Thứ Hai, 17/06/2019 13:00

Tín dụng tăng chậm – Không chỉ toàn tiêu cực

Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm nay chỉ mới đạt 5.74%, thấp hơn so với con số 6.16% của cùng kỳ năm 2018. Nhiều ý kiến lo ngại việc tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua đã chậm lại. Vậy, đâu là nguyên nhân và điều này liệu chỉ hoàn toàn thể hiện sự tiêu cực?

Bị kiểm soát chặt hơn

Trái với những năm trước đây, tăng trưởng tín dụng hiện không còn nhiều thuận lợi, trong bối cảnh sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng ít nhiều gia tăng từ những sự kiện như chiến tranh thương mại, dẫn đến nhu cầu vay vốn để mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế.

Hoạt động cho vay của các ngân hàng cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Mục tiêu đặt ra cho năm nay chỉ ở mức 14%. Với kế hoạch tăng trưởng bị hạn chế, các ngân hàng buộc phải chọn lọc khách hàng vay thật sự tốt để hạn chế rủi ro, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại là điều tất yếu. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng tăng lên trong hơn 1 năm trở lại đây, khiến nhiều khách hàng cũng e ngại việc vay vốn dài hạn để đầu tư.

Chính sách cho vay ngoại tệ tiếp tục bị hạn chế khi theo quy định của Thông tư số 42/2018/TT-NHNN, nhu cầu vay vốn ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ kết thúc vào ngày 31/03/2019 cũng phần nào ảnh hưởng lên tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống. Nhu cầu vay vốn ngoại tệ trung dài hạn cũng sẽ kết thúc vào ngày 30/09/2019, do đó được dự báo sẽ tiếp tục làm hạn chế con số tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc tăng vốn tự có, khiến hệ số an toàn vốn (CAR) cận kề ngưỡng quy định 9% nên cũng khó lòng đẩy mạnh phát triển tín dụng. Như tại Vietinbank, trong quý 4/2018, ngân hàng phải chủ động giảm 26 ngàn tỷ đồng dư nợ tín dụng và tiếp tục giảm thêm 2.4 ngàn tỷ đồng trong quý 1 đầu năm nay do hệ số CAR đã rớt về mức quy định từ tháng 9/2018.

Bên cạnh đó, hàng loạt quy định của nhà điều hành không chỉ góp phần “nắn” dòng vốn tín dụng, mà còn ảnh hưởng lên hoạt động cho vay của các nhà băng. Việc "siết" tín dụng bất động sản thông qua quy định nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên 200% vào đầu năm 2018 và 250% vào đầu năm 2019, đồng thời giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% từ đầu năm 2019, và khả năng sắp tới còn tiếp tục giảm về 30% theo định hướng của nhà điều hành đã tác động mạnh lên dòng vốn vay ở phân khúc này.

Không chỉ toàn tiêu cực

Dù vậy, việc tín dụng tăng trưởng chậm không hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa tiêu cực. Trước tình hình nguồn vốn cho vay trung dài hạn của các nhà băng bị hạn chế, các doanh nghiệp khó tiếp cận hơn, nhiều doanh nghiệp đã huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc phát hành trái phiếu, không chỉ hướng đến những người mua tổ chức như từ trước đến nay mà còn nhắm đến các nhà đầu tư cá nhân. Việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, mở ra cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư cá nhân mà còn phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển của nhà điều hành.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó vốn đầu tư gián tiếp qua các hình thức góp vốn, mua cổ phần cũng giúp tăng vốn cho các doanh nghiệp nhanh hơn, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, đã có có 3,160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7.65 tỷ USD, gấp 2.8 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi nhiều ý kiến lo ngại tăng trưởng tín dụng chậm có thể ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế, thực tế là ngoài vốn tín dụng thì trong nền kinh tế còn có nhiều nguồn vốn khác như vốn qua thị trường chứng khoán, vốn đầu tư của doanh nghiệp, vốn cá nhân, vốn ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài,… đã được khai thác và sử dụng hiệu quả hơn trong thời gian gần đây. Điều này cũng giúp giảm áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2017 và quý 1-2018 cũng mang đến cơ hội tăng vốn mạnh mẽ cho những doanh nghiệp trên sàn niêm yết, qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược và cổ đông mới. Với nguồn vốn dồi dào tích lũy được trong giai đoạn đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã giảm bớt dư nợ vay tại các ngân hàng. Thực tế là thời gian qua, các doanh nghiệp cũng tiếp tục tăng thêm vốn cổ phần khi tận dụng giá cổ phiếu có diễn biến tích cực.

Ngoài ra, những năm trở lại đây, thâm dụng vốn trong nền kinh tế đã giảm xuống, cơ cấu kinh tế chuyển biến có tính đổi mới hơn, theo đó tăng trưởng không còn phụ thuộc quá lớn vào hoạt động đầu tư. Năng suất trong nền kinh tế cải thiện, xuất khẩu duy trì tăng trưởng tích cực ngày càng đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng kinh tế. Như trong năm 2018, dù tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn vượt kế hoạch, do đó xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng khiêm tốn hơn, nhưng dòng vốn ngân hàng tiếp tục chuyển dịch vào các ngành, lĩnh vực kinh tế được khuyến khích, mang lại động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Ngược lại, dòng vốn cho vay vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán tuy làm hạn chế tốc độ tăng trưởng chung nhưng là cần thiết để ngăn ngừa những bất ổn, rủi ro, phù hợp với mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô của nhà điều hành.

Ở góc độ ngân hàng, tuy tăng trưởng tín dụng chậm hơn nhưng doanh số cho vay tại nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng cao, do các ngân hàng tích cực gia tăng vòng quay vốn nhiều hơn khi buộc phải đẩy mạnh cho vay ở các kỳ hạn ngắn, trong bối cảnh nguồn vốn trung dài hạn bị hạn chế như đã nói. Việc quay vòng vốn nhanh hơn không chỉ giúp ngân hàng tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn mà còn có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn so với giai đoạn trước đây.

Trước tình hình nguồn vốn cho vay trung dài hạn của các nhà băng bị hạn chế, các doanh nghiệp khó tiếp cận hơn, nhiều doanh nghiệp đã huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc phát hành trái phiếu, không chỉ hướng đến những người mua tổ chức như từ trước đến nay mà còn nhắm đến các nhà đầu tư cá nhân.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Núp bóng cầm đồ cho vay "tín dụng đen" với lãi suất "cắt cổ" 360%/năm (14/06/2019)

>   SCIC muốn tham gia tăng vốn cho BIDV và VietinBank (14/06/2019)

>   VPBank dự định phát hành 1.12 tỷ USD trái phiếu quốc tế (14/06/2019)

>   Giá USD tự do đảo chiều tăng tốc (14/06/2019)

>   Chỉ cho vay vốn với những dự án bất động sản đủ điều kiện (14/06/2019)

>   Nhận vé Color Me Run khi mở thẻ Sacombank UnionPay (13/06/2019)

>   Vốn ngoại tệ, tỷ giá và thế lưỡng nan của chính sách (13/06/2019)

>   Giá USD tự do giảm sâu (13/06/2019)

>   Ngày không tiền mặt 16/06, nhận ngàn ưu đãi cùng HDBank (13/06/2019)

>   798 khách hàng trúng thưởng quay số "Mời thêm bạn - Vạn niềm vui" của Sacombank (12/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật