2018 đầy biến cố, kế hoạch 2019 của Bông Bạch Tuyết liệu có khả quan?
ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Bông Bạch Tuyết (UPCoM: BBT) thông qua kế hoạch năm 2019 với 112 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế gần 15 tỷ đồng, tăng 17% so với kết quả năm 2018.
Năm 2019, BBT tiếp tục nỗ lực gia tăng độ phủ tại tất cả các siêu thị, bệnh viện lớn, nhà thuốc trung tâm, cửa hàng tiện lợi, kênh bán hàng online… Bên cạnh các chiến lược marketing quảng bá sản phẩm và thương hiệu, Công ty cũng lên kế hoạch nghiên cứu để khai thác và ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao kỹ năng quản lý, đáp ứng nhu cầu và xu thế đổi mới.
Theo đó, BBT đặt kế hoạch năm 2019 sản lượng sản xuất đạt 660 tấn, tăng 6% so với thực hiện năm 2018; doanh thu 112 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế tăng 17%, ở mức gần 15 tỷ đồng (chưa tính dự án Nguyễn Văn Săng).
Về dự án Nguyễn Văn Săng, chủ đầu tư dự án khu nhà ở số 1 đường Nguyễn Văn Săng là Công ty TNHH Địa ốc Tân Phú (công ty liên doanh giữa BBT và Công ty PDG đã được UBND TPHCM chấp thuận), từ tháng 4/2017 đến nay vẫn tạm ngưng triển khai, dù đã được UBND Thành phố phê duyệt. Năm 2018, dự án vẫn chưa được ghi nhận doanh thu, trong khi năm 2017 dự án này đã mang về cho BBT 1.5 tỷ đồng doanh thu.
Dự án Khu nhà ở toạ lạc số 1 Nguyễn Văn Săng, Quận Tân Phú, TP.HCM
|
BBT tiếp tục gặp nhiều chông gai trong năm 2018
Trong năm 2018, BBT gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đầu tiên là việc đấu thầu vào các bệnh viện không còn thuận lợi so với trước đó, do hiện tại thương hiệu Bông Bạch Tuyết không còn là lựa chọn hàng đầu, nhiều công ty ít tên tuổi tham gia và được xét trúng thầu dù thương hiệu và chất lượng không cao.
Đặc biệt là vào đầu năm 2018, BBT gặp biến cố khi bị phát mãi tài sản đất đai, nhà xưởng và máy móc, nguyên do xuất phát từ khoản nợ lãi đối với Maritime Bank. Thương hiệu BBT bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số khách hàng lớn là các công ty dược đã hạn chế thậm chí ngưng hợp tác với BBT. Vào thời điểm đó, một số nhân viên bán hàng, quản lý bán hàng… của Công ty đã chủ động xin nghỉ do không an tâm làm việc, dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự tại bộ phận kinh doanh.
Với kênh tiêu dùng, mọi chuyện cũng không dễ dàng gì với BBT. Một mặt phải cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ, chiết khấu cao, thậm chí không cần hóa đơn từ các đơn vị thương hiệu thấp, mặt khác thị trường cũng dần xuất hiện các sản phẩm cùng loại với BBT nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, các siêu thị lại đòi hỏi chính sách chiết khấu cao vượt quá khả năng chịu đựng của Công ty.
Năm 2018 là một năm không dễ dàng với BBT (Hình minh họa)
|
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận sự tăng giá của xăng dầu, gián tiếp làm tăng giá mua đầu vào các loại nguyên liệu chính của BBT như bông nguyên liệu tăng 3-5%, gạc nguyên liệu tăng 5-7%, các bao bì như túi PP, PE tăng 10% và đặc biệt là các loại bao bì giấy carton tăng từ 15-20%.
Kết quả kinh doanh năm 2018, BBT sản xuất được 655 tấn sản lượng, đạt hơn 95% kế hoạch và tăng gần 9% so với thực hiện năm 2017; doanh thu bán hàng và dịch vụ gần 98 tỷ đồng, đạt hơn 86% kế hoạch và suýt soát với con số ghi nhận trong năm 2017; lợi nhuận trước thuế gần 13 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm 2018 và giảm 17% so với kết quả cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của BBT trong năm 2018 được sử dụng để để bù đắp lỗ lũy kế theo quy định, do đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2018 còn âm gần 52 tỷ đồng.
Duy Na
Fili
|