Thứ Năm, 20/06/2019 10:49

Rao bán đất 'ảo'

Khác với những hình ảnh 3D bắt mắt đang được rao trên mạng, thực tế các dự án chỉ là bãi hoang, đầm lầy.

Rao bán đất ảo - Ảnh 1.
Dự án Mũi Né Summer Land ở phường Phú Hài, TP Phan Thiết vẫn chỉ là các bảng quảng cáo, bên trong chưa hề “nhúc nhích” - Ảnh: ĐỨC TRONG

Đó là những dự án bất động sản (BĐS) chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng, cơ quan quản lý nhà nước chưa thẩm định... nhưng đã quảng cáo, giao dịch mua bán, đặt chỗ, chuyển nhượng trái phép tại Bình Thuận.

Hứa có luôn sổ đỏ

Ông Xà Dương Thắng - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận - cho biết vừa yêu cầu các chủ đầu tư của bốn dự án BĐS trên địa bàn TP Phan Thiết phải dừng toàn bộ và chấn chỉnh các hoạt động giao dịch "ảo" kiểu như trên.

Như vậy, đến nay tỉnh này đã "tuýt còi" tổng cộng 13 dự án BĐS thực hiện giao dịch trái quy định tương tự. Mặc dù đã "tuýt còi" nhưng hoạt động mua bán, quảng cáo tại các dự án trên vẫn diễn ra rầm rộ cả trên mạng lẫn thực tế.

Trong vai khách hàng cần mua đất nền tại dự án Hamubay của Công ty TNHH đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải ở P.Đức Long (TP Phan Thiết), chúng tôi lần theo số điện thoại đăng trên website đang rao bán, đầu dây bên kia, người đàn ông tên Huy liền khẳng định chắc nịch:

"Giai đoạn 1 với diện tích khoảng 45ha đã bán xong và đang rao bán giai đoạn 2 khoảng 12ha kể từ ngày 1-4. Vừa mở bán được mấy ngày là khách hàng mua gần hết, hiện chỉ còn ít lô".

Cảm nhận chúng tôi tiếc nuối, Huy liền tư vấn nên mua giai đoạn 3, dự kiến tháng 6 này mở bán. Cụ thể, đơn vị sẽ nhận tư vấn cho khách hàng, nếu đồng ý sẽ làm hợp đồng đặt cọc và sau đó làm hợp đồng mua bán, giá bình quân từ 20-40 triệu đồng/m2, đến tháng 3-2020 có sổ đỏ.

"Mình mua trước giá khác khi ra sổ giá khác, đúng không?" - chúng tôi hỏi.

"Đúng rồi! Ví dụ chưa ra sổ chỉ là 18 triệu đồng/m2, còn ra sổ sẽ vài chục triệu. Mình đầu tư theo kiểu này là phải chấp nhận rủi ro" - Huy giải thích.

Tương tự, vừa nghe chúng tôi "quan tâm" đến dự án Goldsand Hill Villa (Công ty TNHH Lộc Tú làm chủ đầu tư) ở P.Mũi Né, người đàn ông tên Hưởng cho biết đã bán hết sản phẩm và muốn mua thì phải chờ khách hàng trước nhường lại, giá khoảng 2,5 tỉ đồng/160m2.

"Em sẽ gửi cho anh thông tin dự án và vài lô mà khách hàng đang gửi bán. Nếu anh cân nhắc được thì em sẽ dẫn đến xem và đặt mua" - Hưởng tư vấn.

"Nếu vậy là dự án mình đã có sổ đỏ đúng không?" - chúng tôi hỏi. Hưởng trả lời: "Sổ đỏ hiện tại bên em chưa có, mà chỉ có sổ đỏ tổng của khu. Bên em sẽ làm hợp đồng thỏa thuận đặt mua và sau đó sẽ ký hợp đồng mua bán. Khi bàn giao đất thì vài tháng sau sẽ có sổ".

Không chỉ hai dự án trên, qua tìm hiểu tại TP Phan Thiết còn có hàng loạt dự án khác đang chào mời, rao bán tương tự.

Dự án Hamubay tại P.Đức Long, TP Phan Thiết đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng - Ảnh: ĐỨC TRONG

Phía trong cổng chào là... ao nước

Khác với những hình ảnh quảng cáo, khi chúng tôi đến dự án Hamubay, công trình vẫn đang thi công chưa thấm vào đâu so với tiến độ và quy mô diện tích đã phê duyệt. Một phần dự án đã san lấp ao trống, thi công đường sá, cắm mốc.

