Shanghai Composite đi xuống sau khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất trong 27 năm
Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương suy yếu vào buổi sáng ngày thứ Hai (15/07) sau khi Bắc Kinh công bố dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất trong ít nhất 27 năm.
Tính tới lúc 9h46 ngày thứ Hai (15/07 – giờ Việt Nam), chứng khoán Trung Quốc đại lục nhuốm sắc đỏ, trong đó Shanghai Composite giảm 0.52%, còn Shenzhen Component lùi 0.29%. Shenzhen Composite hạ 0.359%.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lùi 0.45%, trong đó Hồng Kông vẫn còn bị mắc kẹt trong sự bất ổn xoay quanh dự luật dẫn độ đầy tranh cãi. Trong ngày Chủ nhật (14/07), tờ Financial Times dẫn lại nguồn tin thân cận cho biết Bắc Kinh từ chối chấp nhận đơn từ chức của nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0.13%. Chỉ số ASX 200 của Australia lùi 0.52% khi hầu hết lĩnh vực đều suy yếu. Cổ phiếu của nhà quản lý tài sản AMP sụt hơn 13% sau khi Công ty cho biết khó mà bán lại mảng bảo hiểm nhân thọ và bảo vệ tài sản.
Thị trường Nhật Bản tạm ngưng giao dịch trong ngày thứ Hai (15/07) nhân dịp lễ.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.2%, yếu nhất trong 27 năm
Trung Quốc vừa công bố dữ liệu GDP quý 2/2019 trong ngày thứ Hai (15/07), trong đó cho thấy nền kinh tế tăng trưởng chậm lại ở mức 6.2%, yếu nhất trong ít nhất là 27 năm, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu thể hiện rõ tác động tiêu cực.
Trong ngày thứ Hai (15/07), Cục Thống kê Trung Quốc cho biết trong giai đoạn tháng 4-6/2019, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.2% so với cùng kỳ năm trước, cũng trùng khớp với dự báo của các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Con số tăng trưởng của quý 2/2019 là mức tăng trưởng yếu nhất của Trung Quốc kể từ quý 1/1992 – thời điểm dữ liệu hàng quý được ghi nhận lại, theo Reuters.
Trong quý 1/2019, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.4% so với cùng kỳ năm trước. Xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài hơn 1 năm qua đang gây áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc.
Dữ liệu trong ngày thứ Sáu (12/07) cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2019 của Trung Quốc suy giảm so với cùng kỳ năm trước, do Mỹ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh do nhu cầu trong nước giảm tốc.
Các chuyên gia lo sợ đà giảm tốc về kinh tế sẽ diễn ra trên toàn cầu nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp diễn.
Đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2019 “có thể gây ra sự chao đảo tới phần còn lại của châu Á nếu đà giảm tốc thổi bùng nỗi lo về căng thẳng thương mại”, Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược châu Á và châu Đại Dương tại Mizuho Bank, cho hay.
“Chúng tôi biết kinh tế Trung Quốc đanng giảm tốc, họ đang tái cân bằng nghiêng về hướng tăng trưởng từ nội địa nhiều hơn, né xa hoạt động sản xuất”, Colin Graham, Giám đốc đầu tư tại Eastspring Investments, cho biết trên chương trình “Street Signs” của CNBC sau khi dữ liệu GDP Trung Quốc được công bố.
Trung Quốc công bố dữ liệu GDP giữa lúc nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp chính sách vào cuối tháng này.
Dow Jones vọt 240 điểm lên mức cao mọi thời đại, S&P 500 lần đầu khép phiên vượt ngưỡng 3,000 điểm
Chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao mọi thời đại vào ngày thứ Sáu (12/07), khi nhà đầu tư khép lại một tuần tràn sắc xanh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones vọt 243.95 điểm (tương đương 0.9%) lên 27,332.03 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0.5% lên 3,013.77 điểm, đánh dấu lần đầu tiên đóng cửa vượt ngưỡng 3,000 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.6% lên 8,244.14 điểm.
Các chỉ số chứng khoán chính đã vượt qua nhiều cột mốc và tăng mạnh trong tuần này trong bối cảnh phiên điều trần từ Chủ tịch Fed cho thấy đợt hạ lãi suất sắp diễn ra. Dow Jones khép phiên trên mốc 27,000 điểm lần đầu tiên vào ngày thứ Năm (11/07) và đà tăng vào ngày thứ Sáu đã góp phần nâng đà leo dốc của chỉ số này trong tuần lên 1.5%. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0.8% và 1% trong tuần qua.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|