Thứ Hai, 05/08/2019 08:25

Đã đến lúc ra tay "dưỡng biển"

Hàng loạt địa phương chứng kiến cảnh tàu cá nằm bờ do hải sản cạn kiệt trong lúc chi phí tăng cao, thiếu nhân lực. Nhiều tiếng nói đề nghị phải hạn chế đánh bắt một số thời điểm để "dưỡng biển".

Đã đến lúc ra tay dưỡng biển - Ảnh 1.
Hàng trăm tàu cá ở Khánh Hòa đang phải nằm bờ dài ngày - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Cá ngày càng ít, thi thoảng có thông tin trúng lớn nhưng nhiều ngư dân chia sẻ tình trạng thua lỗ, nằm bờ ngày càng nhiều.

Khoảng một nửa tàu cá nằm bờ

Sáng 28-7, tàu cá QNg 94790 do anh Nguyễn Bá Duy (quê Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) làm chủ cập cảng Bến Đá (TP Vũng Tàu). Anh Duy cho hay chuyến này hải sản đánh bắt được chỉ khoảng 100 tấn, chứa trong 3 hầm cá trong khi tàu anh có 7 hầm. "Biển ngày càng cạn cá. Những năm trước, tàu của tôi đánh bắt được luôn khoảng 200 tấn" - anh Duy nói.

Ngư dân Bùi Thanh Ninh (Tam Quan, Bình Định), có 10 ghe cá chuyên đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, cũng nhận định sản lượng cá những năm gần đây đã giảm 40% so với trước.

Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những trung tâm nghề cá lớn của phía Nam. Nhưng những tháng gần đây, khi đến các cảng cá dọc dài theo kênh Bến Đình sẽ chứng kiến cảnh tàu cá nằm bờ la liệt. Theo các ngư dân ở đây, từ nhiều tháng qua có 50-70% tàu cá nằm im trong kênh Bến Đình. Lão ngư Nguyễn Văn Mạnh ở Phước Tỉnh, huyện Long Điền, cho hay hai chiếc tàu của ông vừa cập bến sau sáu tháng đi biển đã tính ra lỗ đến 200 triệu đồng. "Rất nhiều ghe câu mực nằm bờ rao bán nhưng không có ai mua, vì mua cũng không biết để làm gì bởi cá tôm đã cạn kiệt" - một ngư dân buồn bã nói.

Theo đại diện Ban quản lý cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang), từ đầu năm đến nay số lượng tàu cá về cảng lấy đá và nhiên liệu để đi biển cũng giảm từ 1/3 đến 1/2 so với các năm. Riêng hai tháng trở lại đây, lượng tàu ra khơi đã giảm 50% so với bình thường.

Là một trong những ngư dân có đội tàu lớn, đánh bắt quanh năm, chưa bao giờ anh Lê Văn Tèo (47 tuổi, TP Nha Trang) thấy tàu cá ra khơi đánh bắt ít như hiện nay. Gia đình anh nay cũng phải để nằm bờ 3/6 tàu câu cá ngừ đại dương.

Ông Võ Khắc Én, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho hay hiện trong số 768 tàu được cấp phép đánh bắt khơi xa, toàn tỉnh chỉ có khoảng 50% lượng tàu ra khơi. Cá ít, thiếu hụt lao động và chi phí đầu tư cao cũng là nguyên nhân chính làm ngư dân ít ra khơi.

Đã đến lúc ra tay dưỡng biển - Ảnh 2.

Ông Phạm Vũ Hồng (Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang): Chỉ có cách làm hồi phục nguồn tài nguyên biển mới mong cứu vãn nghề đánh cá...

ĐBSCL cũng gặp khó

Theo thống kê của cơ quan chức năng, Kiên Giang, Cà Mau là hai tỉnh có đội tàu đánh cá lớn bậc nhất cả nước. Thế nhưng ghi nhận tại cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) - một trong những cửa biển tập trung nhiều tàu nhất Cà Mau, tình trạng tàu nằm bờ ngày càng nhiều. Tương tự, tại cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) những ngày này, hàng trăm tàu cá chủ yếu loại đánh bắt xa bờ neo đậu thành từng cụm.

Ông Trần Hon - chủ hai cặp tàu cào đôi ở huyện Châu Thành, Kiên Giang - tính toán chi phí mỗi chuyến biển kéo dài 45-60 ngày cho một cặp tàu là khoảng 1,4 tỉ đồng. Chỉ cần thất bát 1-2 chuyến là "đứt" luôn chiếc tàu.

Ngư dân cũng gặp khó. Anh Phan Thành Vũ (28 tuổi, ngụ huyện An Biên, Kiên Giang, từng đi biển từ năm 16 tuổi) chia sẻ cách đây 5 năm, mỗi tháng đi biển anh đem về nhà bình quân 10 triệu đồng. Nhưng nay số tiền này giảm hơn một nửa nên anh đã rời tàu cá lên bờ làm thợ hồ, thu nhập mỗi ngày được 250.000 đồng, lại gần gũi vợ con.

