Nếu 2,4 tỉ người dùng tiền ảo Libra của Facebook, thế giới sẽ ra sao?
Tham vọng của Mark Zuckerberg là biến tiền ảo Libra trở thành một phương tiện thanh toán xuyên biên giới với chi phí cho người sử dụng gần như bằng 0. Với tốc độ xử lý siêu nhanh 1000 giao dịch/giây (so với 7 giao dịch/giây của Bitcoin), các giao dịch này được thực hiện trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) Libra.
Facebook đang kì vọng đưa đồng tiền ảo Libra trở thành đồng tiền điện tử toàn cầu. Ảnh: The Verge
|
PV Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế về triển vọng phát triển của đồng Libra của Facebook.
Tiền ảo Libra của Facebook có đặc điểm gì nổi bật, thưa ông?
Libra có 3 đặc điểm quan trọng: Thứ nhất, được tạo ra trên nền tảng một chuỗi khối có phân quyền ("permissioned", nghĩa là chỉ những tổ chức được ủy thác mới có thể theo dõi được chuỗi khối/sổ cái này); theo đó, các giao dịch thanh toán bằng đồng Libra sẽ được lưu trữ trên khối chuỗi này ("Libra Blockchain"); vì thế được cho là an toàn, có thể mở rộng và đáng tin cậy hơn các đồng tiền kỹ thuật số thông thường khác.
Thứ hai, được đảm bảo bởi một số tài sản ít biến động như chứng chỉ tiền gửi, chứng khoán chính phủ...
Thứ ba, được quản lý bởi Hiệp hội Libra độc lập có nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái thanh toán và tách biệt hoạt động đăng tin trên Facebook thông thường với các giao dịch thanh toán bằng đồng Libra này.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế. Ảnh: Hồng Vân Dân Trí
|
Cơ chế hoạt động của Libra: khách hàng dùng nội tệ (hoặc ngoại tệ mạnh như USD, EUR, GBP, JPY…) mua Libra, rồi dùng số Libra đó để trả tiền mua hàng hóa/dịch vụ (chủ yếu online); số Libra còn thừa có thể được đổi lại bằng một trong số tiền tệ mạnh.
Các giao dịch này được thực hiện trên nền tảng chuỗi khối Libra, với tốc độ rất nhanh (1000 giao dịch/giây so với 7 giao dịch/giây của Bitcoin, theo Facebook). Các Libra được lưu trữ trên ví điện tử Calibra (công ty con của Facebook). Ví Calibra này còn có chức năng tách biệt thông tin, dữ liệu giao dịch thanh toán bằng đồng Libra với dữ liệu thông thường của Facebook, cũng được cho là một tấm đệm khác cho tính thừa nhận.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng đồng Libra trong tương lai?
- Mặc dù về mặt ý tưởng, Libra đang cố gắng giải quyết các vấn đề của các đồng tiền kỹ thuật số trước đây, song về mặt kỹ thuật, đồng Libra chưa thực sự có quá nhiều điểm nổi bật và dự kiến sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Libra nhận được nhiều sự quan tâm chính là vì triển vọng trở thành một phương tiện thanh toán xuyên biên giới khởi nguồn từ mạng lưới người dùng Facebook hiện nay và các dịch vụ đi kèm của các thành viên sáng lập ban đầu.
Facebook hiện có 2,4 tỉ người dùng, gấp gần 70 lần số người hiện đang có ví tiền mã hóa (35 triệu, theo Statista). Trong số 2,4 tỉ người này bao gồm cả những người đã có hoặc chưa có tài khoản ngân hàng. Nhưng nếu cộng số người dùng Facebook và những người không dùng Facebook, chưa có tài khoản ngân hàng, và nếu được cộng đồng, nhà quản lý chấp nhận, số người dùng đồng Libra sẽ ít nhất là trên 2,4 tỉ người trong tương lai.
Tiền kĩ thuật số Libra dự báo sẽ thách thức hệ thống tiền tệ toàn cầu. Ảnh ITN
|
Ngoài ra, trước mắt, Libra sẽ chủ yếu hướng đến phân khúc khách hàng cá nhân, song cũng không có gì đảm bảo Libra không thể cạnh tranh với SWIFT, hay Western Union, MoneyGram trong việc trở thành trung gian giữa các tổ chức tài chính, một khi nó chứng minh được tính thuận tiện, an toàn, bảo mật và mức chi phí thấp hơn.
Bên cạnh đó, Facebook cũng mong muốn xây dựng một hệ sinh thái, trong đó, chuỗi khối Libra trở thành nền tảng cho các ứng dụng khác bởi đây là chuỗi khối có mã nguồn mở, bất kỳ nhà phát triển nào cũng có thể xây dựng các ứng dụng hoạt động với nó bằng ngôn ngữ mã hóa Move. Khi đó, sẽ có một số đối tượng khách hàng khác như doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp thương mại điện tử… có thể tham gia.
Lan Hương
Lao động