Hành trình trở lại đỉnh vinh quang của Microsoft (kỳ 1): Buông bỏ quá khứ huy hoàng
Từ tháng 11/2018, Microsoft đã chính thức vượt qua Apple để trở thành công ty đáng giá nhất thế giới, đây đúng là một năm đỉnh cao của Microsoft khi công ty này cũng lần lượt vượt qua Amazon và Google. Những nhân viên lâu năm tại đây, những người đã quá quen với suy nghĩ rằng Microsoft đã rời xa những năm tháng huy hoàng từ lâu rồi, kể từ khi công ty được Bill Gates điều hành và là nỗi khiếp sợ của những công ty khác đến nỗi được gọi là “Đế chế của ác quỷ”.
Tất cả những suy nghĩ và nỗi lo sợ đó đều bị cuốn đi sạch sẽ bằng những tin nhắn chúc mừng đến từ bạn bè và gia đình của họ.
Tuy nhiên, tại cuộc họp hàng tuần của các nhân viên cấp cao được tổ chức vào ngày thứ Sáu, Giám đốc Điều hành (CEO) Satya Nadella của Microsoft lại không hề đề cập một chữ nào đến thành tựu vừa đạt được đó. Trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở chính của Microsoft Corp. ở Redmond (Wash), ông Nadella lại tỏ ra bực bội với những câu hỏi liên quan đến sự thành công của công ty. “Tôi sẽ rất khó chịu nếu có ai đó chúc mừng về giá trị vốn hóa của công ty chúng tôi”, ông trả lời với Bloomberg Businessweek. Tính đến ngày 25/04/2019, con số này đã vượt qua 1,000 tỷ USD và vẫn đang tăng lên. Cổ phiếu đã tăng 230% kể từ tháng 2/2014, nhưng ông Nadella lại khẳng định rằng con số này “không có ý nghĩa” gì cả, sự vui mừng về chúng có thể thay đổi bất ngờ và đó có lẽ là thời điểm “khởi đầu của sự kết thúc”.
Giám đốc Điều hành (CEO) Satya Nadella của Microsoft
|
Việc sử dụng những từ ngữ có phần nghiêm trọng và thực tế là một phần trong bản tính của ông Nadella. Satya Nadella (51 tuổi), một kỹ sư người Ấn với rất nhiều bằng cấp, nổi tiếng với tính khí nghiêm túc như một người thủ thư. “Tại Microsoft, có một thói quen rất xấu khiến chúng tôi không thể bứt phá giới hạn bản thân, đó là bởi vì chúng tôi cảm thấy rất thỏa mãn với thành công mà chúng tôi có trong quá khứ”, ông nói. “Chúng tôi đang học cách không nhìn về quá khứ nữa”.
Những bước chuyển mình mà ông Nadella đã làm cho Microsoft trong vòng 5 năm, kể từ khi ông thay thế Steve Ballmer đảm nhiệm chức vụ CEO, đã viết nên một trang sử mới cho Microsoft. Từ những năm 2000, Microsoft được đánh giá là một công ty lỗi thời, bỏ lỡ hầu hết những xu hướng công nghệ quan trọng đương thời – điện thoại di động, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội – trong khi đó, nguồn doanh thu chính của công ty, hệ điều hành Windows được cài đặt sẵn trên các máy tính cá nhân, lại bị trì trệ.
Những nhân viên tiếp thị của Microsoft muốn sự tái sinh lần này của “gã khổng lồ công nghệ” gắn liền với sự hồi sinh của cả một nền văn hóa, bao gồm “sự đồng lòng” của cả công ty mà ông Nadella đã nói và sự thay đổi trong đội ngũ nhân viên từ những người có kiểu “tư duy ổn định” thành kiểu “tư duy tăng trưởng”. Theo những cuộc phỏng vấn với hơn 40 người đã và đang làm việc tại công ty, từ những giám đốc, thành viên ban quản trị, khách hàng và cả những đối thủ của Microsoft, thì để có thể hồi sinh được như ngày nay, Microsoft đã phải trải qua nhiều khó khăn hơn những gì người ngoài tưởng.
Dưới thời của ông Nadella, công ty đã cắt giảm ngân sách dùng cho hệ điều hành Windows và tập trung xây dựng nên mảng kinh doanh điện toán đám mây đem lại doanh thu khổng lồ – 34 tỷ USD trong năm 2018 – đây chính là nguồn lực chính khiến Microsoft vượt qua Google và tiếp tục trở thành nhân tố chủ yếu đánh bại đối thủ vốn thống trị lĩnh vực này, Amazon.
“Từ trước đến giờ, tôi chưa từng thấy bất cứ công ty phần mềm nào lại có thể trở lại đỉnh vinh quang sau khi rơi vào những khoảng thời gian khó khăn như thế”, Reed Hastings, CEO của Netflix Inc., cho biết.
Bộ phần mềm máy tính Office của Microsoft, trước đây vốn chỉ cần mua một lần duy nhất có bao gồm trợ lý ảo nổi tiếng Clippy, hiện được vận hành trên cơ sở điện toán đám mây với hơn 214 triệu người đăng ký với số tiền phải trả mỗi năm khoảng 99 USD; lượng người đăng ký hiện tại của Office nhiều hơn cả lượng người đăng ký của Spotify và Amazon Prime cộng lại. Cùng lúc đó, Azure, nền tảng đám mây của Microsoft, đã có được những khách hàng thân thiết là những nhãn hàng nổi tiếng như ExxonMobil, Starbucks và Walmart. Ngoài ra, công ty này còn có sự tín nhiệm từ Thung lũng Silicon, nhờ vào việc mua lại LinkedIn, mạng xã hội chuyên về việc làm và GitHub, kho lưu trữ mã phần mềm.
Các đồng nghiệp của ông Nadella cho rằng lần hồi sinh này của Microsoft rất ấn tượng nhưng cũng không kém phần đáng sợ. Khi được hỏi rằng công ty vừa được tái sinh này sẽ đem lại mối đe dọa nào cho vũ trụ công nghệ, thì CEO của một công ty đối thủ, người đã yêu cầu được giấu tên để có thể chia sẻ thoải mái hơn, bắt đầu ngâm nga bài hát chủ đề Imperial March của Darth Vader – nhân vật phản diện của loạt phim điện ảnh nổi tiếng Star Wars. Hay nói cách khác, CEO này muốn nói rằng: Đế chế này đã “ăn miếng trả miếng”.
Mọi người cho rằng Microsoft sẽ tiếp tục giữ nguyên thái độ “trả đũa” đối với các công ty đối thủ mặc dù người lãnh đạo của họ - ông Nadella - là một người có tính cách ôn hòa. Nếu như Steve Ballmer là một người luôn luôn gắn liền với những chiếc áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi và những trò nghịch ngợm “kiểu chú bé khỉ đột” – ông ấy sẽ đi nhanh lên sân khấu mỗi khi ra mắt sản phẩm mới, rống to lên và vung vẩy tay chân – thì tính cách thường thấy của ông Nadella lại được ví như những chiếc áo hoodie ấm áp của ông.
Khi hội đồng quản trị của Microsoft chỉ định ông Nadella thay thế ông Ballmer, công ty này lúc đó dường như đang bị mắc kẹt với sự trì trệ doanh thu của hệ điều hành Windows, một sản phẩm từng chiếm hơn 90% thị phần vào thời kỳ đỉnh cao. Hệ điều hành Windows vẫn đem lại lợi nhuận cực kỳ lớn – công ty Microsoft đã thu phí bản quyền đối với hầu hết mọi bản Windows được bán ra cho mỗi máy tính bàn và máy tính xách tay – nhưng mọi người đang ngày càng sử dụng iPhones và các thiết bị Android nhiều hơn là máy tính cá nhân. Thậm chí hiện nay, hệ điều hành Windows vẫn đem lại doanh thu 20 tỷ USD một năm cho Microsoft.
Trước đây, tầm quan trọng của những chiếc máy tính cá nhân đã khiến các nhà điều hành phải cạnh tranh gay gắt với nhau để kiểm soát các mảng có liên quan đến Windows và mọi sản phẩm đầy hứa hẹn sẽ nằm trong vòng xoáy Windows. Những sản phẩm mới không ngừng được gắn kèm với cái mác “Windows”, ví dụ như chiếc điện thoại di động Windows Phone. Thậm chí, dịch vụ đám mây đầu tiên của Microsoft cũng được đặt tên là Windows Azure.
Ông Nadella, người đã dành hơn nửa cuộc đời tại Microsoft, nhưng lại hầu như làm việc với những sản phẩm không liên quan đến Windows, tránh xa cuộc chiến tìm kiếm người kế vị như Trò chơi vương quyền (tên bộ phim dài tập nổi tiếng “Game of Thrones”).
Năm 1992, ông Nadella được tuyển vào công ty Sun Microsystems, một phần là vì quản lý lúc đó của nhóm ông muốn tuyển một người “biết hoàn thành công việc” và “không khiến những người khác tức giận”, Jeff Teper, Phó chủ tịch quản lý phần mềm Office, người đã thuê ông Nadella, cho biết. Ông Nadella bắt đầu với vị trí bán máy tính cá nhân cho những khách hành là doanh nghiệp. Sau đó, ông là giám sát kỹ thuật cho Bing, công cụ tìm kiếm của Microsoft, trước khi được tiếp quản Azure.
Sự nghiêm túc đến mức mờ nhạt của ông Nadella, lại là phong cách mà Microsoft, một công ty đang bị tê liệt bởi những bản ngã và sự đấu đá nội bộ, đang cần. Những đồng nghiệp của ông thề rằng họ chưa từng một lần thấy ông buồn bã, lên giọng hay thể hiện sự tức giận qua những chiếc email. Shelley Bransten, một trong những Phó chủ tịch của tập đoàn Microsoft, cho rằng điều khiến ông Nadella trở nên độc nhất vô nhị chính là ông ấy “không vênh váo”. Thậm chí, một quản lý cấp cao đã khẳng định ông ấy chưa từng nghe ông Nadella nói “không” bao giờ.
Khi ông Ballmer sắp nghỉ hưu, ông đã bị cuốn theo ông Nadella đến nỗi yêu cầu ông Hastings, lúc đó là một thành viên của hội đồng quản trị Microsoft, trở thành cố vấn cho vị CEO trẻ tuổi. Ông Hastings đã gọi ông Nadella đến trụ sở chính của Netflix để quan sát, học hỏi các buổi đánh giá của ban điều hành. “Ông Ballmer chưa từng yêu cầu tôi làm điều tương tự với bất cứ ai”, ông Hastings nói. “Chắc chắn ông ấy đã nhìn ra Satya là một người có sự kết hợp hoàn hảo giữa sự nhạy bén về kỹ thuật và cá tính mạnh mẽ, mặc dù cách điều hành của Satya khác hẳn so với Steve”.
Kế hoạch “chiến đấu” của ông Nadella là định hướng lại Microsoft để công ty này phát triển xoay quanh Azure, một lĩnh vực non trẻ mà ông đã làm kể từ năm 2011. Đây sẽ là lĩnh vực biến cả công ty từ một nhà cung cấp phần mềm trọn gói (vốn có rất nhiều người dùng vi phạm bản quyền) thành một công cụ điện toán toàn cầu cho các doanh nghiệp thuê khả năng xử lý và lưu trữ dữ liệu trực tuyến. Trong số khoảng 100 vị CEO ứng cử viên được đem ra cân đo, ông Nadella là người gây ấn tượng mạnh nhất đối với Chủ tịch Bill Gates và hội đồng quản trị bằng những kỹ năng và chiến lược của mình.
Tuấn Kiệt (Theo Bloomberg)
FiLi
|