Nikkei: Apple yêu cầu các nhà cung ứng chuyển 15-30% hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc
Apple đã yêu cầu các nhà cung ứng lớn nhất cân nhắc tới việc chuyển 15-30% hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á – một động thái có thể làm xoay chuyển chuỗi sản xuất của Apple, dựa trên nguồn tin từ Nikkei Asian Reviews.
Theo Nikkei Asian Review, Apple đã yêu cầu “các nhà cung ứng lớn” ước tính chi phí của việc dịch chuyển một phần sản xuất sang các nước Đông Nam Á. Những nhà cung ứng này bao gồm Foxconn Technology, Pegatron và Wistron (những công ty lắp ráp iPhone), Quanta Computer (nhà sản xuất MacBook), Compal Electronics (nhà sản xuất iPad cho Apple) và Inventec, Luxshare-ICT và GoerTek (các nhà sản xuất AirPod cho Apple).
Sở dĩ Apple đưa ra yêu cầu trên cũng vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài, nhưng nhiều nguồn tin cho biết nếu xung đột được giải quyết thì họ sẽ không thể trở lại Trung Quốc. Apple đã quyết định rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc là quá lớn và ngày càng gia tăng, dựa trên nguồn tin từ Nikkei Asian Review.
“Tỷ lệ sinh thấp hơn, chi phí lao động cao hơn và nguy cơ tập trung quá mức sản xuất tại một quốc gia. Những yếu tố bất lợi này sẽ chẳng biến mất", một giám đốc điều hành nắm rõ tình hình cho biết. "Cho dù Mỹ có triển khai áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hay không, Apple vẫn đang đi theo xu hướng lớn để đa dạng hóa sản xuất," gia tăng sự linh hoạt, người này nói thêm.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Apple vì đây là nơi sản xuất của gần như toàn bộ iPhone và iPad và cũng là thị trường quốc tế lớn nhất của Apple. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp hàng rào thuế quan lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, một hành động sẽ leo thang căng thẳng thương mại, đồng thời cũng áp thuế đối với sản phẩm có lãi nhất của Apple.
Khoảng 5 triệu việc làm của người Trung Quốc đến từ Apple, bao gồm hơn 1.8 triệu người lập trình phần mềm và ứng dụng iOS (hệ điều hành của Apple), dựa trên nghiên cứu mới nhất của Apple. Apple tuyển dụng 10,000 nhân viên ở Trung Quốc.
Các nhà cung ứng thừa nhận rằng việc tái tạo lại mạng lưới sản xuất ở nơi khác sẽ cần có thời gian và Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Apple trong tương lai gần. “Đây thực sự là một nỗ lực dài hạn và có thể thấy kết quả trong 2 hoặc 3 năm nữa”, một nhà cung ứng cho biết. “Thật đau đớn và khó khăn, nhưng đó là thứ mà chúng tôi buộc phải đối mặt”.
Nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã buộc Apple lần đầu tiên xem xét nghiêm túc tới việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất, theo một số nguồn tin. Vào cuối năm 2018, Apple đã bắt đầu mở rộng cái gọi là nhóm nghiên cứu chi phí vốn. Đội ngũ hơn 30 người đang thảo luận về kế hoạch sản xuất với các nhà cung ứng và đàm phán với các Chính phủ về các ưu đãi tài chính mà họ sẵn sàng cung cấp để thu hút hoạt động sản xuất của Apple, cũng như các quy định và môi trường kinh doanh ở địa phương.
“Chúng tôi cần phải biết những công ty lắp ráp lớn này đang hướng đến đâu và từ đó chúng tôi có thể lên kế hoạch”, một giám đốc tại một nhà cung ứng linh kiện của Apple nói với Nikkei Asian Review.
Mặc dù nhà cung ứng thiết bị cho Apple Wistron đã lắp ráp iPhone với chi phí thấp hơn ở Ấn Độ kể từ năm 2017, nhưng số lượng chiếc iPhone từ công ty này và Foxconn vẫn còn rất thấp. Hơn 90% sản phẩm của Apple được lắp ráp ở Trung Quốc. Trong năm 2018, số lượng nhà cung ứng có trụ sở ở Trung Quốc và Hồng Kông đã vượt mặt số lượng nhà cung ứng ở Mỹ và Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử, chiếm tới 41 trong số 200 nhà cung ứng hàng đầu, theo nghiên cứu của Nikkei.
Các quốc gia đang được xem xét để đa dạng hóa bao gồm Mexico, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Ấn Độ và Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích để đa dạng hóa hoạt động sản xuất điện thoại thông minh, dựa trên nguồn thông tin thân cận.
Apple không đặt ra hạn chót hoàn tất đề xuất kinh doanh của các nhà cung ứng. Cả hai bên đang làm việc cùng nhau để xác định các ưu đãi có lợi nhất và xem xét môi trường kinh doanh bên ngoài Trung Quốc.
Các chuyên viên phân tích cho biết, động thái của Apple là hợp lý và cần thiết. “Chúng tôi cảm thấy lời cảnh báo nâng thuế của ông Trump thực sự châm ngòi cho sự thay đổi trong chuỗi cung ứng và họ không thể cứ giả vờ là mọi thứ sẽ giữ nguyên như trước”, Jeff Pu, Chuyên viên phân tích tại GF Securities, cho hay. “Mọi người cần phải lên kế hoạch B… và xem xét các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc, ngay cả khi cần phải có thời gian để dịch chuyển hoạt động sản xuất”.
Vào đầu những năm 2000, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng như nước, tiện ích, đường xá và thậm chí ký túc xá cho người lao động. Họ cũng đề xuất đơn giản hóa quy trình xuất-nhập khẩu và giảm bớt quy định lao động. “Tất cả những gì Apple phải làm ngay tại thời điểm đó là đưa ra quyết định và hoạt động sản xuất có thể được điều chỉnh suôn sẻ ở Trung Quốc”, một nguồn tin cho biết.
Các quốc gia khác, với cơ sở hạ tầng kém phát triển, có thể khó mà đáp ứng các ưu đãi như vậy. Một số nhà cung ứng đã dành "3 đến 5 tháng để đánh giá một địa điểm", nhưng sau đó phát hiện ra rằng có nguy cơ thiếu điện, một nguồn tin cho biết.
Sẽ mất ít nhất 18 tháng để bắt đầu sản xuất sau khi chọn ra một địa điểm, các nguồn tin cho biết. "Dây chuyền sản xuất các sản phẩm của Apple rất phức tạp", một giám đốc điều hành cho biết.
Foxconn cho biết họ có đủ khả năng sản xuất toàn bộ chiếc iPhone cho thị trường Mỹ ở bên ngoài Trung Quốc nếu cần thiết. Đối tác Đài Loan này của Apple hiện đang sản xuất phần lớn iPhone ở Trung Quốc đại lục.
Young Liu, Trưởng bộ phận bán dẫn tại Hon Hai, đã đưa ra nhận định trên tại một cuộc họp báo ở Đài Bắc trong ngày thứ Ba (11/06). Khi thương chiến Mỹ-Trung ngày càng leo thang và khó lường, Foxconn sẽ hỗ trợ hoàn toàn cho Apple nếu họ cần phải điều chỉnh hoạt động sản xuất, ông nói.
“25% công suất của chúng tôi là ở bên ngoài Trung Quốc và chúng tôi có thể giúp Apple đáp ứng nhu cầu ở thị trường Mỹ”, ông Liu cho hay, đồng thời nói thêm họ đang đầu tư ở Ấn Độ để chuẩn bị cho Apple. “Chúng tôi có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu của Apple”.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)
FiLi
|