Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giảm mạnh
Chứng khoán châu Á phần lớn đều nhuốm sắc đỏ vào phiên chiều ngày thứ Hai (22/07), khi Trung Quốc khởi động sàn giao dịch công nghệ kiểu sàn Nasdaq.
Kết thúc phiên ngày thứ Hai (22/07), trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 1.27% xuống 2,886.97 điểm và Shenzhen Composite sụt 1.785% xuống 1,532.43 điểm.
Sàn Đổi mới Khoa học và Công nghệ (STAR) bắt đầu giao dịch ở Thượng Hải vào ngày thứ Hai (22/07), khi cổ phiếu của 25 công ty đầu tiên tăng vọt vào đầu phiên sau khi được đăng ký mua quá nhiều trước thời điểm chào sàn.
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 1.37% xuống 28,371.26 điểm.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 50.2 điểm (tương đương 0.23%) xuống 21,416.79 điểm, trong đó cổ phiếu của chuỗi cửa hàng tiện lợi Familymart sụt 3.11%. Chỉ số Topix lùi 0.49% xuống 1,556.37 điểm.
Cổ phiếu Asahi Group Holdings sụt hơn 8.87% sau khi Công ty thông báo sẽ phát hành tới 200 tỷ Yên (1.85 tỷ USD) cổ phiếu để tài trợ cho việc mua lại mảng kinh doanh của Anheuser Busch InBev ở Australia.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành được đa số ghế ở Thượng viện trong các cuộc bỏ phiếu ngày Chủ nhật (21/07). Điều này diễn ra khi Nhật Bản vẫn còn mắc kẹt trong sung đột thương mại với Hàn Quốc.
“Tôi hy vọng khi các cuộc bỏ phiếu đã qua, ông Abe sẽ cảm thấy bớt áp lực và đưa ra lập trường cứng rắn”, Richard Martin, Giám đốc quản lý tại IMA Asia, nói trên chương trình “Squawk Box” vào ngày thứ Hai (22/07).
“Vẫn có khả năng Hàn Quốc và Nhật Bản trở lại bàn đàm phán và tái thương lượng”, ông Martin cho biết. “Khi không còn những áp lực từ cuộc bầu cử, tôi hy vọng ông ấy có thể cứng rắn hơn”.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc quay đầu giảm nhẹ xuống 2,093.34 điểm khi cổ phiếu Hyundai Motor giảm hơn 1.12%. Ở Australia, chỉ số ASX 200 quay đầu giảm nhẹ 0.14% xuống 6,691.2 điểm.
Phố Wall quay đầu giảm nhẹ
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (19/07) và ghi nhận tuần giảm mạnh khi nhà đầu tư tiếp nhận một loạt báo cáo lợi nhuận của doanh nghiệp và những nhận định từ một quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, chỉ số S&P 500 lùi 0.6% xuống 2,976.61 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 0.7% còn 8,146.49 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 68.77 điểm (tương đương 0.3%) xuống 27,154.20 điểm sau khi tăng hơn 100 điểm vào đầu phiên. Các chỉ số đã xoá phần lớn đà tăng đầu phiên sau khi Iran cho biết đã bắt giữ một tàu chở dầu của Anh.
Tuần qua, S&P 500 và Nasdaq Composite đều giảm hơn 1%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 5/2019. Dow Jones mất 0.6%. Các chỉ số chính chìm trong sắc đỏ sau khi leo lên mức cao mọi thời đại hồi đầu tuần này.
Cho đến nay, có hơn 15% số công ty thuộc S&P 500 báo cáo lợi nhuận quý 2. Trong số các công ty này, có đến 79% công ty có lợi nhuận tốt hơn dự báo, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Bước vào mùa báo cáo lợi nhuận, các nhà phân tích dự báo lợi nhuận của S&P 500 sẽ giảm 3%, dữ liệu từ FactSet cho thấy. Tuần này sẽ là một tuần bận rộn đối với nhà đầu tư khi khoảng 25% công ty thuộc S&P 500 dự báo công bố kết quả kinh doanh quý 2.
Chứng khoán Mỹ đã tăng nhẹ trong phiên trước đó sau khi Chủ tịch Fed khu vực New York, John Williams, cho biết ngân hàng trung ương cần “hành động nhanh chóng” khi nền kinh tế giảm tốc và lãi suất thấp, nói thêm rằng “Tốt hơn là thực hiện các biện pháp phòng ngừa hơn là chờ thảm họa xảy ra”.
Những nhận định đó đã khiến nhà đầu tư định giá khả năng lớn hơn rằng Fed sẽ hạ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Fed khu vực New York đã chuyển sang làm dịu những suy đoán nổi lên từ những nhận định của ông Williams, người này nói với CNBC rằng không gợi ý về động thái chính sách có khả năng xảy ra tại cuộc họp sắp tới của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|