Còn khu vực dân cư, mồ mả, đường sá hiện hữu từ trước thuộc diện giải tỏa vẫn án binh bất động. Phía sau hàng rào quảng cáo dự án là ao nước đen ngòm, cống nước ngổn ngang.

Ông Đoàn Thanh Hải (ngụ khu phố 8, P.Đức Long) cho biết nhà mình thuộc diện giải tỏa để thực hiện dự án. Thông báo từ lâu nhưng chưa thấy ai đến triển khai, thỏa thuận với gia đình ông, nhà bị mưa thấm dột nhưng muốn sửa sang cũng không được.

"Họ làm gì thì làm nhanh cho tôi biết đường tính toán đi hay ở" - ông Hải ngao ngán.

Theo ông Phạm Thanh Vũ - chủ tịch UBND P.Đức Long, có khoảng 10.000 hộ dân nằm trong diện giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho dự án trên.

Hiện nay, địa phương đang trong giai đoạn phối hợp kiểm đếm, di dời mồ mả, triển khai các thủ tục đền bù giải tỏa..., chủ đầu tư chỉ mới thi công một số hạng mục. Vì thế, ông Vũ khẳng định tại dự án này chưa thể giao dịch được.

Còn tại dự án Ocean Light Center (chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Huy Hoàng) ở P.Hưng Long thì "ảm đạm" hơn. Chủ đầu tư cho rào chắn và dựng cổng công trình hoành tráng nhưng phía bên trong là ao nước đầy cỏ rác. Việc triển khai đền bù, giải tỏa mặt bằng vẫn chưa nhúc nhích.

Tiếp đó, đầu đường Võ Nguyên Giáp là hàng dài bảng quảng cáo cho dự án Mũi Né Summer Land, nhưng phía trong là cây cối um tùm, nhân viên tư vấn cho dự án đặt bàn trên vỉa hè. Tuy nhiên, dự án này được quảng cáo rầm rộ khởi công vào cuối tháng 5 vừa qua.

Ông Dương Tự - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bình Thuận - khẳng định hiện nay tại tỉnh này có hàng loạt dự án BĐS dù chưa đủ điều kiện pháp lý, thậm chí chưa tác động vào đất nhưng đã rao bán tràn lan.

Còn ông Xà Dương Thắng cho biết những giao dịch "ảo" tại các dự án chưa hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý ngoài việc sai phạm, còn ảnh hưởng đến vùng giáp ranh.

Cụ thể, giá đất xung quanh sẽ sốt "ảo" theo dự án, tạo thành bong bóng BĐS, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước xác định giá trị đất, thực hiện công tác đền bù giải tỏa, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư...

13 dự án bị "tuýt còi"

1 Hamubay tại P.Đức Long, TP Phan Thiết (Công ty TNHH đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải).

2. Khu dân cư HTV.BT Phan Rí Cửa tại huyện Tuy Phong (Công ty cổ phần HTV.BT Việt Nam).

3 Những dự án do Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Tập đoàn Novaland) làm chủ đầu tư.

4 Ocean Light Center ở P.Hưng Long, TP Phan Thiết (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Huy Hoàng).

5 Khu dân cư Tiến Lợi tại xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Toàn Thịnh).

6 Goldsand Hill Vila P.Mũi Né, TP Phan Thiết (Công ty TNHH Lộc Tú).

7 Khu dân cư - thương mại - dịch vụ mới La Gi ở thị xã La Gi (Công ty TNHH xây dựng - thương mại và dịch vụ VINAM).

8 Khu dân cư nông thôn Hàm Thắng - Hàm Liêm giai đoạn 2 ở huyện Hàm Thuận Bắc (Công ty TNHH Nguyên Bình).

9 Mũi Né Summer Land ở P.Phú Hài, TP Phan Thiết (Công ty TNHH Hưng Lộc Phát Phan Thiết).

10 Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né (Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam).

11 Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (Công ty cổ phần Tân Việt Phát).

