Hàng hóa xuất khẩu tham gia bảo hiểm trong nước đạt thấp
Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam mới chỉ khai thác bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu được 6%-7% so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, phần còn lại bỏ ngỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài.
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+
|
Theo các chuyên gia kinh tế, hàng xuất khẩu của Việt Nam tham gia bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm trong nước còn rất khiêm tốn.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động ở Việt Nam mới chỉ khai thác theo kiểu “hớt váng” chứ chưa đi vào chiều sâu.
Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm cho thấy, các doanh nghiệp trên thị trường bảo hiểm Việt Nam mới chỉ khai thác bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu được 6%-7% so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, phần còn lại bỏ ngỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong số đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 36,82 tỷ USD, tăng 10,8%, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, có 22 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hàng năm, tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch hàng xuất khẩu đạt từ 7%-14%, trong khi đó khai thác bảo hiểm hàng xuất khẩu của thị trường bảo hiểm trong nước có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%.
Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Mạnh Cừ (Học viện Tài chính) cho rằng, sở dĩ hàng xuất khẩu tham gia bảo hiểm trong nước còn thấp so với tốc độ tăng trưởng khai thác bảo hiểm hàng xuất khẩu là do các doanh nghiệp xuất khẩu thường áp dụng điều kiện giao hàng FOB (giao lên tàu).
Theo đó, khi các doanh nghiệp xuất khẩu lựa chọn điều kiện giao hàng FOB thì quyền mua bảo hiểm sẽ thuộc về người nhập khẩu ở nước ngoài. Điều này đã làm mất đi khả năng khai thác của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Theo các chuyên gia lĩnh vực bảo hiểm, một nguyên nhân nữa khiến lượng hàng hóa xuất khẩu tham gia bảo hiểm trong nước mới đạt thấp còn do năng lực của các doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam hạn chế.
Trên thị trường bảo hiểm hiện nay đã có tới 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hoạt động song, hầu hết đều có vốn nhỏ, khả năng tài chính hạn chế.
Hơn nữa, trình độ nghiệp vụ của cán bộ bảo hiểm còn bất cập, khả năng tư vấn, marketing cho khách hàng còn yếu... Điều này làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu chưa nhận thức được ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm trong nước hoặc chưa thực sự yên tâm khi mua bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam.
“Cũng chính vì vậy, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam còn thấp, khó thuyết phục các nhà nhập khẩu nước ngoài trao cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam quyền mua bảo hiểm trong nước” - phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Mạnh Cừ nói.
Để khắc phục tình trạng trên và tăng lượng hàng xuất khẩu tham gia bảo hiểm, phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Mạnh Cừ cho rằng tham gia bảo hiểm trong nước trong điều kiện hội nhập nền kinh tế cần có những giải pháp.
Đó là có chính sách phí và lệ phí ưu đãi với các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp bảo hiểm.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp bảo hiểm có khả năng tài chính đủ lớn đảm bảo khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thì cần có các giải pháp tăng huy động vốn.
Vietnam+
|