Thứ Năm, 29/08/2019 13:58

Chuẩn bị cho các cú sốc tiền tệ

Thị trường tài chính quốc tế đang trải qua giai đoạn đầy giông bão, khiến nhiều quốc gia đẩy mạnh phá giá đồng tiền và nới lỏng chính sách như là một giải pháp ứng phó với những bất ổn và nguy cơ suy thoái. Trong đó, Trung Quốc nổi lên như là người ra tay mạnh nhất. Dù tiền đồng vẫn giữ được sự ổn định, nhưng việc chuẩn bị cho các cú sốc tiền tệ trong tương lai là điều cần thiết.

Tiền đồng chịu áp lực lớn

Chỉ trong 3 ngày đầu tuần này, đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã mất giá thêm gần 1% so với USD, sau khi Bắc Kinh và Washington tuyên bố gia tăng các hàng rào thuế quan lên hàng hóa lẫn nhau vào cuối tuần qua. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, cặp tỷ giá USD/CNY đã tăng gần 4.1%, đánh dấu tốc độ phá giá mạnh nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) kể từ đợt phá giá hơn 3% trong 3 ngày liên tiếp 11, 12 và 13/8/2015.

Ở chiều ngược lại, đồng USD cũng đang tăng giá trở lại so với các đồng tiền chính khác. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh đã phục hồi lên lại trên mốc 98 điểm sau phiên lao dốc về tận vùng 97 điểm vào hôm 23/8. Bất chấp nỗi e ngại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục giảm thêm lãi suất trong những tháng còn lại của năm nay, giới đầu tư vẫn đang lựa chọn đồng USD - đồng tiền của nền kinh tế vững chắc nhất thế giới, như một tài sản an toàn.

Hệ quả là tỷ giá trung tâm USD/VNĐ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng tăng khá mạnh trong những ngày gần đây, do chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ đồng USD và nhân dân tệ khi đây là 2 đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Việt Nam. Từ đầu tháng 8 đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 56 đồng, lên mức 23,129 đồng tính đến ngày 28/8, dù giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng lẫn thị trường tự do vẫn khá ổn định.

Trong tình hình nguồn cung ngoại tệ trên thị trường hiện nay vẫn tích cực, với dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tiếp chảy ròng vào Việt Nam và cán cân thương mại hàng hóa đã thặng dư lớn trở lại từ tháng 7 vừa qua, thì sự điều chỉnh tăng mạnh của tỷ giá trung tâm cho thấy áp lực từ diễn biến thị trường tiền tệ quốc tế lên tỷ giá trong nước là rất lớn.

Trên thực tế, không chỉ Trung Quốc ra tay phá giá tiền tệ mà một loạt các ngân hàng trung ương (NHTW) khác trong khu vực cũng đã và đang chủ động làm suy yếu đồng tiền của mình để ứng phó với nhân dân tệ. Đồng Won Hàn Quốc đã giảm giá hơn 2.2% so với USD từ đầu tháng 8 đến nay, đồng Ringgit của Malaysia mất gần 2.1%, đồng Rupiah của Indonesia rớt 1.7%, đô la Singapore mất 1.1% so với USD trong cùng khoảng thời gian.

Trước những diễn biến trên, tiền đồng dù ghi nhận mức giảm giá khá lớn so với USD trong tháng này nhưng so với sự mất giá mạnh của các đồng tiền khác trong khu vực thì không đáng là bao. Theo đó, vô hình chung tiền đồng đã tăng giá so với các đồng tiền nói trên. Cụ thể, tiền đồng đã tăng 2.5% so với nhân dân tệ, tăng hơn 2% so với đồng Won, tăng 1.2% so với Rupiah và 1.2% so với đồng Ringgit và đô la Singapore.

Cẩn trọng với các cú sốc

Chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam hiện nay có thể nói đang lâm vào thế lưỡng nan, nếu có động thái phá giá mạnh tiền tệ thì không chỉ gây bất ổn cho nền kinh tế mà còn có thể bị Washington đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, như cách mà chính quyền Trump đã cáo buộc Trung Quốc sau đợt để nhân dân tệ phá vỡ “lằn ranh đỏ” ở mốc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD hồi đầu tháng này. Ngược lại, nếu tiếp tục kìm giữ tỷ giá có thể gây mất lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu cũng như không phản ánh đúng sức mạnh và giá trị của đồng nội tệ.

