Xăng giả tung hoành, 'hé lộ' nhiều bất thường liên quan đến 'đại gia' Trịnh Sướng
Những thông tin tại cuộc họp báo chiều qua ở Sóc Trăng 'hé lộ' nhiều bất thường cần phải làm rõ trong quản lý tại địa phương, liên quan đến đường dây sản xuất tiêu thụ hàng trăm triệu lít xăng giả của 'đại gia' Trịnh Sướng.
* Đại biểu Quốc hội muốn 'truy' trách nhiệm vụ đường dây xăng giả của Trịnh Sướng
* 'Có dấu hiệu lợi ích nhóm trong đường dây buôn xăng lậu của Trịnh Sướng'
* Sau thông tin tạm giữ hình sự, ông Trịnh Sướng bị miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT CCL
* Đại gia Trịnh Sướng tuồn hàng trăm triệu lít xăng giả ra thị trường
* CCL: Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Dương Thế Nghiêm và Trịnh Sướng
Kho xăng của 'đại gia' Trịnh Sướng ở H.Kế Sách, Sóc Trăng
ẢNH: DUY TÂN
|
Chiều 11.6, Sở TT-TT tỉnh Sóc Trăng tổ chức buổi họp báo, cung cấp thông tin liên quan vụ Công ty TNHH Mỹ Hưng (Sóc Trăng) của “đại gia” Trịnh Sướng sản xuất, tiêu thụ xăng giả vừa bị Công an tỉnh Đắk Nông kết hợp với Bộ Công an triệt phá, gây chấn động dư luận.
Kiểm tra đột xuất nhưng không phát hiện xăng giả
Tại buổi họp báo, ông Chung Thành Tâm, Giám đốc Sở Tài chính, thay mặt Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), báo cáo kết quả rà soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
"Mặc dù tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo 389, phân công rất nhiều sở, ngành tham gia, nhưng sự phối hợp và kiểm tra chưa chặt chẽ, chưa phát hiện các tổ chức kinh doanh xăng dầu vi phạm. Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng nhận trách nhiệm trước Chính phủ, trước bà con nhân dân để xảy ra DN làm xăng giả trên địa bàn."
Ông Lê Văn Hiểu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Theo ông Tâm, sau khi đường dây sản xuất xăng giả do ông Trịnh Sướng tổ chức bị triệt phá, Ban Chỉ đạo 389 đã tổ chức rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của ban và các sở, ngành có liên quan về việc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Theo đó, năm 2016, kiểm tra 87 cơ sở kinh doanh xăng dầu, phát hiện 6 cơ sở vi phạm về trị số octan (RON), đo lường, giá; năm 2017, kiểm tra 32 cơ sở, phát hiện 8 cơ sở vi phạm; năm 2018, kiểm tra 59 cơ sở, phát hiện 15 cơ sở vi phạm. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, kiểm tra 30 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở vi phạm về đo lường, trị số octan…
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 hoàn toàn không phát hiện các cơ sở, kho kinh doanh dầu giả liên quan đến ông Trịnh Sướng. Việc ông Trịnh Sướng sản xuất, tiêu thụ lượng lớn xăng giả xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo 389 xem đây là trách nhiệm của mình vì đã không phát hiện.
Trả lời câu hỏi vì sao nhiều sở, ngành tổ chức hàng loạt đoàn kiểm tra, nhưng không phát hiện doanh nghiệp (DN) của ông Trịnh Sướng sản xuất, tiêu thụ xăng giả, bà Vũ Thị Hiếu Đông, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Sóc Trăng, cho biết cuối năm 2018 các cơ quan chức năng của tỉnh có tiến hành kiểm tra, lấy mẫu kiểm tra về phép đo, chất lượng tại kho xăng dầu của Công ty TNHH Mỹ Hưng (số 33 Huỳnh Văn Chính, TT.Mỹ Xuyên, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Kết quả kiểm tra, các mẫu đều đạt chất lượng, hoàn toàn không phát hiện xăng giả ở kho này.
Toàn cảnh buổi họp báo
Ảnh: Trần Thanh Phong
|
Theo bà Đông, việc kiểm tra kho xăng dầu của ông Trịnh Sướng được Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc Sở KH-CN phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hàng hóa miền Nam, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, kiểm tra đột xuất theo kế hoạch chứ không phải do nghi vấn phải kiểm tra, khi kiểm tra không thông báo trước cho DN.
“Tỉnh Sóc Trăng không có chuyện dung túng, bao che hành vi sản xuất, tiêu thụ xăng giả của ông Trịnh Sướng”, bà Đông nói.
Cũng tại buổi họp báo, ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương, xác nhận ông Nguyễn Việt Trung, Phó giám đốc sở này, từng bị kiểm điểm rút kinh nghiệm vì gia đình mượn tiền của “đại gia” Trịnh Sướng. Sự việc xảy ra vào khoảng năm 2017, khi ông Trung đang giữ chức Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.
Theo ông Chiêu, gia đình ông Trung và gia đình vợ ông Sướng là bà con và gia đình ông Trung có vay mượn tiền để làm ăn, nhưng ông Trung là Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường mà có quan hệ mượn tiền DN là không được nên đã bị kiểm điểm. Hiện ông Trung không còn kiêm chức Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường và chuẩn bị nghỉ hưu.
Nhận trách nhiệm trước Chính phủ
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên: “Việc để ông Trịnh Sướng sản xuất, tiêu thụ lượng xăng giả cực lớn, xảy ra trong thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng không phát hiện, tỉnh có kiểm điểm trách nhiệm, sai phạm các cá nhân, tập thể có liên quan?”, ông Lê Văn Hiểu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhìn nhận: Vụ án sản xuất xăng giả của Công ty TNHH Mỹ Hưng xảy ra trong thời gian dài, hơn 2 năm, với quy mô rất lớn, vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân. Đặc biệt, DN làm xăng giả quy mô lớn như vậy mà cơ quan nhà nước không phát hiện được để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, mặc dù lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo kiểm tra. Vấn đề này ảnh hưởng đến tín nhiệm, lòng tin của người dân với các cơ quan chức năng của tỉnh.
“Mặc dù tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo 389, phân công rất nhiều sở, ngành tham gia, nhưng sự phối hợp và kiểm tra chưa chặt chẽ, chưa phát hiện các tổ chức kinh doanh xăng dầu vi phạm. Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng nhận trách nhiệm trước Chính phủ, trước bà con nhân dân để xảy ra DN làm xăng giả trên địa bàn. Đây là bài học của tỉnh, của các cơ quan chức năng. Tỉnh sẽ chấn chỉnh nghiêm túc trong thời gian tới”, ông Hiểu nói.
Một cửa hàng bán xăng của ông Trịnh Sướng đóng cửa
|
Theo ông Hiểu, vụ án này do Bộ Công an chỉ đạo điều tra và đang tiếp tục làm rõ đến các tổ chức, cá nhân. Nếu có phát hiện cá nhân, tổ chức có sai phạm, có liên quan, tỉnh sẽ xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ có trách nhiệm xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm, nhất là qua kiểm tra, rà soát sắp tới.
Về vụ vận chuyển trái phép 2 triệu lít xăng của ông Trịnh Sướng từng bị Công an tỉnh Sóc Trăng phát hiện nhưng chỉ xử phạt vi phạm hành chính trong năm 2015, ông Hiểu cho biết: “Ban chuyên án sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ”.
Nhiều lãnh đạo được ông Sướng mời đi du lịch nước ngoài
Trả lời PV về thông tin mới đây ông Trịnh Sướng còn tổ chức nhiều cán bộ, lãnh đạo đi du lịch ở nước ngoài, ông Hiểu cho biết vừa qua một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo được DN của ông Trịnh Sướng tổ chức đi du lịch ở Nhật.