Thống kê từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Kiên Giang cho thấy tháng 7-2019, số lượng tàu cá làm thủ tục xuất bến ra biển đã giảm khoảng 40% so với tháng trước.

Hồi phục tài nguyên biển là cách duy nhất

Dù tàu ra khơi ít hơn nhưng với tốc độ khai thác như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần khẩn cấp có biện pháp "dưỡng biển".

Ông Quảng Trọng Thao, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, nhận định từ đầu tháng 7 tới nay, lượng tàu cá neo đậu trong bờ khá nhiều, có thể có nguyên nhân chủ tàu e ngại quy định mới của Chính phủ các tàu này đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Sau mỗi chuyến biển, hải sản đem vào bờ còn phải truy xuất nguồn gốc... Nếu bị phát hiện vi phạm sẽ bị phạt cao nhất lên tới 1 tỉ đồng, rút giấy phép khai thác...

Tuy nhiên, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khẳng định chính việc khai thác tận diệt làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển đã khiến hàng loạt tàu cá phải nằm bờ. Tình trạng này kéo dài ít nhất phải tới cuối năm 2020.

Ông Hồng phân tích Kiên Giang có đội tàu hùng hậu nhất nước nhưng khai thác không chọn lọc. Ước tính chỉ 20% số thủy sản khai thác là có thể chế biến xuất khẩu, còn lại bán ra thị trường với giá thấp.

"Hiện tại, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT xây dựng quy hoạch vùng biển nào khai thác vào mùa nào, khai thác bao nhiêu, loại hình nào được khai thác ở đâu đều phải quy định chặt chẽ. Chỉ có cách làm hồi phục nguồn tài nguyên biển mới mong cứu vãn nghề đánh cá của Kiên Giang" - ông Hồng nói.

Ông Hồng nhấn mạnh để cứu ngành thủy sản, trước mắt phải giảm, thậm chí dừng khai thác một thời gian, chuyển cơ cấu ngành này sang nuôi trồng, chế biến gắn với xuất khẩu.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, yêu cầu các ngành chức năng tỉnh này phải lập đề án chuyển đổi và hạn chế số lượng tàu cá mới. Theo ông Trình, vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu đã "quá tải" vì số lượng tàu cá quá nhiều.

Ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch Hiệp hội Nghề cá VN, cho rằng lâu nay ngư dân chúng ta ra khơi đánh bắt tràn lan, đánh cả vào mùa sinh sản, cá lúc này còn đang ôm bụng trứng. Điều này làm cạn kiệt dần nguồn lợi hải sản. Vì vậy, đã đến lúc phải nghiên cứu về các phương án hạn chế đánh bắt vào mùa sinh sản, đây là giải pháp quan trọng cần làm sớm.

Năm 2020 sẽ hạn chế hoạt động khai thác thủy sản có thời hạn?

Theo một lãnh đạo vụ chức năng của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đề án "Cấm, hạn chế hoạt động khai thác thủy sản có thời hạn ở vùng biển VN" đang trong giai đoạn lấy ý kiến để hoàn thiện. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau của các địa phương vì liên quan đến sinh kế của người dân, an sinh xã hội. Tổng cục Thủy sản đang gấp rút đẩy nhanh để hoàn thành trình Thủ tướng ban hành trong năm 2019 và tiến hành triển khai trong năm 2020.

Nguồn tin trên công nhận nguồn lợi hải sản biển VN đang trên đà suy giảm, đặc biệt là nguồn lợi hải sản ven bờ, vùng mà các đàn cá sẽ di chuyển vào khi đến mùa sinh sản. Trong khi đó, số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ là rất lớn, đánh bắt cả con non.

Vị này cho rằng việc cấm, hạn chế khai thác thủy sản có thời hạn phù hợp với xu thế phát triển của ngành thủy sản, góp phần ổn định sinh kế cho người dân về lâu dài. Khi xây dựng dự thảo đề án, Tổng cục Thủy sản đã lên kế hoạch hỗ trợ ngư dân như chuyển đổi nghề, hỗ trợ giải quyết phương tiện cho ngư dân khi chuyển đổi nghề, hỗ trợ đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần...

Cấm nghiêm ngặt đánh bắt tận diệt gần bờ

Theo lão ngư Nguyễn Văn Mạnh, nguyên nhân chủ yếu tình trạng cá mực ngoài khơi xa không còn là do nạn đánh bắt tận diệt ở gần bờ. Đó là do đánh bắt bằng các hình thức giã cào, kích điện, thuốc nổ, rập bát quái. Phải cấm, cấm tiệt hình thức này thì cá tôm mới sinh sôi, mới nảy nở...

