Sumitomo chuyển sản xuất sang Việt Nam
Công ty thương mại tổng hợp Sumitomo (Nhật Bản) đã đầu tư vào một nhà điều hành cảng lớn của Việt Nam, với mục đích nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với dịch vụ hậu cần khi các nhà sản xuất chuyển sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sumitomo hợp tác với công ty hậu cần đồng hương Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản – vốn chuyên đầu tư cơ sở hạ tầng – để mua 10% vốn tại Gemadept (HOSE: GMD). Sumitomo đã cung cấp hơn một nửa trong số khoảng 4 tỷ Yên (37 triệu USD) mà nhóm đã trả để mua cổ phần.
Với nhu cầu vận chuyển container tăng 7% mỗi năm tại Việt Nam, Sumitomo có kế hoạch xây dựng mạng lưới hậu cần kết nối các nhà máy với các cảng để xuất khẩu liền mạch hàng hóa sản xuất trong nước. Sumitomo là một trong số những công ty mong muốn tận dụng cơ hội từ làn sóng tháo chạy ra khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại.
Gemadept sở hữu sáu cảng tại Việt Nam, xử lý 1.7 triệu container và chiếm hơn 10% thị phần. Trong khi đó, Sumitomo điều hành ba khu công nghiệp ở ngoại ô Hà Nội và sở hữu một đơn vị hậu cần tại Việt Nam.
Theo kế hoạch hợp tác, các nhà máy, cơ sở hậu cần và cảng sẽ chịu sự quản lý của Sumitomo, điều này cho phép gia tăng hiệu quả và giảm chi phí. Vì thế, Sumitomo sẽ phát triển một ứng dụng điện thoại thông minh cho phép các tài xế xe tải dự trữ quy trình chất hàng tại cảng và xử lý điện tử các thủ tục giấy tờ khác.
Tại cảng Hải Phòng, cơ sở gần nhất với Hà Nội, các tài xế thường phải chờ 1-2 giờ để hàng hóa được chất lên tàu. Suzuyo đã rút ngắn thời gian chờ đợi xuống còn trung bình 12 phút tại Nhật Bản và có kế hoạch áp dụng quy trình này tại Việt Nam.
Khoảng 14 triệu container hàng hóa được vận chuyển trong và ngoài Việt Nam mỗi năm. Với tốc độ tăng trưởng 7%, con số dự kiến sẽ đạt 23 triệu container vào năm 2025.
“Giữa lúc Mỹ và Trung Quốc chiến tranh thương mại, số lượng container cần phải xử lý sẽ tăng hơn nữa", một nguồn tin của Sumitomo cho biết.
Hoạt động xuất khẩu ngày càng tăng cũng thúc đẩy nhu cầu đối với hộp carton – vốn được sử dụng để vận chuyển các sản phẩm điện tử và may mặc. Hàng hóa được vận chuyển trong hộp carton chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu ra khỏi Việt Nam về mặt tiền tệ.
Một công ty thương mại tổng hợp khác của Nhật Bản là Marubeni đang xây dựng một nhà máy sản xuất hộp carton bên ngoài Thành phố Hồ Chí Minh với chi phí khoảng 12 tỷ Yên và công ty dự định đưa cơ sở này vào hoạt động trong năm 2020. Nhà máy sẽ có công suất hàng năm là 350,000 tấn và sẽ giúp Marubeni giành lấy thị phần cao nhất ở Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 02/07/2019, Công ty TNHH SSJ Consulting (Việt Nam) đã đăng ký mua gần 29.7 triệu cp của CTCP Gemadept (HOSE: GMD), tương ứng tỷ lệ 10%. Cổ đông lớn của SSJ Consulting chính là Tập đoàn đa ngành Sumitomo và Japan Overseas Infrastructure Investment Corporation (JOIN) - một tổ chức Nhật Bản tập trung đầu tư vào hạ tầng quốc tế.
SSJ Consulting có vốn điều lệ xấp xỉ 958.4 tỷ đồng và là đơn vị mới được thành lập vào ngày 06/06/2019. Đơn vị này có người đại diện pháp luật là ông Shinya Hosoi và đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý.
SSJ Consulting cũng chính là công ty con của Sumitomo Corporation - Tập đoàn đa ngành lớn của Nhật Bản. Bên cạnh đó, một tổ chức khác cũng góp lượng vốn lớn vào SSJ Consulting là Japan Overseas Infrastructure Investment Corporation (góp 46%).
Sumitomo là tập đoàn đa ngành của Nhật Bản, hoạt động trong các lĩnh vực từ sản xuất, bất động sản, truyền thông cho đến khai khoáng, xây dựng, cơ sở hạ tầng. Tính đến ngày 31/03/2019, Sumitomo có tổng tài sản hơn 69 tỷ USD, trong đó khoảng hơn 30% liên quan đến các hệ thống vận tải và xây dựng, cùng cơ sở hạ tầng (cả giao thông và năng lượng).
|
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)
FiLi
|