Cứ ngỡ là “thuốc” chữa căn bệnh đô thị, “thành phố thông minh” lại biến thành “thành phố ma”
Mỗi buổi sang, cứ vào lúc 8h30, một thông báo được phát ra thông qua chiếc loa gắn trên trần nhà trong căn hộ của Kim Jong-won, đọc lên bảng tin hàng ngày với chất giọng the thé. Kênh tin tức không được ai quan tâm này thông báo chi tiết các phương pháp đỗ xe mới, vấn đề xử lý rác thải bằng khí nén và hàng loạt công tác bảo trì tòa nhà sẽ được thực hiện ngày hôm đó.
“Chẳng có cách nào tắt nó đi được hết”, bà Jung-sim, vợ ông Kim vừa than thở vừa chuẩn bị bữa sáng. “Tôi ghét công nghệ nhưng chồng tôi lại sớm thích nghi với nó. Ông ấy luôn phải có mọi thứ đầu tiên”.
Tình yêu với những công nghệ mới nhất của ông Kim đã thúc đẩy ông đưa cả gia đình tiến tới tương lai hoặc thứ gần với tương lai nhất – khu đô thị Songdo, “thành phố thông minh” tự phong của Hàn Quốc, được xây dựng trên mảnh đất nhân tạo rộng 600 hecta được nạo vét từ sông Hoàng Hải gần sân bay Incheon ở Seoul. Thành phố này là nơi rác thải được tự động hút đi thông qua hệ thống ống ngầm, là nơi có những cột đèn theo dõi bạn cả ngày lẫn đêm, và là nơi căn hộ của bạn sẽ tự động gửi thang máy xuống chào mừng bạn về nhà khi nó phát hiện chiếc ô tô mà bạn lái. Cảm ứng có ở khắp mọi con đường, theo dõi lưu lượng xe cộ và gửi cảnh báo đến điện thoại của bạn khi trời sắp có tuyết, trong khi đó bạn có thể giám sát sân chơi của trẻ em thông qua màn hình tivi trong lúc đang ngồi trên chiếc sô pha thoải mái ở nhà.
Tính năng mà ông Kim thích nhất ở đây là một màn hình hiển thị nhỏ được gắn trên tường bếp, màn hình này cho phép ông theo dõi mức độ tiêu thụ điện, nước và gas của ông và vợ, quan trọng là nó còn có thể so sánh mức tiêu thụ đó với dữ liệu trung bình của cả tòa nhà. Lướt qua những biểu đồ thanh và đồ thị, một nụ cười rộng mở trên khuôn mặt của ông Kim: Lại thêm một ngày nữa họ tiết kiệm năng lượng hơn những người hàng xóm.
Từ cửa sổ phòng khách tại đỉnh của một trong những tòa chung cư mới của thành phố, toàn cảnh khu đô thị Songdo mở ra trước mắt. Phía bên kia của đường cao tốc 8 làn là Công viên Trung tâm, một hàng cây rộng lớn bao quanh một hồ nước trang trí, bên cạnh đó là những dãy tháp thủy tinh phản chiếu những hình ảnh mơ hồ. Một đội quân những khối bê tông phẳng giống y hệt nhau “diễu hành” ở khoảng cách xa hơn, kéo dài đến sân gôn do Jack Nicklaus thiết kế. Khu đô thị Songdo nhìn rất giống những thành phố hiện đại khác của châu Á, nơi các tòa chung cư mọc lên bên trên một khu đậu xe ô tô. Đời sống cộng đồng chủ yếu bị giới hạn trong những khu trung tâm thương mại với bầu không khí do máy điều hòa tạo ra và những câu lạc bộ tư nhân.
Được Chính phủ Hàn Quốc khởi xướng vào cuối những năm 1990, khi sân bay Incheon đang được lên kế hoạch xây dựng, khu đô thị Songdo đại diện cho một mô hình đã được khắp nơi trên thế giới bắt chước nhiều lần. Lúc bắt đầu, nó chỉ là một vụ đầu tư mạo hiểm với nhà phát triển Gale International của Mỹ - công ty này kể từ lúc đó đã bắt đầu dạo quanh các nước khác với mô hình “đô thị trong một chiếc hộp” – Khu thương mại quốc tế Songdo được xây dựng như một trung tâm đáng giá 40 tỷ USD dành cho các công ty nước ngoài, là một ví dụ điển hình cho chủ nghĩa đô thị bền vững và là nơi thử nghiệm các loại công nghệ thành phố thông minh mới.