Tuy nhiên, đó có thể chưa phải là vấn đề lớn nhất hiện nay. Trước tình hình cuộc chiến tranh tiền tệ đã được khơi mào giữa các nước lớn, những nền kinh tế nhỏ hơn có thể bị vạ lây và gánh lấy những thiệt hại không mong muốn. Khi niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu suy giảm trước nguy cơ khủng hoảng và suy thoái, dòng vốn quốc tế có thể lại tháo chạy và các nền kinh tế đang phát triển có thể đối mặt với các cuộc tấn công tiền tệ không mong muốn.

Một số báo cáo gần đây đánh giá Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi thu hút được dòng vốn từ Trung Quốc dịch chuyển sang. Đây cũng chính là yếu tố góp phần cải thiện nguồn cung ngoại tệ và hỗ trợ cho thị trường ngoại hối vẫn giữ được sự ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên, cần phải nghĩ đến kịch bản một khi dòng vốn này bất ngờ đảo chiều, hoặc mức độ phá giá tiền tệ của Trung Quốc ngày một mạnh hơn, thì có thể gây ra những cú sốc về tỷ giá là điều cần phải lường trước.

Để có thể đủ tiềm lực đối phó với những cú sốc tiền tệ trong tương lai nếu không may Việt Nam bị kéo vào một cuộc chiến tiền tệ không mong muốn, NHNN có lẽ nên tiếp tục tăng cường kho dự trữ ngoại hối, đặc biệt trong bối cảnh thuận lợi dòng vốn đổ vào nhiều. Theo cập nhật gần đây nhất, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện xấp xỉ 66.3 tỷ USD, tăng thêm 8.3 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2018, tuy nhiên con số này chỉ tương đương với 13 tuần nhập khẩu, chỉ vừa đủ mức tương đối an toàn.

Với việc Việt Nam gần đây thay đổi cách tính tổng sản phẩm nội địa (GDP) bằng cách bổ sung thêm các lĩnh vực phi chính thức đã giúp tổng giá trị GDP tăng lên, do đó một loạt các chỉ tiêu an toàn tính theo GDP cũng đã được tăng lên, bao gồm cả các chỉ số để căn cứ vào đó đánh giá một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không là thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và mua ròng ngoại hối trong 6 tháng liên tiếp với tổng số tương đương 2% GDP. Do đó, nhà điều hành có thể tăng hạn mức để tiếp tục mua ngoại tệ vào.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo được giá trị thực của tiền đồng phù hợp với thực trạng nền kinh tế, cũng như giữ được sức hấp dẫn của đồng nội tệ thông qua việc giữ lạm phát mục tiêu và lãi suất thực ở mức phù hợp. Song song đó, nhà điều hành cần tiếp tục công cuộc chống tình trạng Đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế. Việc thị trường vàng tăng mạnh gần đây cũng cần được chú ý để có các giải pháp ứng phó phù hợp.

Cần phải nghĩ đến kịch bản một khi dòng vốn đầu tư bất ngờ đảo chiều, hoặc mức độ phá giá tiền tệ của Trung Quốc ngày một mạnh hơn, thì có thể gây ra những cú sốc về tỷ giá là điều cần phải lường trước.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Kẻ đường cho Fintech (29/08/2019)

>   Cắt chỉ tiêu tín dụng nếu ngân hàng 'xé rào' lãi suất (29/08/2019)

>   Tỷ giá trung tâm tiến lên mốc mới (29/08/2019)

>   “Ông lớn” ngân hàng ngậm ngùi đi sau trong cuộc đua Basel II (28/08/2019)

>   LienVietPostBank tri ân khách hàng nhân dịp Quốc khánh 2/9 (28/08/2019)

>   Thu nhập nhân viên ngân hàng qua các năm thay đổi ra sao? (29/08/2019)

>   Hội viên Bông sen vàng và chủ thẻ ngân hàng khác được Sacombank ưu tiên cấp thẻ tín dụng (28/08/2019)

>   Sóng ngầm vay ngang hàng (28/08/2019)

>   Giá USD tiếp tục “yên ả” (28/08/2019)

>   Khởi tố 4 cán bộ ngân hàng của Trầm Bê tiếp tay siêu lừa Dương Thanh Cường (27/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật