Thứ Năm, 25/07/2019 11:24

Được giao 8 dự án về nguồn điện nhưng đều không hoàn thành đúng tiến độ

Được giao phụ trách 8 dự án trọng điểm về nguồn điện với tổng công suất 11.400MW, nhưng các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều không thể hoàn thành đúng tiến độ do thiếu tiền triển khai, bị ràng buộc bởi các cơ chế...

Được giao 8 dự án về nguồn điện nhưng đều không hoàn thành đúng tiến độ - Ảnh 1.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành 84% khối lượng nhưng hiện đang tạm dừng do thiếu tiền và cơ chế xử lý. Ảnh: NG.AN

Trong khi đang loay hoay xử lý bài toán Nhiệt điện Thái Bình 2, PVN cũng đang gặp khó với những dự án khác, trong đó có 3 dự án đang triển khai và 5 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng và chuyển giao cho chủ đầu tư khác.

Dự án bế tắc do thiếu cơ chế?

Thông tin từ PVN cho biết dù đã đạt tiến độ được 72% nhưng dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 cũng đang vướng do chưa có quy định phương thức điều chỉnh giá hợp đồng EPC nên chủ đầu tư và tổng thầu gặp nhiều khó khăn trong thanh toán, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Chưa hết, một số nhà thầu phụ có năng lực hạn chế nên không huy động đủ máy móc, nhân lực, tài chính để thực hiện công việc; các định mức đơn giá do Nhà nước ban hành chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp...

Với dự án Nhiệt điện Long Phú 1, dù đã đạt khối lượng công việc là 77,56% nhưng nhà thầu của Nga là PM không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án. Từ đó, liên doanh nhà thầu gặp khó khăn về tài chính, không thể mở bảo lãnh và tạm ứng, không thống nhất được các điều khoản thanh toán, thu xếp vốn nên gây chậm trễ trong mua sắm trang thiết bị.

"Do nhà thầu không thể giao dịch bằng đồng USD theo hợp đồng đã ký nên các ngân hàng đều từ chối giao dịch khiến PM bị thiếu hụt tài chính để triển khai dự án", một lãnh đạo PVN cho biết.

Cũng theo vị này, những khó khăn vướng mắc của dự án Long Phú 1 là chưa có tiền lệ, chưa được pháp luật của Việt Nam quy định và hướng dẫn xử lý, nếu không kịp thời có cơ chế xử lý triệt để, nguy cơ dự án không thể tiếp tục triển khai thực hiện, gây thiệt hại lớn. Đặc biệt, chủ đầu tư là PVN có thể bị thiệt hại lên tới hàng tỉ USD.

Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, PVN cần đàm phán với nhà thầu PM và đề xuất phương án xử lý tối ưu là giảm thiệt hại cho Việt Nam, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. "Bên cạnh việc ban quản lý dự án, chủ đầu tư đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, báo cáo các cấp có thẩm quyền, quan điểm của chúng tôi là Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần có hướng dẫn, chỉ đạo, cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để sớm triển khai dự án về đích", vị này nói.

Cần có cơ chế đặc thù?

Ông Hoàng Quốc Vượng - thứ trưởng Bộ Công thương - khẳng định các dự án năng lượng và hạ tầng cần phải có cơ chế đặc thù, bởi đây là những dự án có quy mô lớn và phức tạp, có vai trò cần thiết và quan trọng với nền kinh tế. Theo ông Vượng, trong báo cáo mới đây, Bộ Công thương cũng cho biết đã xây dựng dự thảo về cơ chế đặc thù cho các dự án điện cấp bách.

Trong đó, Bộ Công thương đề xuất để rút ngắn thời gian thực hiện dự án điện như cho phép miễn thủ tục bổ sung quy hoạch với dự án lưới điện đã có trong kế hoạch 5 năm của EVN, miễn thủ tục quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhóm A, chủ đầu tư được lựa chọn nhà thầu theo phương thức đàm phán trực tiếp...

"Không có nghĩa cơ chế đặc thù là để đặc lợi mà tính đến các yếu tố như dự án đã được đưa vào tổng sơ đồ là cứng rồi thì bỏ qua khâu đánh giá tiền khả thi đã là bớt đi một năm rồi. Hoặc có cơ chế bảo lãnh cho dự án vì đây là những dự án hạ tầng quan trọng phát triển kinh tế - xã hội." - ông Vượng nói.

Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào ngày 24-7, ông Đinh Văn Sơn - thành viên Hội đồng thành viên của PVN - cho biết khi thông tin khởi tố vụ án liên quan đến dự án này được đưa ra vào giữa năm 2018, ngân hàng dừng cho vay, khiến nhân công công trường bỏ việc, dự án gần về đích vẫn ách tắc.

Thậm chí, có những cán bộ kỹ thuật dầu khí được đào tạo bài bản, mất nhiều công sức và tiền bạc, để lo kỹ thuật và công nghệ cho các dự án khác của PVN như Long Phú 1, Sông Hậu... cũng rời đi, dù tập đoàn đã dùng mọi biện pháp để giữ lại.

Cũng theo ông Sơn, từ đầu năm 2019, Hội đồng thành viên PVN đã họp và ký văn bản phân tích các phương án, đưa ra nghị quyết tiếp tục thanh toán, cấp vốn để hoàn thành các công việc của năm 2018. Mòn mỏi chờ đợi nhưng "quyết sách" vẫn chưa được đưa ra, dự án tiếp tục bế tắc và nhiều cán bộ, công nhân tiếp tục bỏ việc.

Theo ông Trần Sỹ Thanh - chủ tịch PVN - đây là dự án quan trọng, nếu "ngập ngừng" sẽ khiến dự án tiếp tục bế tắc, gây lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng đã đổ vào dự án. "Tôi chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị và trung ương, kỷ luật kiểu gì cũng được. Tôi thiết tha đề nghị phải có ý chí quyết tâm đi tiếp, để cho anh em chúng tôi có niềm tin" - ông Thanh nói.

Sớm gỡ vướng để dự án đúng tiến độ

Thông tin từ PVN cho biết để thực hiện 16% khối lượng công việc còn lại của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, tập đoàn này cần giải ngân vốn vay nước ngoài (khoảng 326 triệu USD) và tìm kiếm nguồn vay tiếp (khoảng 7.100 tỉ đồng). Tuy nhiên, theo cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay (30/70) đã được phê duyệt, PVN không thể thực hiện được dù đã làm việc với các ngân hàng trong và ngoài nước, đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Do đó, theo ông Trần Sỹ Thanh, PVN đề nghị cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Ông Thanh cũng khẳng định lãnh đạo PVN sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về mặt kỹ thuật, đảm bảo nhà máy vận hành thương mại theo đúng tiến độ được phê duyệt là dự kiến đưa vào vận hành tổ máy số 1 năm 2020 và tổ số 2 là 2021.

NGỌC AN

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Góc nhìn toàn cảnh về top 45 DNNY trong IR Awards 2019 (25/07/2019)

>   Đầm Sen lãi ròng hơn 42 tỷ đồng trong quý 2/2019 (25/07/2019)

>   HOSE: Danh sách các Công ty niêm yết có Báo cáo tài chính quý 2 năm 2019 đã được công bố trên website của HOSE (tính đến hết ngày 24/07/2019) (25/07/2019)

>   NHT: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 (25/07/2019)

>   PND: Nghị quyết Hội đồng quản trị (25/07/2019)

>   TMB: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (25/07/2019)

>   FOC: Báo cáo thường niên 2018 (25/07/2019)

>   FOX: FPT Telecom công bố thông tin ký Hợp đồng kiểm toán 2019 (25/07/2019)

>   TAN: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất (25/07/2019)

>   BDC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (25/07/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật