Thứ Hai, 08/07/2019 09:07

Thoái vốn Vinachem tại SFG và DCI: 1 điểm chung nhưng 2 số phận

Trở lại với thương vụ thoái vốn tại Vinachem, SFGDCI đều được đưa ra với mức giá khởi điểm rất cao so với thị giá nhưng chỉ có một đơn vị được nhà đầu tư quan tâm. Thêm một lý do nữa cho thấy đất đai màu mỡ là tâm điểm đấu giá!

* Thoái vốn tại Vinachem: Đất đai màu mỡ là tâm điểm để đấu giá?

* Vinachem tiếp tục thoái vốn tại 3 công ty, có thương vụ giá cao bất ngờ!

DCI: Sở hữu nhiều “đất vàng” tại Đà Nẵng

CTCP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (UPCoM: DCI) được thành lập từ ngày 01/07/2005 trên cơ sở cổ phần hoá Công ty Công nghiệp Hoá chất Đà Nẵng có trụ sở tại quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), chiều ngày 10/07 tới đây, Vinachem sẽ bán đấu giá toàn bộ cổ phần đang nắm giữ là 900,411 cp DCI với giá khởi điểm 113,700 đồng/cp, con số này gấp gần 40 lần so với giá đang được giao dịch trên thị trường (2,800 đồng/cp kết phiên ngày 05/07). Nếu phiên đấu giá thành công, ước tính Vinachem thu về tối thiểu 102 tỷ đồng. 

Hiện tại, Vinachem đang sở hữu 37.32% vốn tại DCI. Ngoài phần vốn được sở hữu bởi Vinachem, 51.28% vốn của DCI là do Chủ tịch Nguyễn Đình Huỳnh cùng gia đình đã sở hữu nên cơ cấu cổ đông của Công ty khá cô đặc. Cũng có thể vì lý do này mà cổ phiếu DCI có thanh khoản kém (không có bất kỳ giao dịch nào trong 1 năm qua).

Công ty có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và dịch vụ các mặt hàng hoá chất phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa, hạt nhựa, sản phẩm nhựa các loại hoá chất cơ bản, bao bì... DCI cũng hoạt động kinh bất động sản, vận tải hàng hoá, tham gia chế tạo các loại máy móc thiết bị, điện tử, điện dân dụng...

Theo BCTC hợp nhất năm 2018, doanh thu của DCI hơn 363 tỷ đồng và lãi ròng hơn 7 tỷ đồng, so với năm 2017, doanh thu tăng gần 38% nhưng lãi ròng giảm gần 13%. Tại ngày cuối niên độ 2018, DCI có tổng tài sản 214 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 50 tỷ đồng.

Đặt kế hoạch cho năm 2019, DCI dự kiến doanh thu giảm hơn 17% về 300 tỷ đồng, lãi ròng giảm đến 30% chỉ còn 5 tỷ đồng. DCI cho biết, năm 2019 đánh giá tình hình nông nghiệp và các sản phẩm phân bón tiếp tục khó khăn, do đó Công ty chỉ duy trì hoạt động này theo quy mô hợp lý. Ngoài ra, DCI sẽ tập trung phát huy hoạt động sản xuất cơ khí, nhựa bao bì.

Tuy hoạt động kinh doanh không nổi trội cho lắm nhưng DCI may mắn sở hữu nhiều khu đất “màu mỡ” tọa lại ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng với diện tích hơn 16 ha. Trước hết là quyền sử dụng đất lâu dài với diện tích 1,362 m2 tại 53 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu; đất sản xuất kinh doanh 3,805 m2 tại Đường Yết Kiêu, quận Sơn Trà; phần diện tích 81,788 m2 tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu và 75,272 m2 ở Đường số 3 KCN Hòa Khánh.

Sau cùng, dù không tạo ra bất kỳ sự ấn tượng nào trong hoạt động kinh doanh, DCI vẫn hút mạnh nhà đầu tư tham gia. Theo kết quả mà Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo, có 2 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua hơn 1.2 triệu cp DCI, cao hơn 300,000 cp được Vinachem đưa ra đấu giá.

