MPC: “Bỏ nhập tôm từ Ấn Độ cũng không ảnh hưởng gì nhiều”
Chiều ngày 06/07, Tập đoàn Minh Phú (UPCoM: MPC) đã tổ chức buổi gặp gỡ truyền thông và chính thức lên tiếng về cáo buộc né thuế chống bán phá giá đối với tôm gây xôn xao dư luận những ngày gần đây.
* MPC dính nghi án né thuế: Vốn hóa bốc hơi ngàn tỷ, Chủ tịch vẫn im tiếng
* Chủ tịch Sao Ta: Hy vọng Minh Phú sẽ “giải oan” cho chính mình và ngành Tôm
* Minh Phú bị cáo buộc né thuế chống bán phá giá đối với tôm
Theo MPC, thực tế từ năm 2004, Công ty đã trải qua hơn 10 năm tham gia điều tra chống phá giá do Bộ Thương Mại Hoa Kỳ trên đối tượng tôm đông lạnh từ Việt Nam. Do vậy, MPC vô cùng thận trọng trong việc tuân thủ các quy định pháp luật tại Mỹ, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào mà Công ty xuất khẩu sản phẩm.
MPC chưa nhận được thông tin liên quan cáo buộc từ CBP
Tới thời điểm hiện tại, MPC vẫn chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu nào từ Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) hay bất cứ cơ quan nào của Chính Phủ Mỹ liên quan đến cáo buộc né thuế chống bán phá giá. Hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của MPC vẫn được tiến hành thông quan bình thường.
Theo tư vấn từ luật sư của MPC, sau khi CBP nhận được các yêu cầu và cáo buộc thì theo luật, CBP sẽ có 95 ngày để cân nhắc các thông tin trước khi tiến hành khởi xướng điều tra và sẽ thông báo về kết luận sau khi hoàn tất việc điều tra theo quy định.
Như vậy, bức thư trên của Ngài Nghị sỹ LaHood chỉ đơn giản là một yêu cầu dựa trên cáo buộc từ một phía, chưa có bằng chứng và cũng không phải là một nghị quyết hay kết luận của cơ quan nhà nước về vấn đề này.
Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang tại cuộc gặp gỡ truyền thông chiều 07/06.
|
Tổng sản lượng xuất khẩu tôm năm 2018 của MPC đạt trên 67,000 tấn (lượng xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ của MPC chỉ chiếm dưới 40%), tổng doanh thu đạt trên 750 triệu đô la Mỹ.
MPC cho biết, những năm trở lại đây Công ty luôn phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển kênh phân phối nội địa. Do vậy, thực tế là tỷ trọng tôm xuất khẩu sang Mỹ của MPC giảm chứ không tăng. Ví dụ như trong quý 1/2019, lượng tôm xuất khẩu qua Mỹ của MPC chỉ đạt khoảng 33% trên tổng lượng xuất khẩu, giảm so với tỷ trọng trên 41% của năm 2015.
Năm 2016, MPC được bỏ lệnh áp thuế chống phá giá nhưng Công ty không hề đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ mà vẫn tiếp tục đa dạng hóa xuất khẩu.
Lượng nguyên liệu nhập từ Ấn Độ không quá quan trọng
Về vấn để sử dụng tôm nhập khẩu, MPC không phủ nhận việc có nhập khẩu từ Ấn Độ với tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam, ổn định công việc và thu nhập cho người lao động tại từng thời điểm. Theo sơ bộ, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của MPC.
Ở trong nước, MPC sở hữu nhiều vùng nuôi tôm lớn nhất Việt Nam tại Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận,… và sản lượng năm 2018 đạt hơn 12,000 tấn tôm. Hơn nữa, MPC phát triển mô hình nuôi tôm 234 nên vùng cung khá lớn. Công ty cho biết những năm tới sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nhập nguyên liệu.
Dù CBP có khởi xướng điều tra hay không thì MPC cũng hoàn toàn tự tin đã luôn nỗ lực trong việc tuân thủ pháp luật Mỹ, cũng như quy định của WTO và MPC sử dụng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ không phải vì mục đích nhằm trốn nghĩa vụ thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm tôm Ấn Độ.
MPC tin rằng bất kỳ cuộc điều tra nào của CBP sẽ dẫn đến kết luận là MPC hoàn toàn không vi phạm pháp luật Mỹ. Hơn nữa, trong mọi trường hợp, MPC khẳng định việc không tiếp tục sử dụng tôm nguyên liệu từ Ấn Độ sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Về bước đi sắp tới, Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang chia sẻ phải chuẩn bị nhiều hồ sơ số liệu, trả lời phỏng vấn để làm rõ sự việc, hơn nữa MPC đã liên lạc với hải quan Mỹ và sẵn sàng hợp tác khi có yêu cầu.
Minh Nhật
FILI
|