Dù đang nắm một lượng tiền mặt khổng lồ, tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett, bất ngờ bán ròng cổ phiếu trong quý 2 vừa qua.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo được Berkshire công bố mới đây cho biết, "đế chế" này bán ròng 1 tỷ USD cổ phiếu trong quý 2, đánh dấu đợt bán ròng mạnh nhất kể từ cuối năm 2017. Năm ngoái, Buffett đã miệt mài mua cổ phiếu Apple và cổ phiếu loạt ngân hàng lớn nhất của Mỹ.
Việc bán ròng cổ phiếu cho thấy xu hướng tăng của chứng khoán Mỹ năm nay có vẻ không gây được ấn tượng tốt với Buffett. Trong tháng 7 vừa qua, cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall, gồm S&P 500, Dow Jones và Nasdaq, đều đạt mức cao chưa từng thấy trong lịch sử, một phần nhờ chính sách tiền tệ chuyển sang mềm mỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Việc Berkshire sở hữu quá nhiều tiền mặt vốn là một vấn đề "đau đầu" của Buffett trong suốt nhiều năm, nhưng ông thường không vội vã mà luôn chờ đợi những cơ hội tốt mới đầu tư. Mấy năm gần đây, Buffett không có vụ thâu tóm nào lớn, cộng thêm việc bán ròng cổ phiếu trong quý 2, nên không có gì là khó hiểu khi khối tiền mặt của Berkshire đã tăng lên mức kỷ lục 122 tỷ USD.
Khối tiền mặt khổng lồ này phản ánh sức mạnh của hoạt động sản xuất-kinh doanh tại các công ty con mà Berkshire đã thâu tóm trong nhiều năm qua, đồng thời mang lại cho Buffett khả năng dễ dàng nắm bắt các cơ hội thâu tóm. Tuy nhiên, ông từng thừa nhận rằng việc nắm hơn 100 tỷ USD tiền mặt mà không mang lại nhiều lợi nhuận từ số tiền này là một vấn đề gây sức ép lên tăng trưởng của tập đoàn.
Nhà đầu tư huyền thoại 88 tuổi từng có một thời kỳ dài luôn đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với toàn thị trường. Nhưng tỷ suất lợi nhuận của Berkshire đã ở mức thấp hơn so với mức tăng của chỉ số S&P 500 trong 5-10-15 năm qua. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Berkshire đã trở nên quá lớn để tạo ra lợi nhuận lớn, và liệu số tiền mặt mà tập đoàn đang nắm giữ nên được trả lại cho cổ đông thay vì chờ để rót vào một thương vụ lớn.
Đây không phải là lần đầu tiên Berkshire ở trong tình trạng "không biết phải làm gì vì có quá nhiều tiền".
Vào cuối năm 2004, lượng tiền mặt của Berkshire đạt kỷ lục 43 tỷ USD, và Buffett đã phải đợi 4 năm, cho tới năm 2008 - khi thị trường chứng khoán tụt dốc thê thảm vì khủng hoảng tài chính - mới nhảy vào bắt đáy.
Năm ngoái, Buffett nói rằng việc thâu tóm các doanh nghiệp đang quá đắt đỏ so với ý muốn của ông, nên ông chỉ rót vốn mua cổ phiếu. Trong đó, Berkshire đã chi 15 tỷ USD mua cổ phiếu Apple, ngoài ra tập đoàn cũng mua thêm nhiều cổ phiếu ngân hàng và hàng không. Tuy nhiên, cổ phần của Apple trong nhiều công ty trong số này đã ở gần ngưỡng sở hữu 10% mà Buffett nói là ông không muốn vượt qua.
Xu hướng tăng của chứng khoán Mỹ khiến các cơ hội cho Buffett càng trở nên hạn hẹp, nhưng cũng giúp cho giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu của ông vượt ngưỡng 200 tỷ USD, tăng 7,9 tỷ USD so với quý 1. Lợi nhuận ròng của Berkshire nhờ đó đạt 14,1 tỷ USD, tăng 17%.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư có vẻ như không mấy phấn khích với cổ phiếu Berkshire. S&P 500 đã tăng 17% trong năm nay, nhưng giá cổ phiếu A của Berkshire hầu như không thay đổi.