Ông Trương Văn Ngữ - chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, Kiên Giang - cũng có 6 cặp tàu lưới kéo, 5 cặp nằm bờ vô thời hạn. Đồng tình với giải pháp của chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cần hạn chế đánh bắt một thời gian, tuy nhiên ông cho rằng cái quan trọng trước mắt cần phải làm là dẹp nạn "cào bờ, xiệp mé" (người dân dùng vỏ lãi lắp động cơ công suất lớn cào thủy sản sát bờ - PV). Theo ông Ngữ, phần lớn loài thủy sản đều sinh sản gần bờ, nhưng đêm nào cũng có ngàn vỏ lãi cào nát bờ biển từ An Minh chạy dài lên tới Hà Tiên thì thử hỏi ngư trường nào không cạn kiệt. "Cái này chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần... Chính quyền địa phương cam kết xử lý nghiêm thì chỉ cần 1-2 năm là ngư trường sẽ hồi phục" - ông Ngữ nói.

Nhiều nơi chuyển đổi thành công

rung dua 8 5(read-only)

Ngư dân xã Cẩm Thanh bỏ nghề cá để làm dịch vụ đưa khách tham quan rừng dừa Cẩm Thanh, Hội An - Ảnh: LÊ TRUNG

Ở nhiều địa phương, ngư dân đã chuyển đổi nghề thành công.

Tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) có rất nhiều ngư dân đã bỏ biển, bán tàu để đầu tư làm dịch vụ du lịch. Ở xã Cẩm Thanh, rất đông ngư dân đã bỏ đi biển, đầu tư làm dịch vụ du lịch ở rừng dừa Cẩm Thanh. Ngư dân Nguyễn Văn Phương kể gia đình ông đã bán tàu, chuyển sang làm dịch vụ chèo thuyền thúng đưa du khách tham quan rừng dừa Cẩm Thanh, thu nhập mỗi tháng gia đình kiếm được 15-20 triệu đồng.

Tương tự, tại Đà Nẵng, nhiều ngư dân đã "lên bờ" do sức hút của ngành du lịch. Đầu năm nay, ngư dân Văn Bảy (quận Thanh Khê) đã chính thức nói lời tạm biệt với biển sau khi bán con tàu hơn 300CV hơn một năm nằm bờ. "Con tui xin đi làm cứu hộ trong khu nghỉ dưỡng. Tui ra chợ thủy sản phụ vợ buôn bán" - ông Bảy nói.

Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, ngành thủy sản tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nghề cá để khảo sát, điều tra, thu thập thông tin về tổng số lao động sản xuất các nghề cá, đánh giá đúng thực trạng để đề ra những giải pháp hỗ trợ ngư dân chuyển nghề lên bờ làm dịch vụ, du lịch, thương mại.

Ngoài ra, có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh thực hiện đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân sản xuất ven bờ với nhiều chính sách như đào tạo nghề cho ngư dân, tiếp cận vốn vay, lãi suất vốn vay cũng như tạo môi trường thuận lợi để ngư dân thuận tiện tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại.

Không giải quyết sẽ ngày càng khó khăn hơn

Ông Lâm Văn Phú - phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) - cho hay gần hai năm nay, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, hiệu quả đánh bắt ngày càng đi xuống nên ngày càng có nhiều tàu cá nằm bờ, trong đó kể cả tàu đóng theo nghị định 67.

Tàu cá nằm bờ ngày càng nhiều có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là nguồn lợi thủy sản không được bảo vệ tốt, bị khai thác kiệt quệ.

Cần mạnh tay xử lý tàu cá khai thác không đúng quy định, quy hoạch lại đội tàu khai thác, đặc biệt phải có biện pháp bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nếu không thì tàu cá sẽ nằm bờ càng nhiều thêm, nghề khai thác thủy sản không mang tính bền vững.

K.NAM - C.HẠNH - N.HÙNG - Đ.HÀ - Đ.CƯƠNG - L.TRUNG - TR.TRUNG - C.TUỆ

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Cứ hai ngày lại có một sản phẩm mỳ gói ra đời (04/08/2019)

>   Nguy cơ vạ lây nếu nhập nhằng xuất xứ (04/08/2019)

>   "Made in Vietnam": Giám sát để hàng Việt không bị nghi ngờ, gian lận (04/08/2019)

>   Tháp gió Việt Nam xuất sang Mỹ bị điều tra chống bán phá giá (03/08/2019)

>   Chính phủ "ôm nợ" tỉ đô cho nhiều "ông lớn" (03/08/2019)

>   Lúng túng dán nhãn hàng Việt (03/08/2019)

>   “Made in Vietnam” và ngoại thương (02/08/2019)

>   Dệt may không rộng cửa trong EVFTA vì khó về nguyên phụ liệu? (02/08/2019)

>   Bộ Công Thương đưa ra tiêu chí "made in Vietnam" (02/08/2019)

>   Việt Nam thiếu phi công, thiếu cả giám sát bay (02/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật