Xác định xuất xứ hàng hóa để làm gì?
Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan...
Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa gọi tắt là C/O (Certificate of Origin).
"Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo hướng dẫn của Bộ Công thương hướng dẫn điều ước quốc tế đó" (điều 4, nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018).
Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt căn cứ nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27-12-2017 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018 - 2022 (gọi tắt là thuế suất ACFTA).
Điều kiện được hưởng thuế suất đặc biệt này được quy định tại điều 4 nghị định 153.
Cụ thể là phải được nhập khẩu, vận chuyển trực tiếp từ các nước ASEAN, Trung Quốc và đặc biệt phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu E theo quy định.
Các sản phẩm điện gia dụng nhãn hiệu Asanzo do các doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc cung cấp cho Asanzo đều có C/O do cơ quan nhà nước Trung Quốc cấp.
Với C/O này, doanh nghiệp không chỉ được hưởng thuế suất đặc biệt ACFTA mà còn trực tiếp khẳng định đây là hàng hóa và linh kiện của Trung Quốc. Vì vậy sản phẩm điện gia dụng nhập nguyên chiếc mà ghi xuất xứ Việt Nam là không trung thực.
Đối với tivi, máy lạnh do Asanzo lắp ráp thì sao? Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam nói rằng tỉ lệ nội địa hóa của các sản phẩm này đạt mức 30-40% nên đủ điều kiện gọi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xác định và thẩm định tỉ lệ nội địa hóa của một sản phẩm rất phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều cơ quan chuyên môn thực hiện và phải có quá trình.
Chưa kể, ông Tam thừa nhận 30-40% tỉ lệ nội địa là "vỏ nhựa, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công, nhà xưởng..."!?
Theo các chuyên gia luật, hiện nay việc xác định xuất xứ hàng hóa tivi và máy lạnh Asanzo rất đơn giản, đó là căn cứ vào nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
Điều 9 nghị định này quy định rất rõ: "Công đoạn gia công, chế biến sau đây khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ:
1. Các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự).
2. Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ), lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần.
3. Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.
4. Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự.
5. Trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại.
6. Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.
7. Kết hợp của hai hay nhiều công việc đã liệt kê từ khoản 1 đến khoản 6 điều này.
Trong quá trình điều tra, phóng viên Tuổi Trẻ đã vào nhà máy làm việc, thu thập nhiều thông tin và hình ảnh chứng minh Asanzo không sản xuất linh kiện, chỉ nhập khẩu và lắp ráp giản đơn bốn cụm linh kiện với nhau.
Công nhân lắp ráp chỉ là lao động phổ thông, không có chuyên môn nghiệp vụ, chỉ được hướng dẫn thao tác vỏn vẹn một ngày rồi đứng chuyền "sản xuất".
Đây là quá trình lắp ráp giản đơn, nên theo quy định thì không được xem đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.
Theo các chuyên gia luật, trong trường hợp này cho dù Asanzo có khai báo giá thành linh kiện nhập khẩu chỉ 20-30%, còn chi phí lương và chi phí sản xuất (nội địa hóa) chiếm tới 70-80% giá thành sản phẩm thì cũng không được xét xuất xứ hàng hóa.
Do đó, nếu Asanzo ghi nhãn mác xuất xứ linh kiện Trung Quốc, lắp ráp tại Việt Nam thì mới đúng bản chất, người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn.
NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
Tuổi trẻ