Mường Thanh vi phạm trải dài từ Bắc đến Nam, vì sao chậm xử lý?
Gần tương tự như trường hợp cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản cũng vấp phải rất nhiều tin đồn trước khi bị khởi tố.
* Vì sao chưa xử lý sai phạm tại Mường Thanh Đà Nẵng?
* Các căn hộ Mường Thanh bán cho cư dân đều khó có thể được cấp sổ đỏ
* Khởi tố chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản
* Tập đoàn Mường Thanh được phê duyệt 231 căn hộ, xây thành... 1.602 căn
* Chuyển 8 dự án của Mường Thanh sang cơ quan điều tra
Dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà có rất nhiều sai phạm - Ảnh: HỮU KHÁ
|
Những làn khói hồ nghi phủ quanh các vị đại gia đầy thế lực trước khi họ bị cơ quan bảo vệ pháp luật "sờ gáy" khiến chúng ta có nhiều suy nghĩ về sự nghiêm minh trong một Nhà nước pháp quyền.
Khi ông Trần Bắc Hà chưa bị bắt và ông Lê Thanh Thản chưa bị khởi tố, thi thoảng lại thấy báo chí đăng bản tin các ông này "nói gì trước tin đồn bị bắt", kiểu như "tôi vẫn làm việc bình thường".
Rồi tin đồn trở thành sự thật. Trong xã hội, không phải tin đồn nào cũng đúng, nhưng "không có lửa làm sao có khói", sự soi chiếu pháp luật vào hành vi của các đại gia qua lăng kính xã hội không phải là thiếu căn cứ.
Việc các cựu quan chức, các đại gia từng một thời "hét ra lửa" bị trị tội cho thấy quyết tâm của Nhà nước trong việc xử lý các hành vi vi phạm, tội phạm, mang lại niềm tin cho công chúng rằng không có ai có thể đứng ngoài vòng pháp luật.
Tuy vậy, sự kiện khởi tố ông Lê Thanh Thản cũng buộc dư luận phải đặt thêm một câu hỏi là việc xử lý các hành vi bất tuân pháp luật của ông Thản và Tập đoàn Mường Thanh có thực sự kịp thời?
Chỉ cần gõ tìm kiếm qua Google cũng dễ dàng thấy các loại vi phạm của Mường Thanh đã được báo chí liệt kê với ngôn từ "hàng loạt", xảy ra không chỉ ở một hai địa bàn mà trải dài từ Bắc đến Nam. Nào là xây lố nhiều tầng, nào là xây không phép hàng trăm căn hộ, nào là xây sai thiết kế quy hoạch cả tòa chung cư... Riêng tại Hà Nội, có đến 12 kết luận thanh tra liên quan đến dự án của Tập đoàn Mường Thanh.
Nói tóm lại, những hành vi vi phạm pháp luật này thuộc loại chướng tai gai mắt, giữa thanh thiên bạch nhật chứ không phải là "cây kim trong bọc". Dư luận nhiều lần đặt câu hỏi: tại sao người dân chỉ đổ đống cát, đống gạch trong hẻm thì bị phát hiện và xử phạt ngay, còn tòa nhà chọc trời, chình ình sai phạm ai cũng thấy lại chậm bị phát hiện và xử lý?
Qua việc khởi tố ông Lê Thanh Thản, rất mong cơ quan điều tra trả lời trước những hoài nghi của dư luận rằng liệu có thế lực nào bao che, bảo kê cho các hành vi sai phạm "có hệ thống" của Mường Thanh?
Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của hệ thống công quyền có liên quan từ việc cấp phép đến quản lý quy hoạch, kiểm tra, thanh tra xây dựng..., bởi nếu các cơ quan chức trách thực thi tốt nhiệm vụ của mình thì rất khó xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan, gây nhức nhối dư luận, để lại nhiều hậu quả xấu cho xã hội, đặc biệt là với những khách hàng đã bị "lừa dối".
Cũng qua sự việc này, các nhà lập pháp, lập quy nên rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính cũng như chế tài hình sự liên quan đến loại vi phạm, tội phạm về xây dựng, quy hoạch.
Nếu chỉ phạt một vài trăm triệu đồng cho hành vi xây lố cả một tầng chung cư, vi phạm mật độ xây dựng thì nhiều doanh nghiệp "sẵn sàng" nộp phạt, bởi các món lợi nhuận mà họ có được luôn "béo bở" hơn nhiều. Để cho những khu chung cư kiểu "ổ chuột mới" tiếp tục tồn tại giữa các đô thị thì hậu quả đâu chỉ có dân cư ở đây phải gánh chịu.
LÊ KIÊN
Tuổi trẻ