SFG: Hoạt động kinh doanh cầm chừng… vì sao giá khởi điểm cũng cao?

Tại CTCP Phân Bón Miền Nam (HOSE: SFG), Vinachem đang là công ty mẹ khi sở hữu hơn 31 triệu cp, tương ứng hơn 65% vốn. Trong đợt thoái vốn này, Vinachem đưa gần 14 triệu cp SFG, tương ứng 29.05% vốn ra bán đấu giá với giá khởi điểm 31,072 đồng/cp, cao gần gấp ba thị giá giao dịch hiện tại (11,750 đồng/cp kết phiên 05/07).

SFG là một trong những doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón trong nước, vị thế của Công ty được củng cố bởi thương hiệu “Phân bón Con Ó”. Ngoài ra, SFG ít chịu tác động của thuế tự vệ áp lên phân DAP và MAP nhập khẩu do Công ty có nguồn cung phân lân tự sản xuất thay thế.

Thế nhưng kết quả kinh doanh những năm gần đây không quá khả quan. Kết quả năm 2018 sụt giảm so với năm trước cả về doanh thu và lãi ròng, trong đó doanh thu đạt hơn 2,241 tỷ đồng, giảm 6%, lãi ròng đạt gần 67 tỷ đồng, giảm hơn 27%.

Đối với doanh nghiệp phân bón như SFG, hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, yếu tố thời tiết đã dần ổn định và giá phân bón tăng trở lại là những điểm tích cực hỗ trợ. Song hết quý 1/2019, SFG chỉ đạt 265 tỷ đồng doanh thu, bằng phân nửa so cùng kỳ. Lãi ròng giảm 90% so kết quả cùng kỳ, đạt gần 2 tỷ đồng, thực hiện được 2% kế hoạch 2019 (80 tỷ đồng).

Theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp: “Việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần chưa niêm yết (hoặc đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán) theo phương thức đấu giá công khai; trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh; trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận”.

Theo dự báo của Business Monitor International (BMI), ngành phân bón trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 4% đến năm 2025. Còn xét trong ngắn hạn, dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón không tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019 và triển vọng ngành chậm lại trong năm nay do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết…

Kinh doanh không quá nổi bật, xu hướng ngành cũng không phải tăng trưởng đột biến, rõ ràng việc SFG được mang ra đấu giá với giá khởi điểm cao là một dấu hỏi lớn.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có thông báo hủy đấu giá SFG vì không có nhà đầu tư đăng ký.

Cả DCI và SFG đều có một điểm chung là được Vinachem định giá rất cao so với giá thị trường. Song, trước mắt, chỉ có một đơn vị được nhà đầu tư quan tâm. Phải chăng đây là một lý do nữa cho thấy đất đai màu mỡ là tâm điểm đấu giá?

Minh Nhật

FILI

Các tin tức khác

>   EVN tiếp tục đấu giá hơn 4 triệu cp TV3 sau lần “ế” hồi tháng 6 (02/07/2019)

>   Thoái vốn tại Vinachem: Đất đai màu mỡ là tâm điểm để đấu giá? (04/07/2019)

>   Giá đấu ngất ngưởng, chỉ có 300 cp TV4 được đăng ký mua (28/06/2019)

>   HOSE: Thông báo đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước (20/06/2019)

>   Vẫn còn 93 doanh nghiệp chưa cổ phần hoá (18/06/2019)

>   Vinachem tiếp tục thoái vốn tại 3 công ty, có thương vụ giá cao bất ngờ! (12/06/2019)

>   Yêu cầu trình Thủ tướng phương án cổ phần hóa giai đoạn 2019-2020 (12/06/2019)

>   EVN đấu giá hơn 11.3 triệu cp TV4 với giá gấp đôi thị giá (05/06/2019)

>   Sắp đấu giá gần 4.6 triệu cp Môi trường và Công trình Đô thị Thái Bình (30/05/2019)

>   4 nhà đầu tư muốn mua hết cổ phần đấu giá SRC (30/05/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật