô phải nấu thêm xôi mới đủ bán đến chiều tối.
Tài xế nữ tham gia giao hàng ngày càng nhiều
|
Anh Khải, một tài xế chạy GrabBike kiêm luôn GrabFood, cho biết bên cạnh việc chạy chở khách, anh còn nhận giao đồ ăn vào giờ cao điểm, từ 11 giờ đến 13 giờ, mỗi đơn hàng anh được thưởng 10.000 đồng, nhiều khi gặp khách sang, món ăn vừa ý còn được tiền "tip". Nhờ đó mà thu nhập cải thiện đáng kể.
Theo tìm hiểu của phóng viên, với dịch vụ giao đồ ăn, tuy quãng đường ngắn hơn chở khách nhưng tài xế có được nhiều điểm thưởng từ hãng, cũng như khuyến mãi, giảm giá ngay tại các cửa hàng. Vì vậy thu nhập của họ đôi khi còn khá hơn những tài xế chở khách bình thường.
Các cửa hàng đăng ký nhiều ứng dụng cùng lúc để tiếp cận với lượng khách hàng đông hơn
|
Theo những chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống, các ứng dụng gọi món hay đặt món xuất hiện thời gian qua không chỉ giúp ích cho cửa hàng, tài xế mà đang dần thay đổi thói quen và nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng thành thị. Khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, yên tâm hơn nhờ dịch vụ và có nhiều ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn. Khi đặt món, họ thường không đặt một món, lợi dụng việc mua nhiều món trên một đơn hàng để tiết kiệm phí "ship" và ưu đãi nên tuy dù chỉ 1 đơn nhưng cửa hàng bán được khá nhiều món, doanh thu từ đó cũng tăng vọt. Các hàng quán lại trích một phần nhỏ doanh thu đó cho các chương trình ưu đãi, giảm giá cũng như phí giao hàng cho tài xế. Kết quả là các bên đều được lợi.
Sự tham gia của nhiều ứng dụng giao hàng, đặt món làm tăng tính cạnh tranh ở lĩnh vực này. Ngược lại, người tiêu dùng và các cửa hàng lại được lợi
|
Bài-ảnh: Ngọc Ngân
Người lao động