SCMP: Ông Trump và ông Tập có thể ăn tối ở hội nghị thượng đỉnh G20?
Cuộc gặp được nhiều người mong chờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này ở Nhật Bản có thể là một cuộc đàm phán trực tiếp qua bữa ăn tối, chứ không phải chỉ là một cái bắt tay nhanh và nói chuyện đôi chút, dựa trên nguồn thông tin thân cận từ South China Morning Post (SCMP).
“Cuộc gặp này phần lớn sẽ giống với hội nghị thượng đỉnh ở Argentina vào tháng 12/2018”, nguồn tin thân cận cho hay.
Bắc Kinh vẫn chưa chính thức xác nhận về kế hoạch hoặc thông tin chi tiết nào về cuộc gặp Trump-Tập – vốn được dự báo sẽ diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào ngày 28-29/06/2019.
Mỹ vẫn chưa tung ra bất kỳ thông tin gì về format của cuộc gặp Trump-Tập, mặc dù trước đó, Tổng thống Mỹ cho biết ông đang mong chờ về cuộc đàm phán trực tiếp này.
Kết quả của cuộc đàm phán Trump-Tập có thể quyết định xem liệu hai bên có tiếp tục đàm phán thương mại hay Mỹ sẽ áp thêm thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như lời ông Trump đe dọa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với CNBC trong ngày thứ Hai (10/06) rằng ông tin Trung Quốc sẽ tiến tới thỏa thuận với Mỹ vì “họ sẽ buộc phải làm thế”.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại trên chương trình “Squawk Box”, ông Trump lên tiếng bảo vệ những lời đe dọa áp thuế lên Mexico và Trung Quốc của mình. Ông cho rằng điều này giúp Mỹ “có lợi thế cạnh tranh to lớn”.
“Thỏa thuận với Trung Quốc sẽ có thôi. Bạn biết tại sao không? Đó là vì hàng rào thuế quan”, ông Trump nói với người dẫn chương trình Joe Kernen. “Tại thời điểm này, Trung Quốc chắc chắn sẽ suy yếu vì các công ty đang rời Trung Quốc để tới những quốc gia khác, bao gồm cả đất nước của chúng ta, vì họ không muốn phải đóng thêm thuế”.
Trong buổi họp báo ngày thứ Hai (10/06), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối xác nhận về việc ông Tập có định gặp ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 hay không. Thế là trong cuộc phỏng vấn với CNBC, khi được hỏi về việc áp thuế trên có lập tức được triển khai nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tới dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6, ông Trump liền trả lời: “Đúng, sẽ là như vậy”.
Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “Squawk Box”, Tổng thống Mỹ cho biết, ông sẽ bất ngờ nếu ông Tập không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Ông Trump cho biết, ông có “mối quan hệ tuyệt vời” với ông Tập, đồng thời nói thêm “ông ấy thực sự là người đàn ông phi thường”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông sẵn sàng áp thêm thuế nếu không thể tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc.
Tuần trước, ông Trump cho biết ông có thể sẽ quyết định về chuyện áp thêm thuế sau cuộc họp G20, còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Tổng thống Mỹ sẽ “hoàn toàn vui lòng” khi áp thêm thuế lên Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không muốn tiếp tục đàm phán.
Cách thức, thời lượng và format của cuộc họp sẽ rất quan trọng để đánh giá mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo và triển vọng về thỏa thuận thương mại.
Nếu đúng là vậy, việc cả hai bên ngồi xuống đàm phán và ăn tối không chỉ cho phép hai nhà lãnh đạo và các trợ lý có đủ thời gian để giải quyết những bất đồng, nhưng cũng đồng tình với một quan điểm hòa giải.
George Magnus, cộng tác viên tại Trung Tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, cho biết những trông đợi xoay quanh về hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập “thể hiện mối quan hệ Mỹ-trung đã tệ đi đến nhường nào”.
Tương tự với trường hợp tháng 12/2018 – khi Mỹ đe dọa nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 01/01/2019, ông Trump và ông Tập đã nói chuyện bên bàn ăn tối trong 2 giờ rưỡi bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina và đồng ý đình chiến thương mại trong 90 ngày để đàm phán.
Yên bình được một thời gian, vào ngày 05/05, ông Trump bất ngờ tuyên bố nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, với lý do là Trung Quốc đã “trở mặt” và rút lại các cam kết đã nhất trí trước đó. Thế là đàm phán rơi vào thế bế tắc khi hai bên đã gần tiến tới thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán song phương – dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer – đã kết thúc trong ngày 10/05/2019 mà không có một thỏa thuận và căng thẳng Mỹ-Trung cũng vì thế mà dâng cao.
John Quelch, Hiệu trưởng của Trường Kinh doanh Miami tại Đại học Miami, cho biết cuộc gặp trực tiếp Trump-Tập “là rất quan trọng, ngay cả khi hai bên chưa giải quyết được điều gì”.
“Thị trường chứng khoán toàn cầu muốn chắc rằng đường dây liên lạc giữa cấp cao nhất của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn mở”, Quelch cho hay.
Trận chiến cũng lan sang lĩnh vực công nghệ và địa chính trị sau khi Mỹ quyết định đặt Huawei vào danh sách đen về thương mại, tức cấm các công ty Mỹ cung ứng thiết bị và phần mềm cho Huawei.
Trung Quốc đáp trả bằng cách thông báo lập ra “danh sách thực thể không đáng tin” để nhắm tới các công ty nước ngoài có ý định gây thiệt hại tới lợi ích của các công ty Trung Quốc.
Trung Quốc cũng dọa chặn đứng nguồn xuất khẩu đất hiếm – vốn chứa các nguyên tố quan trọng trong các linh kiện công nghệ cao – tới các công ty hoặc các quốc gia sử dụng chúng để gây thiệt hại cho Trung Quốc.
Bất chấp những lời đả kích từ giới truyền thông Trung Quốc tới Mỹ, vẫn còn ít sự đả kích cá nhân nhằm vào ông Trump hoặc trợ lý của ông.
Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg trong ngày thứ Sáu (07/06), ông Tập cho biết ông không muốn hai nước tách rời nhau, đồng thời gọi ông Trump là bạn giữa lúc căng thẳng đang leo thang.
Mặt khác, dù rằng đe dọa sẽ đánh thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc, nhưng ông Trump cũng tỏ ra sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Trung Quốc.
“Tôi sẽ gặp Chủ tịch Tập và chúng ta sẽ chờ xem điều gì sẽ diễn ra”, ông Trump cho biết trong chuyến công du tới Pháp trong tuần trước.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|