Jim Cramer: Chứng khoán Mỹ diễn biến khó hiểu dù kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc
Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến có phần hơi khó hiểu trong ngày thứ Ba (09/07) khi nhà đầu tư tránh đầu tư vào những cổ phiếu phòng thủ đáng tin cậy ngay cả sau khi Phố Wall nhận thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, ông Jim Cramer, chủ trì chương trình “Mad Money” của CNBC, cho biết.
BASF – ông lớn sản xuất hóa chất của Đức và có liên kết với các ngành công nghiệp bán dẫn, xe hơi, thuốc trừ sâu và sản phẩm tiêu dùng – tiết lộ trong ngày thứ Hai (08/07) rằng họ có thể cần phải hạ dự báo lợi nhuận năm 2019 bớt 30%. Công ty đề cập tới lý do là doanh số bán xe hơi thấp cùng với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Ông Cramer gọi triển vọng ảm đạm là “một yếu tố rất đáng ngại”.
“Giờ thì chúng ta đã có một vấn đề đáng ngại thực sự. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tin rằng hoạt động kinh doanh vẫn mạnh vì chúng ta vừa có một báo cáo lao động trên cả tuyệt vời trong ngày thứ Sáu tuần trước (05/07)”, ông Cramer cho hay. “Dự báo yếu ớt từ ông lớn hóa chất BASF cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể trong tình thế khó khăn hơn so với những gì con số việc làm thể hiện”.
Khi các công ty công nghiệp bắt đầu chùn chân, các nhà quản lý quỹ thường đặt tiền vào lĩnh vực hàng tiêu dùng an toàn, vì lĩnh vực này thường có thành quả tốt khi nền kinh tế giảm tốc. Thế nhưng, ông Cramer cho biết rất bất ngờ khi cổ phiếu PepsiCo giảm 0.62% sau khi công bố báo cáo lợi nhuận cao và giữ nguyên dự báo năm 2019 vào sáng ngày thứ Ba (09/07).
Ông nói thêm, diễn biến của giá Pepsi ảnh hưởng tới phần còn lại của lĩnh vực này.
“Đột nhiên, chúng ta đánh mất nơi ưa thích để tránh đà giảm tốc của nền kinh tế”, ông Cramer cho hay. “Dòng vốn chảy vào nhóm cổ phiếu công nghệ với tăng trưởng nhanh chóng và nhóm này không cần có một nền kinh tế mạnh để tạo ra những con số vượt bậc. Những công ty công nghệ này đều có mục tiêu giúp các doanh nghiệp khác trở nên năng suất hơn (bằng cách sử dụng dữ liệu đám mây hoặc dữ liệu lớn hoặc bộ công cụ phân tích) và chúng sẽ có thành quả tốt trong đợt giảm tốc kinh tế”.
Dòng vốn chảy vào nhóm cổ phiếu an ninh mạng như Fortinet, Palo Alto Network Okta, ông Cramer cho biết.
“Đối với tôi, dường như phần lớn diễn biến lạc quan của nhóm cổ phiếu an ninh mạng xuất phát từ việc các nhà phân tích đưa ra nhận định lạc quan về công ty an ninh mạng CrowdStrike”, ông cho biết.
Các công ty xử lý thanh toán cũng nhận được cú huých từ thị trường, bao gồm Square, PayPal và Wex.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bán dẫn lại gặp khó trong thời gian gần đây, nhưng nhà đầu tư vẫn tỏ ra yêu thích các cổ phiếu Advanced Micro Devices, Western Digital, Micron và Analog Devices. Nhóm này đã tăng tới 3.46% trong ngày thứ Ba (09/07).
Ông Cramer cũng đề cập tới những cổ phiếu công nghệ quốc phòng và công nghệ y tế như L3harris Technologies và Edwards Lifesciences. Cổ phiếu Facebook cũng tăng hơn 3 USD/cp, ông lưu ý.
“Điểm mấu chốt là: Khi nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về nền kinh tế toàn cầu, dòng vốn sẽ chảy vào nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng – vốn dịch chuyển chậm chạp nhưng ổn định – như PepsiC, hoặc chảy vào nhóm cổ phiếu có thể tăng trưởng khi kinh tế giảm tốc”, ông Cramer nói. “Hôm nay, nhóm cổ phiếu tăng trưởng nóng đã chiến thắng. Ngày mai thì sao? Ai mà biết được”.
Dow Jones giảm nhẹ vào ngày thứ Ba (09/07) khi nhà đầu tư chờ đợi thêm gợi ý về động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, chỉ số Dow Jones hạ 22.65 điểm (tương đương 0.1%) xuống 26,783.49 điểm, đánh dấu chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp, sau khi chịu sức ép từ đà sụt giảm của cổ phiếu 3M. Cổ phiếu 3M đã sụt hơn 2% sau khi một nhà phân tích tại RBC Capital Markets hạ bậc từ ngành có thành quả vượt trội xuống ngành có hiệu suất trong bối cảnh lo ngại về môi trường kinh tế vĩ mô và vướng mắc các vụ tranh chấp. Tuy nhiên, trước khi khép phiên, Dow Jones đã tích tắc đảo chiều khởi sắc.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|