“Tôi được biết trong thời gian qua DN của ông Trịnh Sướng làm các hoạt động từ thiện, xã hội ở tỉnh khá tốt, nhất là tặng xe cứu thương cho các bệnh viện. Theo đó, ông Trịnh Sướng có nhã ý tổ chức cho cán bộ hưu trí, cán bộ lãnh đạo đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở Nhật. Khi đó, lãnh đạo tỉnh chưa phát hiện DN này làm xăng giả thì mới đồng ý cho một số cán bộ hưu trí, cán bộ đương chức cùng đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài”, ông Hiểu nói.
Về câu hỏi kho xăng dầu của ông Trịnh Sướng ở TT.An Lạc Thôn, H.Kế Sách có được tỉnh quy hoạch, xây dựng có phép, ông Hiểu cho biết kho xăng dầu này tỉnh có quy hoạch, có chủ trương đầu tư của tỉnh. DN có lập dự án, xây dựng có phép và tỉnh đang rà soát lại các vấn đề liên quan. Về việc chủ DN Trịnh Sướng nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua, ông Hiểu cho rằng thời điểm đó tỉnh thấy “DN làm ăn đàng hoàng, nghĩa vụ tài chính tốt, không phát hiện vi phạm gì nên Chủ tịch UBND tỉnh có xét tặng bằng khen”. “Vấn đề này, tỉnh cũng sẽ xem xét, có hướng xử lý”, ông Hiểu khẳng định.
Trả lời PV Thanh Niên về dư luận cho rằng ông Trịnh Sướng sở hữu hàng loạt bất động sản “khủng”, có giá trị lớn từ việc kinh doanh xăng giả ở Sóc Trăng, tỉnh có rà soát, kiểm tra hay không, ông Hiểu cho biết hiện tỉnh chưa nhận được yêu cầu của ban chuyên án về việc kiểm kê, đánh giá tài sản của ông Trịnh Sướng. Nếu có yêu cầu, tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, kiểm tra lại.
Vụ việc cho thấy sự yếu kém, tắc trách của cơ quan quản lý
Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 11.6, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho rằng chưa thể nói đến sự câu kết, lợi ích nhóm trong vụ đường dây sản xuất xăng giả của “đại gia” Trịnh Sướng khi chưa có kết luận điều tra cuối cùng, song vụ việc cho thấy sự yếu kém, tắc trách của cơ quan quản lý khi đã kiểm tra không đến nơi, đến chốn, để kẻ gian sử dụng phiếu xuất, nhập xăng một lần để quay vòng.
“Yếu kém này đặt ra nhiều lĩnh vực trong quản lý của chúng ta. Tại sao buôn lậu ngày càng phổ biến, hoành hành, thậm chí hàng ngoại đội lốt hàng Việt? Điều này không chỉ hệ lụy hàng kém, hàng giả mà làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, nên phải xem lại quy trình quản lý. Cơ quan điều tra sẽ chỉ rõ anh nào cố ý, anh nào yếu kém năng lực...”, ông Cường nêu.
Lê Hiệp
|
85 cửa hàng kinh doanh xăng dầu “vướng” Trịnh Sướng
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết qua rà soát, thống kê có tổng cộng 85 cửa hàng xăng dầu ở một số tỉnh, thành có quan hệ làm ăn với doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng. Trong đó, 15 cửa hàng thuộc sở hữu ông Trịnh Sướng, còn lại là mua xăng của ông này để bán lại. Hiện một số cửa hàng tạm ngưng hoạt động, một số băn khoăn, lo lắng không biết có tiếp tục buôn bán hay không, cũng có một số cửa hàng thì hoạt động kinh doanh bình thường.
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương làm việc với các chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu để kịp thời đảm bảo nguồn cung xăng dầu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nếu phát hiện còn bán xăng giả của ông Trịnh Sướng thì kiên quyết xử lý.
|
THANH NIÊN
|