Dow Jones “bốc hơi” 800 điểm, chứng kiến phiên tồi tệ nhất trong năm 2019
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Tư (14/08), trong đó Dow Jones chứng kiến phiên tồi tệ nhất từ đầu năm 2019 đến nay sau khi thị trường trái phiếu phát đi tín hiệu đáng lo ngại về nền kinh tế Mỹ, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 800.49 điểm (tương đương 3.05%) xuống 2,5479.42 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất về phương diện phần trăm từ đầu năm đến nay và là phiên giảm nhiều điểm thứ 4 mọi thời đại. Chỉ số S&P 500 mất 85.72 điểm (tương đương 2.93%) còn 2,840.6 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite sụt 3.02% xuống 7,773.94 điểm. Dow Jones đã xóa sạch toàn bộ đà phục hồi từ đợt bán tháo hồi đầu tháng 8 và rớt xuống đáy 2 tháng.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vào ngày thứ Tư tích tắc thấp hơn mức lợi suất kỳ hạn 2 năm, một hiện tượng bất thường trên thị trường trái phiếu là một chỉ báo đáng tin cậy về suy thoái kinh tế. Nhà đầu tư, vốn lo ngại về tình hình nền kinh tế, đã đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn dài hạn, đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm xuống đáy kỷ lục mới trong ngày thứ Tư.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhuốm sắc đỏ khi các ngân hàng gặp khó khăn hơn trong việc tạo ra lợi nhuận cho vay ở một môi trường như vậy. Cổ phiếu Bank of America và Citigroup lần lượt giảm 4.6% và 5.3%, còn cổ phiếu J.P. Morgan rớt 4.2%. Lĩnh vực tài chính rơi vào khu vực điều chỉnh, lao dốc hơn 10% từ mức đỉnh gần đây.
Theo dữ liệu của Credit Suisse, đã có 5 lần đảo ngược giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và kỳ hạn 10 năm kể từ năm 1978 và tất cả đều xảy ra trước khi có suy thoái kinh tế. Một cuộc suy thoái xảy ra vào 22 tháng sau sự đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu, dữ liệu từ Credit Suisse cho thấy. Và S&P 500 thực sự bình quân tăng 15% trong 18 tháng sau sự đảo ngược lợi suất trước khi quay đầu.
Tuy nhiên, tín hiệu trên đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn vào ngày thứ Tư. Lần cuối cùng phần quan trọng này của đường cong lợi suất bị đảo ngược là trong khoảng thời gian bắt đầu vào tháng 12/2005, 2 năm trước khi suy thoái kinh tế xảy ra do cuộc khủng hoảng tài chính.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày thứ Tư đã đả kích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và “người không có năng lực” Jerome Powell, đổ lỗi Cơ quan này đã “kìm giữ chúng ta lại”. Ông Trump cũng gọi hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất là “điên rồ”.
Cho đến nay, tháng 8 là tháng đầy biến động đối với thị trường chứng khoán. Tính cả phiên ngày thứ Tư, Dow Jones đã trồi sụt hơn 200 điểm 7 lần. Vào ngày 05/08, Dow Jones “bốc hơi” 767 điểm (tương đương 2.9%), sau đó phục hồi một phần đà sụt giảm này cho đến khi lao dốc vào ngày thứ Tư.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng ngày càng lo ngại về đà giảm tốc kinh tế toàn cầu khi dữ liệu kinh tế yếu hơn dự báo của Trung Quốc đã góp phần làm ảm đạm triển vọng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Dữ liệu chính thức công bố vào ngày thứ Tư cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc lùi xuống 4.8% trong tháng 7 so với tháng trước đó, mức tăng trưởng yếu nhất trong 17 năm.
Góp phần vào nỗi lo ngại ngày thứ Tư là dữ liệu GDP tiêu cực của Đức, làm tăng nguy cơ nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang trên bờ vực rơi vào suy thoái. GDP khu vực đồng Euro cũng chỉ nhích 0.2% trong quý 2, một sự chậm lại đáng kể từ mức tăng 0.4% trong quý 1.
An Trần
Fili
|