Với lời khẳng định đây là khu đô thị tập trung nhiều tòa nhà được chứng nhận đủ tiêu chuẩn LEED nhất trên thế giới, khu Songdo vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào xe ô tô, thậm chí không có đường tàu nào dẫn đến khu sân bay gần đó. Để vào nội thành Seoul, cách đó chỉ 30km, phải mất gần 1 giờ rưỡi ngồi tàu điện ngầm. Khu Songdo có thể có “Khu điều hành tích hợp” – một căn phòng kiểm soát nơi các luồng dữ liệu được truyền đến theo thời gian thực từ hàng ngàn cảm biến trải khắp khu đô thị - nhưng mô hình đô thị vậtt lý chẳng khác bất cứ khu thương mại tập trung nhiều xe ô tô khác. Đối với những người có thu nhập thấp, Songdo là một nơi đắt đỏ, độc quyền và không riêng tư.
Khắp thế giới, không đếm xuể có bao nhiêu khu đô thị mới giống như Songdo đang được thi công. Chúng hầu như không khác nhau mấy, thường được thiết kế và phục vụ bởi cùng những công ty tư vấn quốc tế tương tự nhau, những khu đô thị công nghệ cao này đang mọc lên từ Kenya cho đến Kazakhstan. Ấn Độ đã cam kết sẽ xây dựng 100 khu đô thị mới; trong khi ở châu Phi, khoảng 100 tỷ USD đang được bơm vào ít nhất 20 dự án xây dựng. Trung Quốc, vốn đã khởi xướng xây dựng 500 khu đô thị thông minh, hiện đang triệu tập một loạt khu định cư ở các nơi xa xôi thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, từ khu bến cảng khô cằn Khorgos ngay cạnh biên giới Trung Quốc-Kazakhstan đến bến tàu Royal Albert Dock ở phía Đông Luân Đôn, để tái xây dựng thành Khu thương mại châu Á.
Ả-rập Saudi đã cam kết sẽ đánh bại tất cả những khu đô thị khác trên thế giới với Neom, siêu dự án trị giá 500 tỷ USD như một câu trả lời dành cho Thung lũng Silicon. Khu đô thị Neom được lên kế hoạch là một trung tâm dành cho năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, sản xuất, truyền thông và giải trí, nó trải dài khắp một khu vực rộng gấp 33 lần kích thước của thành phố New York. Ả-rập Saudi khẳng định đây sẽ là “dự án tham vọng nhất trên thế giới”, là vườn ươm cho “thời kỳ tiến bộ tiếp theo của loài người”.
Những người theo chủ nghĩa thoát ly thực tế mong muốn xây dựng thành phố từ những nơi không có đất không phải là điều gì mới mẻ. Vào thế kỷ 19, phong trào Garden City (Thành phố xanh) đã chứng kiến thế hệ những cộng đồng người thích nông thôn lên kế hoạch phản ứng lại sự bẩn thỉu và đông đúc của những thành phố công nghiệp hóa nhanh chóng, được thúc đẩy bởi một chiến dịch đầy mạnh mẽ nhằm cải cách xã hội. Nửa thế kỷ sau, phong trào New Town (Thành phố mới) phát triển dựa trên những ý tưởng này, hứa hẹn về một thế giới hoàn toàn mới với những khu đô thị hiện đại, tự cung tự cấp từ những tàn tích mà chiến tranh thế giới thứ hai để lại và tập trung vào việc xây dựng một xã hội dân chủ, toàn diện.
Hiện nay, trong những thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới, sự gia tăng dân số toàn cầu và ý thức về sự kiện hủy diệt môi trường lớn sắp xảy ra đã gây ra một loại bệnh dịch mới ở các khu đô thị được lên kế hoạch thuộc một loại rất khác. Lần này, những khu đô thị được các tập đoàn đa quốc gia tư nhân xây dựng thành những khối tòa nhà riêng biệt với chất lượng tốt nhất cùng với những khu trung tâm thương mại tự do miễn thuế, mỗi một khu đô thị đều được gắn mác là thành phố công nghệ sinh thái tuyệt vời.
Sự cần thiết phải mở rộng khu vực thành phố trở nên rất rõ ràng: Liên hiệp quốc (UN) tính toán rằng 68% dân số thế giới sẽ sống trong các khu đô thị vào năm 2050, thêm vào đó, khoảng 2.5 tỷ dân nữa sẽ chuyển đến khu vực thành phố, đa số sẽ diễn ra ở châu Á và châu Phi. Tất cả “dân thành thị” mới được tạo ra này sẽ cần có nơi nào đó để sống và làm việc. Tuy nhiên, phần lớn những khu đô thị được lên kế hoạch xây dựng không được thiết kế để trở thành nhà cho làn sóng dân nông thôn di cư lên thành thị. Chúng chỉ là những công cụ để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và khiến những người dân thành thị giàu có trở nên giàu có hơn, ngay tại thời điểm bất động sản trở thành loại tiền tệ cuối cùng của thế giới.
Dựa theo nghiên cứu từ Savills, bất động sản hiện là loại tài sản quý giá hơn tất cả các loại cổ phiếu, cổ phần và chứng khoán cộng lại, với tổng giá trị của ngành bất động sản khoảng 228 ngàn tỷ USD. Con số đó lớn gấp 3.5 lần tổng GDP toàn cầu, hoặc gấp 40 lần so với giá trị của toàn bộ số vàng từng được khai thác. Một khi chúng ta bắt đầu đào xuống lớp đất để chiết cho bằng hết những giá trị của Trái đất, thì những tòa nhà bằng kính của những khu đô thị mới này là những khu hầm mỏ đảo ngược của ngày nay – được hoàn thành với những tác dụng phụ gây hại không kém việc đào mỏ.
Khu đô thị kiểu mới này có rất nhiều hình thức khác nhau, từ những khu do Chính phủ khởi xướng cho đến những khu được xây bởi quan hệ hợp tác công-tư nhânvà cả những khu được các tập đoàn hoàn toàn tư nhân xây dựng. Có rất nhiều khu đô thị đang được sử dụng để cải thiện nền kinh tế trong thế giới đang phát triển này, với các kế hoạch tổng thể được hiệu chỉnh cẩn thận để thu hút giới đầu tư nước ngoài và là một nơi cụ thể mà các kho bạc đang tìm kiếm để đầu tư tiền vào. Các khu đô thị này cung cấp phương tiện đầy quyền lực cho các quốc gia giàu có để họ mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế chiến lược của họ, trong đó việc xây dựng những khu đô thị mới đóng vai trò như một hình thức “bẫy nợ ngoại giao”, buộc các quốc gia chủ nhà với các thỏa thuận nặng nề. Những khu đô thị mới này được coi là thuốc chữa bách bệnh cho căn bệnh “đô thị” của thế giới, giải quyết tình trạng quá tải, tắc nghẽn và ô nhiễm; thế nhưng, hầu hết khu đô thị này hóa ra lại là nguồn cơn gây ra tranh chấp đất đai, suy thoái môi trường và bất bình đẳng xã hội.
Tại mũi phía nam của Malaysia trên một cụm bốn hòn đảo nhân tạo, khu đô thị được hứa hẹn Elysium đang mọc lên từ cát. Bắt đầu được xây dựng từ năm 2014, khu đô thị Forset City là phi vụ đầu tư mạo hiểm đáng giá 100 tỷ USD được nhà phát triển Country Garden của Trung Quốc hợp tác với công ty Sultan of Johor. Khu đô thị này sự kiến sẽ là nhà cho 700,000 người vào năm 2050.
Khu đô thị Forest City được tiếp thị là một “khu thành thị mang tính biểu tượng” mang những đặc trưng của Singapore, là một “Thâm Quyến mới” nơi “mô hình của sự an toàn, tiện lợi, tươi xanh và thông minh được hòa nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống”. Khu đô thị này bao gồm các tòa chung cư, khách sạn, văn phòng, trung tâm mua sắm và một trường học quốc tế, tất cả được bao bọc trong tấm chăn của sự xanh tươi và được bảo vệ bởi một “hàng rào điện ảo”.
Những căn hộ của khu đô thị này đắt đỏ đến mức hầu hết người Malaysia không ai mua nổi nhưng lại là một món tương đối hời dành cho giới đầu tư Trung Quốc, những người này đã bay đến đây với số lượng lớn và đi xe buýt tới phòng trưng bày kinh doanh mô hình tàu vũ trụ để ngạc nhiên trước mô hình thế giới khổng lồ giống với phim Avatar đang đợi ở trước mắt. Các nhân viên thu ngân đứng ở cuối hành trình hướng dẫn để quẹt thẻ tín dụng của những du khách này trước khi họ quay trở lại chiếc xe buýt đã chở họ đến đây.
“Thành phố sinh thái” tự phong này đang được xây dựng trên 162 triệu mét khối cát được vận chuyển đến, vốn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển xung quanh. Một con đường đắp được xây dựng để tạo điều kiện cải tạo đất cho các đảo đã cắt ngang qua đồng cỏ biển Tanjung Kupang - một môi trường sống quý giá giúp ổn định đáy biển và bảo vệ xói mòn bờ biển – trong khi đó, các khu rừng ngập mặn bị sang phẳng để nhường chỗ cho những nhà máy tiền chế của các nhà phát triển.
Việc khai hoang bắt đầu mà không cần thực hiện đánh giá tác động môi trường bắt buộc, và ngư dân địa phương đã cảm nhận được những ảnh hưởng, họ đã than phiền về sản lượng đánh bắt giảm sút do hệ sinh thái mỏng manh bị phá hủy. Trong khi đó, cụm 4 hòn đảo này không hẳn là một thành phố mà giống một khu nghĩ dưỡng miễn thuế ma quái hơn, giống như một bộ phim ma ám được đóng bởi những cư dân dành cả ngày sống ở đây.
Một câu chuyện tương tự xảy ra cách đó hàng ngàn dặm, trên bờ tây của châu Phi, nơi “một cơ hội đầu tư chưa từng có” đang được mời chào trên dải cát bị nạo vét từ Đại Tây Dương, ngoài khơi biển Lagos. Khu đô thị Eko Atlantic là phi vụ hợp tác công-tư nhân khác, lần này là sự hợp tác giữa Nhà nước và Chagoury Group, một đế chế kinh doanh có tầm ảnh hưởng đến từ Nigeria, cùng với các kỹ sư có chuyên môn đến từ Công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc – một tập đoàn Nhà nước của Trung Quốc liên quan đến thị trường tạo ra đất từ đại dương - tập đoàn này chịu trách nhiệm cho việc nạo vét cát trong dự án khu đô thị Forest City ở Malaysia cũng như nhiều hòn đảo đang tranh chấp khác trên khu vực Biển Đông.
Khu đô thị Eko Atlantic được bảo vệ bởi hàng rào phòng thủ trên biển được tạo ra từ 100,000 khối bê tông 5 tấn, được mệnh danh là “Vạn lý trường thành của Lagos”, khiến nó trở thành hòn đảo tư nhân an toàn đối với một số người, bảo vệ những người ở bên trong tránh khỏi sự biến đổi khí hậu bằng cách khiến những người khác trả giá hộ. Đây là hòn đảo san hô lớn dành cho giới thượng lưu Nigeria giàu có, trong khi những người nghèo vẫn phải chui rúc trong những khu ổ chuột ẩm thấp – những khu ổ chuột này ngày càng phải hứng chịu nhiều đợt lũ lụt và xói mòn bờ biển hơn kể từ khi việc xây dựng bức tường trên biển được bắt đầu.
Như nhà hoạt động vì môi trường Nnimmo Bassey cho biết, dự án này “trái ngược với bất cứ điều gì mà những người đó muốn làm nếu như nó gây ra biến đổi khí hậu nghiêm trọng và làm cạn kiệt tài nguyên”. Và như để củng cố thêm hình ảnh người đại diện chống đối khí hậu của ông Donald Trump, đại sứ quán Mỹ mới đây đã thông báo sẽ chuyển đến khu phức hợp rộng 5 hecta ở khu đô thị đó.
Tầm nhìn quyến rũ được tạo ra bởi máy tính của phần phụ mới của khu đô thị ngoài khơi Lagos đã làm dấy lên cơn thèm khát về những kế hoạch hướng đến tương lai và đề phòng khi khí hậu không còn thích hợp để con người sống đã lan truyền khắp lục địa châu Phi, các quốc gia thi nhau cung cấp câu trả lời cho vấn đề nhà ở cho 1.3 tỷ người dự kiến sẽ được thêm vào dân số châu Phi vào năm 2050. Ghana đã công bố các kế hoạch xây dựng khu đô thị Hope City – Hope là từ viết tắt của nhà ở (Home), văn phòng (Offices), người dân (People) và môi trường (Environment) – một ảo mộng trị giá 10 tỷ USD dự kiến sẽ là tòa nhà chung cư cao nhất châu Phi.
Tham gia cùng Hope City là dự án Kigamboni New City của Cộng hòa thống nhất Tanzania ở Dar es Salaam, dự án Tatu City ở Nairobi của Kenya, Vision City ở Kigali của Rwanda và dự án Diamniadio Lake City trị giá 2 tỷ USD của Senegal (được thiết kế bởi một công ty có cái tên vô cùng phù hợp là Bad Consultant (Công ty tư vấn Tồi tệ)) – tất cả dự án trên đều đi theo phương pháp rập khuôn dựa trên những thành phố đầy xe ô tô, những trung tâm công nghệ cao, hiếm thấy có dự án nào được lên kế hoạch dựa trên việc giải quyết vấn đề dân số hiện tại.
Như hai tác giả Rachel Keeton và Michelle Provoost của VIện International New Town viết trong cuốn sách của họ, “Để xây dựng một thành phố ở châu Phi”: “Khu đô thị New Towns đang dần trở thành những hòn đảo có những dịch vụ chất lượng cao, trong khi nhiều thành phố châu Phi tiếp tục phải chịu đựng mạng cung cấp điện không đáng tin cậy, nguồn nước sạch hạn chế và những dịch vụ không hiệu quả khác. Do khả năng tiếp cận hạn chế với các khoản thế chấp và mô hình tài chính gia đình khác, nên những người thuộc tầng lớp trung lưu thực sự của châu Phi không đủ khả năng để sống ở những nơi như khu đô thị New Towns”.
Mặc dù có bằng chứng cho thấy có đến một nửa những khu đô thị mới hầu hết đều bị bỏ trống trên khắp thế giới, nhưng giấc mơ quyến rũ xây dựng những thành phố mới từ những nơi không có đất cho thấy không có dấu hiệu sẽ sớm dừng lại. Xây dựng thành phố và vô số dịch vụ quy hoạch, kỹ thuật và công nghệ đi kèm với việc đó là một ngành công nghiệp đang bùng nổ, và các tập đoàn đang có ý định “tái chế” những ý tưởng của họ mặc cho điều kiện của địa phương đó có như thế nào.
Trở lại với khu đô thị Songdo ở đầu bài viết – nơi được các nhà phát triển tự hào liệt kê là một trong những điểm đến mà các giấc mơ của bạn được biến thành hiện thực – có một trung tâm đổi mới trưng bày những bộ phận cảm ứng cảnh báo vi phạm lỗi đỗ xe mới nhất và những cột đèn chống tội phạm, tất cả đều được gắn logo của u-City. Tôi tự hỏi tại sao lại là “u”? “Chữ đó tượng trưng cho từ ‘có mặt khắp mọi nơi’”, công ty xây dựng trả lời. “Nói cho cùng thì chúng tôi muốn loại hình thành phố của chúng tôi sẽ có mặt ở khắp mọi nơi”.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|