12 Khu dân cư nam cảng cá P.Đức Long, TP Phan Thiết (Công ty cổ phần xây lắp thủy sản Việt Nam).

13 Dự án Sentosa Villa (Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn).

Khánh Hòa: thổi giá đất bằng dự án chưa được phê duyệt

Thời gian qua, giá đất khu vực đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) liên tục tăng mạnh khi những thông tin về dự án KĐT Sea Lake Cam Lâm (xã Cam Hải Tây) sắp được mở bán.

Ông Đoàn Ngọc Phước, chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây, cho biết trước đây đất ven đầm Thủy Triều chỉ mấy trăm ngàn đồng/m2, nay bình quân đã lên 2,5 triệu đồng/m2, do các "cò" đất dựa vào dự án này để thổi giá lên.

Theo người dân ở xã Cam Hải Tây, các "cò" đất đi thu gom đất trồng xoài của người dân rồi xin chuyển mục đích thành đất ở nông thôn, sau đó làm hạ tầng phân lô bán nền với giá cao. So với cách đây hai năm, giá đất khu vực này hiện đã tăng gấp 4 lần.

KĐT Sea Lake được rao trên mạng "là một trong những dự án đô thị quy mô hàng đầu tại Cam Lâm trong khuôn viên gần 50ha, cách bờ biển Bãi Dài 5 phút, cung cấp đầy đủ các công trình tiện ích cần thiết cho cuộc sống. Dự án này sẽ mở bán vào năm 2019 với các sản phẩm: nhà phố biển, biệt thự song lập, biệt thự vườn...".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hảo - chủ tịch UBND huyện Cam Lâm - cho biết hiện nay dự án này mới được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận chủ trương cho phép Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bắc bán đảo Cam Ranh lập quy hoạch chi tiết 1/500. Quy hoạch chưa được UBND tỉnh phê duyệt.

Dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng một lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện nay các dự án BT đã tạm dừng.

"Đối với một dự án BT chưa được phê duyệt như dự án KĐT Sea Lake thì không có chuyện dự án này sắp được mở bán vào năm 2019 như quảng cáo, mà đây chỉ là chiêu trò lợi dụng quy hoạch ảo để đẩy giá đất lên cao" - vị này nói.

Trong khi đó, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh tiến hành xác minh thông tin và thu thập hồ sơ liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản tại khu trung tâm đô thị thương mại dịch vụ tài chính du lịch Nha Trang (khu vực sân bay Nha Trang cũ).

Công ty CP Phúc Sơn, chủ đầu tư khu đô thị này, có văn bản cho biết: "... đến nay, việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản liên quan đến khu trung tâm đô thị thương mại dịch vụ tài chính du lịch Nha Trang là hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư".

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, qua kiểm tra vào tháng 3-2018, chủ đầu tư dự án này đã đưa bất động sản của dự án vào kinh doanh, thu tiền của khách hàng khi chưa đủ điều kiện là vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Đà Nẵng: vẽ dự án “ma”

ban dat da nang

Dự án khu dân cư Nam Cẩm Lệ và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân là dự án “ma” nhưng Công ty Quảng Đà vẫn lừa bán cho dân - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Tại Đà Nẵng, Công ty CP đầu tư và phát triển Quảng Đà (Công ty Quảng Đà) đã tự vẽ ra dự án khu dân cư Nam Cẩm Lệ và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân, P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) để bán khiến hàng trăm người dính bẫy.

Giám đốc công ty này và một đồng phạm đã bị khởi tố, tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, những nạn nhân của vụ lừa đảo này vẫn đang điêu đứng và kêu cứu đến các cơ quan chức năng trong thời gian qua.

Bà N.T.T.L. (trú Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết vào ngày 3-4, khi tổng giám đốc của Công ty Quảng Đà là Nguyễn Thị Bích Thuận bị bắt thì trước đó vài giờ, bà này vẫn ký nhận số tiền giữ chỗ 200 triệu đồng.

Theo bà L., vào trước năm 2019, qua các trang bất động sản thấy rao bán đất tại dự án trên, bà đã liên hệ và được nhân viên dẫn đi xem thực tế đất.

Thấy có đường nhựa, vỉa hè, đồng thời được các nhân viên thuyết phục nên bà L. tin và đặt cọc giữ chỗ 400 triệu đồng, hẹn mấy tháng sau chồng thêm 95%, khi ra sổ thì nộp đủ.

Thấy con trai đã lớn, bà L. rủ con mua 1 lô đất có trị giá 1,7 tỉ đồng của dự án do Công ty Quảng Đà rao bán. Bi kịch hơn là trước lúc bị công an bắt, bà L. có nghe thông tin nên đến công ty tính đòi lại tiền giữ chỗ.

Vậy nhưng khi gặp giám đốc, bà L. lại bị thuyết phục, thay vì đòi tiền thì bà L. lại nộp thêm 200 triệu đồng giữ chỗ.

Đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng, UBND Q.Cẩm Lệ cho biết dự án mang tên khu dân cư Nam Cẩm Lệ và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân không có thật. Diện tích đất trên vẫn do Trung tâm phát triển quỹ đất TP quản lý, không giao cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào để thực hiện đầu tư dự án bán đất nền.

Tuy nhiên, công ty này đã nhận tiền của khách hàng nhằm mua bán các lô đất có vị trí nêu trên. Phòng cảnh sát kinh tế (Công an Đà Nẵng) cho biết thêm vào tháng 12-2018, đã có thông báo tìm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tháng 1-2019, Phòng cảnh sát kinh tế đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã có hàng trăm người trình báo là nạn nhân tại dự án "ma" trên với số tiền bị lừa khoảng 75 tỉ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM):

Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp phân lô bán nền trái phép

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành xuất hiện nhiều dự án phân lô, bán nền trên "giấy" trái quy định, gây thiệt hại cho người dân. Chủ yếu các dự án "ma" này đều là dự án chuyển nhượng phân lô bán nền trái phép.

Các dự án đều thiếu nhiều yếu tố pháp lý, không hội đủ điều kiện kinh doanh bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản hình thành trong tương lai. Diện tích khu đất nhỏ, các công ty tự ý phân lô nhỏ lẻ trên đất công nghiệp, nông nghiệp của người dân hoặc đất đã được quy hoạch.

Đất chưa chuyển mục đích qua đất ở, được quy hoạch làm công viên, khu thể dục thể thao nên không được cơ quan chức năng cấp phép.

Theo quy định, muốn lập dự án phân lô bán nền, chủ đầu tư phải có sổ đỏ khu đất, cơ quan chức năng công nhận chủ đầu tư, phải có bản vẽ cơ quan chức năng duyệt, hệ thống giao thông, kết nối điện, nước phải đúng chuẩn của cơ quan chức năng.

Để ngăn chặn loại hình kinh doanh trái quy định này, cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông báo chí. Dựng panô, bảng hiệu cảnh báo khu đất quy hoạch, khu đất không làm dự án để người dân cảnh giác và phòng ngừa.

Đây là cách mà UBND Q.12, Q.Bình Tân (TP.HCM) hay thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa làm.

Chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tiến hành cưỡng chế các dự án sai phạm, trả lại hiện trạng khu đất, nhắc nhở chủ khu đất không nên nghe theo lời của các công ty bất động sản bất chính.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình phân lô bán nền trái phép. Khi có hình thức xử phạt, chế tài nặng, doanh nghiệp làm trái quy định mới thật sự sợ.

PHƯỚC TUẦN

ĐỨC TRONG

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Phá dỡ phần sai phạm của công trình 8B Lê Trực: Vì sao chậm tiến độ? (19/06/2019)

>   Vừa bán đất dự án biệt thự, vừa thế chấp ngân hàng (19/06/2019)

>   DKR ra mắt khu A - dự án Nhơn Hội New City (19/06/2019)

>   Nhà phố xây sẵn là lựa chọn ưu tiên cho thị trường Đồng Nai (19/06/2019)

>   UBND tỉnh Long An chỉ đạo xử lý 2 dự án sai phạm hàng loạt (18/06/2019)

>   Với loạt dự án nghỉ dưỡng và khu đô thị, CEO giải bài toán vốn như thế nào? (19/06/2019)

>   HoREA lên tiếng vụ 110 biệt thự xây "không phép" ở khu Nam Sài Gòn (18/06/2019)

>   NÓI THẲNG: 110 biệt thự xây liều và… cái tát vào kỷ cương (18/06/2019)

>   Cảnh báo 9 dự án đất nền 'ma' tại Quận Bình Tân (18/06/2019)

>   Phận long đong của những dự án dát vàng tại Hà Nội (18/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật