Thứ Năm, 06/06/2019 15:20

Nhịp đập Thị trường 06/06: HPG giảm sâu, nhưng nhiều Large Cap cứu VN-Index

VN-Index tiếp tục… hụt bước trong phiên chiều, nhưng lại được cứu sau 14h15. Thị trường có lúc rơi vào trạng thái thất vọng khi VN-Index xuống thấp hơn mức hỗ trợ 945, nhưng rồi kịp hồi nhờ một số mã lớn như MSN, HPG, FPT, CTG

Diễn biến nhóm VN30 vẫn mang tính quyết định đến hướng đi của chỉ số. Có thời điểm chỉ có 3 mã tăng giá, nhưng đến cuối phiên số lượng mã tăng giá đã tăng lên con số 9. EIB vẫn là mã tăng giá mạnh nhất nhóm (+3.4%), tiếp theo là FPT (+2.1%). Ở chiều kia, HPG vẫn gây thất vọng khi giảm giá tới 4.6%. GAS giảm 2.2% “nặng” hơn một chút so với cuối phiên sáng.

HPG có lẽ là cổ phiếu đáng theo dõi nhất chiều nay, với cuộc chiến “đua lệnh” tại vùng giá thấp giữa bên bán có lẽ khối ngoại là chủ yếu, và bên mua là khối nội là chủ yếu. Giá cổ phiếu này dao động trong phạm vi 22,400-22,700 đ/cp. Cuối ATC, cổ phiếu này khớp giá 22,650 đ/cp, giảm gần 5%. Mức giá này cũng quay lại mặt bằng giá hồi tháng 1 đầu năm.  Lượng khớp lệnh lên đến 7 triệu cp, chỉ kém phiên 03/06. Khối ngoại bán ròng gần 1.4 tr.cp.

Nhóm ngân hàng có nhiều mã giảm trong phiên chiều, nhưng lại kịp hồi vào những phút cuối, bao gồm cả VCB (dù cuối phiên giảm 1.2%), BID, CTG hay EIB (cuối phiên quay lại đà tăng giá hơn 3%).

Nhóm dầu khí cũng có cú đảo chiều ngoạn mục, trừ GAS, POW, PVD, PVS, PVT… đều tăng giá dù diễn biến giá dầu thế giới đang rất xấu, và bản thân những cổ phiếu này đến lúc trưa vẫn còn giảm giá.

Diễn biến trên HNX không có thay đổi phiên so với thời điểm cuối phiên sáng, chỉ số HNX-Index vẫn ngụp dưới tham chiếu và không có cú hồi mạnh như VN-Index. Chốt ngày HNX-Index đóng cửa ở 103.03 điểm, giảm gần 0.5%. DBC là Large Cap gây bất ngờ nhất sàn này khi tăng sát trần tới gần 10%. Chỉ cần 1 phiên, DBC đã quay lại mặt bằng giá cũ 22,000 đ/cp sau gần 1 tháng giảm giá về sát 20,000 đ/cp.

Diễn biến trên UPCoM khá giống HOSE, trong đó chỉ số này chịu sức ép từ các mã ngân hàng (LPB, VIB) và Large Cap khác như MSR, DNH, LTG… Tuy vậy sàn này vẫn có nhiều mã nhỏ tăng giá tích cực (trong đó 19 mã tăng trần gần 15%) nên đóng cửa chỉ giảm nhẹ 0.2%. UPCoM cũng là sàn duy nhất có số mã tăng giá nhiều hơn số giảm giá.

Trong nhóm BĐS, nếu phiên sáng kẻ gây bất ngờ là HAR thì đến chiều là SCR. Cổ phiếu này lình xình suốt cả ngày, nhưng đến ATC thì bốc đầu tăng 5.8% lên 7,500 đ/cp.

Phiên sáng: Cú đạp lúc 11h

VN-Index giảm 0.5% sáng nay về mức thấp nhất trong hơn 2 tiếng giao dịch là 946.68 điểm. Thực tế chỉ số này cũng có không ít thời điểm đem lại kỳ vọng phục hồi, nhưng với cú đạp bất ngờ lúc gần 11h, chỉ số lại rơi sâu hơn nữa. Chỉ số này chịu ảnh hưởng lớn từ VN30-Index, vốn có cùng mức giảm. Giá trị giao dịch sàn HOSE sáng nay gần 1.3 ngàn tỷ đồng, vẫn ở mức thấp. Chỉ số nhóm Mid Cap cũng chuyển sang đỏ, như vậy không còn chỉ số phụ nào trên sàn HOSE giữ được sắc xanh.

Vốn có diễn biến khá ngược trong nửa đầu phiên sáng, nhưng khi VN-Index rớt sâu, 2 chỉ số HNX và UPCoM-Index cũng đi theo và cũng về đáy của phiên sáng nay.

Nhóm ngân hàng lại đổi màu, hiện chỉ còn EIB, CTG, VPBKLB tăng giá, nhiều mã khác đã chuyển sang sắc đỏ, bao gồm cả VCB, STB, BID… ACB giảm suốt phiên sáng, và diễn biến còn tệ hơn theo thời gian.

Nhóm bất động sản sàn HOSE may thay vẫn có phân hóa với lượng cổ phiếu tăng – giảm khá cân bằng. “Lợi thế” dường như đang thuộc về các mã nhỏ như NTL, SJS, HAR, TDHVIC giảm 0.1%, nhưng VHM vẫn tiếp tục đi lùi khi giảm 1.2% và đang quay trở lại mức giá thiết lập cuối tháng 1 đầu tháng 2 năm nay.

HPG đứng đầu nhóm giảm giá trong VN30, với mức giảm 4.4%. Cổ phiếu này từng có lúc giảm hơn 5%, dù công ty cũng có báo cáo sơ bộ mức tăng trưởng bán hàng khá tích cực trong 5 tháng đầu năm. Sáng nay báo chí đồng loạt đăng tin Formosa lỗ dù doanh thu khủng, nhưng chưa rõ yếu tố “khủng” đó có ảnh hưởng đến HPG hay không. Khối ngoại đang bán ròng ở đây, cũng không phải là số liệu gì hay. Hiện giá HPG đã về mặt bằng hồi tháng 1 đầu năm nay.

GAS giảm 1.8% nhưng có lẽ không bất ngờ, do diễn biến giá dầu thế giới gần đây giảm mạnh. Không chỉ GAS, nhiều cổ phiếu dầu khí khác cũng giảm giá. BSR, OIL thậm chí giảm sâu hơn đầu phiên. PVD vốn được khối ngoại giữ giá ở tham chiếu, nhưng giờ cũng giảm 0.5%. PVT có analyst meeting nhưng thông tin công bố qua cuộc họp này chưa giúp giữ giá cổ phiếu.

DBC tăng giá tới 9.5%, rất bất ngờ so với diễn biến đi ngang tuần qua. Đây cũng là cổ phiếu largecap đáng chú ý nhất trên HNX lúc này.

MPC sáng nay giảm 2.6% trong thanh khoản thấp. Diễn biến trong phiên cũng có thời điểm tạo ra 1 số chỉ báo kỹ thuật tích cực, nhưng đến cuối phiên thì những chỉ báo này lại đi đâu mất. Bắt đáy cổ phiếu này dường như chưa đến lúc. Dù sao thị trường vẫn đợi chính lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng trước thông tin về cáo buộc của Mỹ.

10h30: Rơi “sâu”

VN-Index nhen nhóm chút hy vọng khi chỉ số này hồi lại về sát tham chiếu ngay sau ATO, nhưng rồi lại rơi, rơi “sâu” về dưới 950 điểm. Thực tế mức giảm điểm của chỉ số lúc này chỉ chừng 1.8 điểm (-0.18%). Diễn biến tương tự là VN30-Index nhưng ở “mặt bằng” cao hơn một chút. Tuy vậy tình hình trên sàn HOSE vẫn kém hơn so với đầu phiên. Hiện chỉ có chỉ số nhóm Mid Cap còn xanh.

Số lượng mã tăng – giảm giá trong VN30 đang cân bằng (12:12), trong đó EIB dẫn đầu nhóm tăng (+3.1%) tiếp theo là FPT. Ở chiều kia, ngạc nhiên nhất là HPG (-2.9%) sau đó là ROS (-1.7%) như thường lệ.

Chỉ số HNX-Index rơi sâu nhưng có vẻ đang cố gắng thoát khỏi tầm ảnh hưởng từ HOSE. UPCoM-Index cũng vậy, thậm chí còn đang ngấp nghé quay lại tham chiếu.

Trong số Large Cap sàn HNX, đáng chú ý nhất có lẽ là DBC với mức tăng giá gần 7%, sau hơn 1 tuần đi ngang. Mức tăng này giúp DBC quay lại mặt bằng 2 tháng trước đó (trên 22,000 đ/cp).

Sắc xanh dần lan rộng trong nhóm ngân hàng, nhưng ở mức độ khá mong manh, ngoại trừ EIB tăng hơn 3%, hầu hết các mã tăng giá khác đều chỉ trong khoảng 0.2-0.5%.

HPG không hồi được sau phiên điều chỉnh cổ tức (30% cổ phiếu) mà còn giảm sâu thêm về 23,100 đ/cp. Khối ngoại đang bán ròng ở đây. Chưa rõ thông tin liên quan đến doanh số khủng của Formosa có ảnh hưởng gì đến giá cổ phiếu HPG sáng nay hay không. Trong nhóm VN30, HPG cũng giảm vượt mặt ROS, vốn luôn là mã giảm giá nhiều nhất trước khi được “cứu” vào cuối ngày.

GAS giảm 1.6% sâu hơn nhiều so với đầu phiên. Đây cũng là tình trạng chung nhóm cổ phiếu dầu khí họ PVN, trừ PVD bất ngờ quay lại tham chiếu.

MPC tiếp tục giảm 1.5% nhưng là cây nến xanh sáng nay. Lưu ý rằng tuy nến xanh, nhưng lượng GD còn quá thấp nên chưa phải là dấu hiệu bắt đáy. Chưa rõ tác động của đề xuất “soi” hoạt động của MPC từ phía Mỹ sẽ còn kéo dài đến khi nào, vì cũng mới chỉ là đề xuất, nhưng giá cổ phiếu này đã giảm hơn 18% từ điểm khởi đầu gần 42,000 đ/cp.

Cả 3 mã săm lốp đang tăng giá. DRC có lẽ là có bắt đáy, còn SRC tăng gần 7% chắc vẫn do chưa hết game thoái vốn.

Nhóm cá tra sáng nay có diễn biến tích cực, IDI, VHC, ABT đều tăng giá nhẹ, riêng ICF tăng tới gần 7.7%.

Mở cửa: Thận trọng ngay từ đầu phiên

VN-Index mở cửa đứng yên, nhưng sau đó giảm nhẹ một chút, chịu tác động từ nhóm VN30. Hai chỉ số nhóm Mid Cap và Small Cap sàn HOSE vẫn xanh nhẹ bất chấp chỉ số chính, điều này cho thấy tâm lý tách cực vẫn duy trì sau 2 phiên vừa qua, lẫn diễn biến trên sàn chứng Mỹ đêm qua, tuy nhiên nhìn ở góc độ khác, có thể nhà đầu tư 2 nhóm này còn chưa kịp phản ứng với diễn biến nhóm Large Cap. Vẫn cần thêm chút thời gian theo dõi để xác định xu hướng chính của phiên sáng nay.

Diễn biến chứng khoán Mỹ đêm qua có lẽ vẫn đang ảnh hưởng tích cực lên chứng khoán Việt Nam, bởi việc Fed giảm lãi suất sẽ là dạng tác động tích cực mang tính toàn cầu.

Hai sàn HNX và UPCoM cho thấy tâm lý kém hơn hẳn so với HOSE. Hai chỉ số chính 2 sàn này đều đỏ ngay từ khi “khai mạc”, thậm chí các chỉ số phụ sàn HNX cũng vậy. Dù sao thì ACB, VCG và một số đại gia dầu khí là các yếu tố chính đang khiến HNX-Index suy giảm.

Diễn biến xấu của giá dầu thế giới tiếp tục ám cổ phiếu dầu khí, cả “họ” PVN lẫn “họ” PLX. GAS đang giảm gần 1%, PLX giảm gần 1.5%, nhiều cổ phiếu khác cũng giảm nhẹ như PVD, PVS, PVT, OIL, BSR…

Nhóm ngân hàng phân hóa sáng nay, đúng ra phải nói là đang trở nên tiêu cực hơn sau diễn biến hôm qua. ACB quay lại sắc đỏ sau khi xanh được một hôm. Tuy nhiên TCB lại có dấu hiệu hồi nhẹ sau chuỗi phiên giảm giá kéo dài từ nửa cuối tháng trước. Khối ngoại chưa thấy giao dịch nào đáng kể ở nhóm này.

Sức nóng của chứng quyền chưa giúp nhiều cho các cổ phiếu lớn nhóm chứng khoán, sáng nay cả SSI, HCM, VCI đều giảm giá nhẹ.

YEG tăng tiếp hơn 5.8% sau khi đã tăng gần 7% hôm qua, phản ứng lại thông tin doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ. Chưa rõ YEG sẽ mua cổ phiếu quỹ trong khoảng giá nào, dù doanh nghiệp chắc sẽ phải báo cáo trước với cơ quan quản lý. Do đó đua trần YEG ở phiên thứ hai cũng có đôi chút rủi ro.

Cả 2 cổ phiếu khoáng sản “hiếm” MSR và BMC đều giảm giá không hề nhẹ sáng nay. Có lẽ đợt chốt lời đã đến, nhất là đối với BMC, sau khi cổ phiếu này tăng vọt nhờ “hưởng ké” lợi ích từ cuộc chiến Mỹ - Trung (liên quan đến khoảng sản kim loại quý, hiếm).

Nhóm cao su thiên nhiên đồng loạt xanh mướt, nhờ giá cao su thiên nhiên thế giới tăng mạnh trong 2 tháng vừa qua.

Hoàng Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Vietstock Daily 06/06: Chưa thể lạc quan (05/06/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 06/06: Tốt xấu đan xen (05/06/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 05/06: Giữ được sắc xanh (05/06/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 05/06: Đã bớt bi quan (04/06/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 04/06: VN-Index tăng điểm với thanh khoản cạn kiệt (04/06/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 04/06: Tâm lý bi quan đang bao trùm (03/06/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 04/06: Tâm lý bi quan đang bao trùm (03/06/2019)

>   Vietstock Daily 04/06: Thanh khoản trên đà hồi phục? (03/06/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 03/06: Dòng tiền bắt đáy xuất hiện (03/06/2019)

>   Vietstock Weekly 03-07/06/2019: Xu hướng giảm sẽ tiếp tục chi phối? (02/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật