Thứ Bảy, 20/07/2019 11:39

Xe buýt Sài Gòn nơi xin ngừng nơi trả tuyến, vì sao?

Rất nhiều hợp tác xã (HTX) xe buýt phản ảnh với Tuổi Trẻ đang gặp khó khăn và xin trả lại luồng tuyến, ngừng hoạt động. Tại sao có tình trạng này?

Xe buýt Sài Gòn nơi xin ngừng nơi trả tuyến, vì sao?  - Ảnh 1.
Tuyến xe buýt số 51 (bến xe Miền Đông - Bình Hưng Hòa) phải ngưng hoạt động vì lỗ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng cho biết sẽ tạm ngưng tuyến xe buýt số 51 (bến xe Miền Đông - Bình Hưng Hòa) từ ngày 10-7. Như vậy, năm 2018 và 2019 đã có 6/105 tuyến trợ giá ngừng hoạt động.

Nơi xin ngưng, nơi trả tuyến

HTX 19-5 cho biết đã đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP ngưng tuyến buýt số 66 (bến xe An Sương - Chợ Lớn), lý do thu không đủ bù chi suốt hai năm qua. 

Tuyến 66 trước kia có vài chục xe hoạt động, nay chỉ còn 5 xe cũ. HTX đã động viên nhiều lần, cuối cùng xã viên vẫn ngưng vì không còn khả năng tài chính.

Mới đây, 9 đơn vị gồm Liên hiệp HTX TP, Công ty CP vận tải TP và các HTX như: Quyết Tiến, Quyết Thắng, Việt Thắng, 19-5, 15, 26, 28 gửi kiến nghị lên các cấp TP bày tỏ do quá khó khăn dẫn đến nhiều tuyến phải ngưng, các tuyến còn lại ít nhiều đều rơi vào tình trạng mất ổn định. 

Các đơn vị kiến nghị các cấp TP mạnh dạn cho cắt giảm chuyến hoặc ngưng hoạt động nhằm giảm lỗ, tiết kiệm ngân sách. Cụ thể, nhiều tuyến xe buýt càng chạy càng lỗ, có thể sẽ sớm ngưng như số: 6, 14, 47, 56, 66, 94, 145... 

Các tuyến khác gồm: 13, 15, 16, 48, 57, 61, 73, 144, 151 đề nghị được giảm chuyến.

Theo 9 đơn vị này, với những tuyến cũ chưa được đầu tư xe mới, khi các đơn vị lập phương án vay vốn thì không chứng minh được hiệu quả đầu tư để ngân hàng chấp thuận cho vay nên phải sử dụng xe cũ, càng chạy càng lỗ. 

"Chúng tôi đề nghị được trả lại luồng tuyến cho Nhà nước và không tiếp tục hoạt động do thua lỗ kéo dài" - các đơn vị kiến nghị.

Làm rõ thuận lợi, khó khăn của từng tuyến

Ông Cao Thanh Bình - phó Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM - nhận định chi phí đầu tư xe buýt mới cao, nguồn nhiên liệu chưa đảm bảo, giá nhiên liệu tăng, bộ định mức đơn giá mới chưa được ban hành làm cho xe buýt gặp nhiều cái khó. 

"HĐND TP nhiều lần nhận được phản ảnh của bà con xã viên xe buýt, kiến nghị là có cơ sở nhưng có vẻ sự vào cuộc của cơ quan quản lý vẫn chưa thật sự quyết liệt" - ông Bình đánh giá.

Theo ông Bình, hiện các sở ngành đã thẩm định bộ định mức đơn giá mới, UBND TP cần xem xét để sớm ban hành bộ định mức mới cho phù hợp. 

Trong thời gian chờ đợi giải quyết kiến nghị, cơ quan quản lý xe buýt cần kêu gọi các HTX không bỏ luồng tuyến, đảm bảo thời gian để người dân đi lại không bị ảnh hưởng.

Còn theo ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, các kiến nghị của đơn vị vận tải chủ yếu liên quan đến các chính sách đảm bảo ổn định cho xe buýt như bộ định mức đơn giá, chính sách trợ giá, phương án trợ giá. 

Sau khi nhận kiến nghị, Sở GTVT đã phối hợp họp xử lý để các đơn vị vận tải yên tâm bởi các chính sách mới cũng đã trình cho UBND TP xem xét.

Kỳ vọng vào bộ đơn giá mới

Về giải pháp lâu dài, ông Cao Thanh Bình cho rằng nếu cần thiết có thể hướng tới việc đấu thầu công khai các tuyến xe buýt. TP cần có chính sách trợ giá thích hợp, công khai minh bạch tất cả các yếu tố khi mở thầu: Từ các khoản trợ giá, ưu đãi, lộ trình luồng tuyến, các trạm dừng, đón trả khách, các yêu cầu dịch vụ đặt ra, các chi phí phát sinh... 

Nếu doanh nghiệp tính toán thấy có khả năng sinh lợi, họ sẽ tham gia.

Tuy nhiên, theo ông Bình, việc chuyển sang đấu thầu cũng cần có lộ trình và sự chuẩn bị thận trọng chứ chưa thể làm đại trà được ngay. Trước mắt, nên áp dụng đấu thầu với các luồng, tuyến mới sắp mở. Riêng với các HTX có kiến nghị trả lại luồng tuyến, nếu xét thấy hợp lý, TP cũng có thể thu hồi và tiến hành cho đấu thầu để tìm nhà thầu mới.

Trong khi đó, ông Trần Chí Trung cho biết thời gian qua đơn vị đã kêu gọi các doanh nghiệp lớn như Phương Trang, Mai Linh, Vinasun vào làm xe buýt. 

Nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn chưa tham gia. "Tôi nghĩ rằng khi bộ đơn giá mới được ban hành, cùng với đó áp dụng đồng loạt các chính sách mới sẽ làm an tâm xã viên xe buýt, đồng thời thu hút hơn nữa các doanh nghiệp khác tham gia" - ông Trung nói.

Sở GTVT kiến nghị sớm ban hành bộ định mức đơn giá mới

xe bus

Hành khách đi xe buýt số 51 trước ngày tạm ngưng chạy - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sở GTVT TP.HCM vừa báo cáo UBND TP về kiến nghị giải quyết khó khăn của các đơn vị vận tải xe buýt.

Trong đó sở kiến nghị UBND TP nhanh chóng ban hành bộ định mức đơn giá mới thay bộ đơn giá cũ nhằm bổ sung kinh phí trợ giá xe buýt.

Sở cũng kiến nghị với tuyến xe buýt hoạt động không hiệu quả, đề nghị giảm chuyến, tạm ngưng để giảm lỗ, tiết kiệm ngân sách cho TP.

ĐỨC PHÚ - MAI HƯƠNG

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Gần 2.300 tỉ đồng đầu tư Cảng hàng không Nà Sản (20/07/2019)

>   Phát hiện hàng hóa từ Trung Quốc vừa cập bến đã có sẵn mác "Made in Việt Nam" (20/07/2019)

>   Hải quan rà soát 43 doanh nghiệp cung cấp và bán hàng cho Asanzo (19/07/2019)

>   Nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bị cảnh cáo (19/07/2019)

>   Cuối năm nay sẽ có biểu giá bán lẻ điện bậc thang mới (19/07/2019)

>   Tạm giữ người cung cấp hóa chất cho đường dây xăng giả của Trịnh Sướng (19/07/2019)

>   Tài xế đình công vì Go-Viet thay đổi cách tính thưởng (18/07/2019)

>   Chủ tịch PVN: "Ngành dầu khí như con gái lỡ thì" (18/07/2019)

>   Hà Nội nghiên cứu khoanh vùng thu phí (18/07/2019)

>   Từ vụ Asanzo: "Lời hứa" của thương hiệu và sự minh bạch với người dùng (17/07/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật