Liên doanh nhựa VinFast - An Phát chính thức hoạt động từ tháng 6
Sau khi được thành lập vào tháng 11/2018 theo hợp đồng hợp tác liên doanh giữa công ty VinFast (công ty con của tập đoàn Vingroup) và Tập đoàn An Phát, Công ty VinFast - An Phát (VAPA) sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2019, với mục tiêu nội địa hóa sản xuất linh kiện nhựa ô tô, xe máy.
Nhà máy VAPA. Nguồn: Tập đoàn An Phát
|
Chính thức khởi động trong tháng 6
Tháng 11/2018, Công ty VinFast - An Phát (VAPA) được thành lập theo hợp đồng hợp tác liên doanh giữa công ty VinFast và Tập đoàn An Phát để cùng bắt tay sản xuất linh kiện nhựa ô tô, xe máy. Trước mắt, VAPA sẽ cung cấp linh kiện nhựa cho các dòng ô tô, xe máy VinFast và sẽ mở rộng thêm mạng lưới khách hàng trong tương lai.
Với diện tích hơn 15,000 m2 trong khu tổ hợp nhà máy VinFast tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng), VAPA được đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại, bao gồm các máy móc phụ trợ được nhập khẩu từ các đối tác lớn trên thế giới.
Năm 2019, số lượng máy dự kiến được lắp đặt là 28 máy và sẽ tăng lên 55 máy vào năm 2020. VAPA cũng đang đẩy mạnh phát triển hệ thống hướng dẫn sản xuất theo giai đoạn, hệ thống quản trị chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Giai đoạn đầu, VAPA đủ năng lực cung cấp bộ linh kiện nhựa cho khoảng 250,000 xe ô tô và 500,000 xe máy/năm. Bên cạnh linh kiện nhựa cho ô tô, xe máy, VAPA sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển sản xuất linh kiện, phụ kiện nhựa gia dụng khác, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khác nhau.
Sự xuất hiện của VAPA cho thấy năng lực của các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI trong ngành ô tô xe máy, lĩnh vực trước đây gần như chỉ dành cho các tập đoàn nước ngoài với ưu thế về vốn, công nghệ. Theo kế hoạch, VAPA sẽ chính thức đi vào hoạt động ngay trong tháng 6 này.
An Phát sẵn sàng cho cuộc chơi lớn?
An Phát là công ty nắm giữ thị phần số 1 Đông Nam Á về xuất khẩu bao bì màng mỏng (túi nilon). Từ năm 2018, An Phát chính thức tham gia mảng công nghiệp hỗ trợ với việc đẩy mạnh sản xuất tại Công ty An Trung Industries, mua lại Nhựa Hà Nội (HPC) và thành lập VAPA. Đặc biệt, có thể thấy, ưu tiên của Tập đoàn này hiện nay là ô tô - xe máy và điện - điện tử, hai ngành luôn đòi hỏi giá trị công nghệ cao và vốn đầu tư lớn.
Nhựa Hà Nội tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, trải qua nhiều thay đổi, đến cuối năm 2018 công ty này đã chính thức về tay An Phát. Cho đến thời điểm hiện tại, Nhựa Hà Nội là một trong những nhà cung ứng Việt Nam lớn nhất trong ngành ô tô xe - máy và điện - điện tử với các khách hàng nổi tiếng như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Panasonic, LG…
An Trung Industries - một thành viên khác của Tập đoàn An Phát cũng đã chính thức trở thành nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung - hãng điện thoại số 1 thế giới. Hiện nay, công suất của An Trung là 9 triệu sản phẩm/tháng, 42 dây chuyền sản xuất, diện tích 10,000 m2 đặt tại Khu Công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát Complex (Hải Dương). Tương lai, An Trung sẽ mở thêm phân xưởng sơn và mạ để có thể mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất. Công ty đang đặt mục tiêu trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung vào quý 1 năm 2022.
Với VAPA, có thể nói đây là một sự kết hợp hoàn hảo về lợi thế cho các bên. An Phát sẽ tận dụng thế mạnh của mình trong ngành sản xuất nhựa, đặc biệt là công nghiệp nhựa phụ trợ để đảm bảo về chất lượng sản phẩm, nguồn cung ứng còn VinFast sẽ đảm bảo đầu ra cho VAPA.
Như vậy, có thể khẳng định rằng chỉ sau hơn một năm gia nhập ngành công nghiệp hỗ trợ, An Phát đã tạo được vị thế rất chắc chắn. Tương lai, An Phát sẽ tiếp tục M&A (mua bán & sáp nhập doanh nghiệp) ngành nhựa nếu nhìn thấy cơ hội và gia tăng đầu tư.
Ông Đinh Xuân Cường - Tổng giám đốc An Phát cho biết: “VAPA, An Trung và Nhựa Hà Nội sẽ là đầu tàu của An Phát trong việc tham gia và phát triển mảng công nghiệp phụ trợ”. Nếu bao quát một cách rộng hơn, đặc biệt là nhìn vào số lượng và tên tuổi mạng lưới khách hàng mà An Phát đang có thì có thể khẳng định rằng Tập đoàn này đang tham vọng nắm giữ vị trí số 1 trong ngành công nghiệp nhựa hỗ trợ tại Việt Nam.
FILI
|