HANHUD sẽ làm gì để giải quyết 1,150 tỷ đồng hàng tồn kho?
Vào ngày 27/05/2019, CTCP Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội (OTC: HANHUD) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Theo kế hoạch kinh doanh đã được ĐHĐCĐ thông qua, HANHUD dự kiến đạt 87.5 tỷ đồng giá trị sản xuất trong năm nay, tăng 10% so với kết quả đạt được ở năm 2018. Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở vào khoảng 15,000 m2, tăng thêm 1,000 m2 so với thực hiện năm trước. Doanh thu và lợi nhuận mục tiêu tăng trưởng từ 10-33%, lần lượt đạt 105 tỷ đồng và 1.5 tỷ đồng. Trên cơ sở này, HANHUD sẽ chia cổ tức 2019 với tỷ lệ từ 3-6%.
Mặc dù giá trị sản xuất của HANHUD trong năm 2018 vượt nhẹ so với kế hoạch đã đề ra. Song nhìn chung, kết quả kinh doanh của đơn vị này không hoàn thành kế hoạch. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất mang về 79.6 tỷ đồng (vượt 500 triệu đồng so với kế hoạch) nhưng diện tích sàn xây dựng nhà ở chỉ thực hiện được hơn 97%, ứng với 14 tỷ đồng.
Tổng doanh thu và lợi nhuận năm 2018 lần lượt thực hiện được 64% và 94% kế hoạch năm, tương ứng đạt 95 tỷ đồng và 1.1 tỷ đồng. Do đó, Công ty sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 2.01% thay vì từ 3-6% như dự kiến trước đó, tương đương hơn 1 tỷ đồng.
Theo kiến nghị ban kiểm soát đưa ra, HANHUD cần có biện pháp tích cực hơn trong việc giải quyết hàng tồn kho, thu hồi vốn tồn đọng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đồng thời, Công ty cần đưa ra giải pháp cũng như vạch ra lộ trình thu hồi vốn đầu tư cho các công ty con, công ty liên kết thực hiện các dự án do công ty mẹ làm chủ đầu tư.
Tính đến ngày 31/12/2018, hàng tồn kho của HANHUD ghi nhận gần 1,151 tỷ đồng, chiếm 63% tổng tài sản. Công ty còn ít nhất 7 dự án được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh dở dang theo công trình, trong đó riêng dự án Liên cơ quan huyện Thanh Trì chiếm gần 387 tỷ đồng; trung bình mỗi dự án còn lại chiếm trên dưới 100 tỷ đồng.
Chi tiết hàng tồn kho
Nguồn: BCTC kiểm toán 2018
|
Bên cạnh đó, nợ phải trả của đơn vị này tính đến cuối kỳ kế toán năm 2018 đã vượt 1,766 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chưa đến 59 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 1,386 tỷ đồng, phần lớn là người mua trả tiền trước ngắn hạn và chi phí phải trả ngắn hạn. Trong khoảng 697 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, các đối tượng khác chiếm hơn 523 tỷ đồng.
Chi tiết người mua trả tiền trước ngắn hạn
|
Chi tiết chi phí phải trả ngắn hạn
Nguồn: BCTC kiểm toán 2018
|
Lĩnh vực kinh doanh chính của HANHUD bao gồm đầu tư, quản lý và thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, kinh doanh nhà đất, cho thuê nhà, văn phòng,…
Dự án khu đô thị mới Cầu Bươu do HANHUD làm chủ đầu tư có quy mô 215,650 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,475 tỷ đồng. Theo thông tin công bố trên website của HANHUD, dự án này đã hoàn thành kết cấu hạ tầng và phần thô các công trình.
Về khu nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức liên cơ quan huyện Thanh Trì, dự án này có quy mô 14,470 m2, gồm cả 4 loại hình căn hộ, A, B, C và D, được khởi công vào ngày 06/07/2010. Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức liên cơ quan huyện Thanh Trì. Đồng thời, phát triển dự án đô thị phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2020. Hiện tại HANHUD chưa công bố thông tin chi tiết về tiến độ thực hiện dự án.
|
Nguyên Ngọc
FILI
|