Vàng thế giới đảo chiều suy yếu sau khi tăng 4 phiên liền
Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Tư (26/06), rút khỏi đỉnh gần 6 năm đã ghi nhận một ngày trước đó, sau khi những nhận định từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, hôm thứ Ba (25/06) được các nhà phân tích nhận định là kém “bồ câu” hơn kỳ vọng, cùng với đó là những hy vọng mới về tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung, MarketWatch đưa tin.
“Vàng suy yếu sau khi những nhận định từ Chủ tịch Fed, Jerome Powell, vào chiều ngày thứ Ba (25/06) cho thấy không hoàn toàn chắc chắn lãi suất sẽ được hạ trong tháng 7 tới và vào cuối năm 2019”, Jeff Wright, Phó Chủ tịch điều hành tại GoldMining, nhận định.
Ngoài ra, những nhận định đầy lạc quan từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, vào sáng ngày thứ Tư liên quan đến xung đột thương mại Mỹ - Trung đã chuyển sự chú ý của nhà đầu tư sang các thị trường chứng khoán, “nhưng theo ý tôi, đó chỉ là trạng thái chờ xem”, ông Wright nói.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao tháng 8 lùi 3.30 USD (tương đương 0.2%) xuống 1,415.40 USD/oz. Hợp đồng này đã khép phiên ngày thứ Ba (25/06) tại mức 1,418.70 USD/oz, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 28/08/2013, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay mất 0.6% còn 1,413.8 USD/oz.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, nói với hãng tin CNBC vào sáng ngày thứ Tư rằng “Chúng tôi đã đi được 90% chặng đường về thỏa thuận và tôi nghĩ có một lối đi để hoàn tất thỏa thuận”. Ông Mnuchin nhận định rằng ông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tạo ra tiến triển cho các cuộc đàm phán thương mại vào cuối tuần này bên thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản, qua đó cung cấp cơ hội cho các tài sản rủi ro như chứng khoán Mỹ và làm giảm sức hấp dẫn của các kênh trú ẩn an toàn như vàng.
Vàng đã bắt đầu suy yếu vào cuối phiên ngày thứ Ba (25/06) sau khi ông Powell cho biết sự không chắc chắn dần lớn hơn về thương mại quốc tế và nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể bắt đầu thể hiện qua dữ liệu kinh tế, mặc dù các quan chức Fed không biết điều đó có thể kéo dài bao lâu hoặc mức độ nghiêm trọng của nó ra sao.
Dự báo về lãi suất thấp hơn trên các ngân hàng trung ương toàn cầu cùng với lo ngại về địa chính trị đều góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý trong những ngày này, đặc biệt khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã rớt mốc 2% trong những phiên gần đây.
Ngoài ra, dữ liệu vào ngày thứ Tư cho thấy số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tại Mỹ giảm 1.3%, mạnh hơn dự báo. Dữ liệu về hàng hóa lâu bền tại Mỹ cho thấy khả năng tăng trưởng GDP yếu hơn trong quý 2 và quý 3 năm nay.
Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 7 hạ 0.04% xuống 15.294 USD/oz. Hợp đồng đồng giao tháng 7 lùi 0.8% xuống 2.714 USD/lb.
Hợp đồng paladi giao tháng 9 mất 0.4% còn 1,525.70 USD/oz. Trong khi đó, hợp đồng bạch kim giao tháng 7 cộng 0.8% lên 816.60 USD/oz.
An Trần
Fili
|