Giải bài toán cạnh tranh cho công ty chứng khoán vừa và nhỏ
Hơn 70 công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường Việt Nam, thế nhưng phần lợi nhuận thu về hầu hết vào tay những ông lớn. Đâu là lối đi cho những công ty chứng khoán “yếu thế” hơn?
Các CTCK chứng khoán lớn chiếm phần lớn thị phần. Nguồn: HOSE
|
Lâu nay, người tiêu dùng đối với bất kể sản phẩm dịch vụ nào đều mong muốn nhận được sản phẩm tốt nhất. Chuyện nhà đầu tư lựa chọn công ty chứng khoán (CTCK) cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán cũng không ngoại lệ. Bởi lẽ ấy, một khi các CTCK đã gây dựng được thương hiệu về chất lượng dịch vụ cũng như sự uy tín thì thu hút nhà đầu tư tới công ty mình là tất yếu. Thế nên mới hình thành chuyện “nước chảy chỗ trũng” trong kết quả kinh doanh của các CTCK.
Tính riêng trong quý 1/2019, thị phần môi giới trên HOSE nằm trong tay các CTCK lớn như SSI, HSC, VCSC, VNDirect, MBS… (tương tự những quý trước). Sẵn với lợi và thế được gầy dựng từ lâu trên thị trường, 5 ông lớn kể trên chiếm tới hơn 36% tổng doanh thu và gần 40% tổng lợi nhuận sau thuế toàn khối CTCK tạo ra trong quý 1.
Tổng doanh thu và lợi nhuận của các CTCK quý 1/2019
|
Đó là mới tính sơ 5 công ty, vẫn còn gần chục công ty có tiếng trên thị trường nữa. Trong khi đó, toàn thị trường có tới hơn 70 CTCK. Miếng bánh dành cho các CTCK vừa và nhỏ chẳng còn là bao.
Trong bối cảnh ấy, các CTCK chứng khoán top dưới hoặc mới tham gia thị trường buộc phải tìm lối riêng trên thị trường. Nhiều chiến lược cạnh tranh được đưa ra khi đối đầu những ông lớn trên nhiều mảng kinh doanh cốt lõi như môi giới, cho vay margin và cả phái sinh.
Nóng chuyện cạnh tranh phí giao dịch
Đối với mảng môi giới, chiến lược về phí có lẽ là chiến lược khả dĩ nhất mà lựa công ty chứng khoán lựa chọn. Nhất là khi Thông tư 128/BTC được ban hành “cởi trói” về phí sàn giao dịch, nhiều Công ty mạnh tay miễn phí giao dịch cho nhà đầu tư. Có vẻ chiến lược này cũng có hiệu quả nhất định.
Quý 1/2019, CTCK mạnh tay nhất trong việc miễn phí giao dịch là CTCK VPS (VPS) có mặt trong top về thị phần trên cả hai sàn. Bên cạnh VPS, nhiều công ty chứng khoán top dưới khác như CTCK Kiến thiết Việt Nam (VNSC) cũng có chương trình miễn phí giao dịch cơ sở cho khách hàng.
Tuy nhiên, việc miễn phí cũng chỉ được thực hiện trong khung thời gian và một số ràng buộc nhất định. Điều này âu cũng là hợp lý khi đây là nguồn thu quan trọng đối với CTCK.
Bên cạnh cạnh tranh trên thị trường cơ sở, nhiều công ty cũng cạnh tranh mới mẻ của thị trường phái sinh tại Việt Nam để chạy đua. Rõ nét nhất là chiến lược miễn phí giao dịch phái sinh của VPS hay Mirae Asset Việt Nam. Chiến lược này dường như vẫn đang hiệu quả ở thời điểm này. Khi mà VPS chiếm tới 37.5% thị phần phái sinh trong quý 1/2019.
Theo nhận định của chuyên gia, việc cạnh tranh về phí trong trường hợp này chủ yếu là vì thị trường phái sinh còn chưa đủ lớn. Mức phí thu về của các CTCK cũng không cao. Do đó, sẽ có CTCK sẵn sàng hi sinh khoản thu từ phí phái sinh để hướng tới mục tiêu cao hơn là thị phần và định vị thương hiệu.
Chiến thuật giảm lãi suất margin cũng được áp dụng
Trên đấu trường cho vay margin, các CTCK cũng có cạnh tranh gay gắt. Ở mảng này, các công ty cạnh tranh với nhau chủ yếu nhờ lãi suất cho vay margin. Nhìn quanh nhóm công ty dẫn đầu về thị phần, hơn nửa thu lãi margin vào khoảng 13 – 14%/năm.
Thế nên để cạnh tranh, nhiều công ty chấp nhận cho vay với lãi suất thấp hơn. Mạnh tay nhất ở mảng này có lẽ là các CTCK ngoại bởi lẽ nguồn vốn dồi dào (được sự hỗ trợ các tập đoàn mẹ) chính là lợi thế của nhóm công ty này
Ví dụ cho chiến lược này có thể kể tới trường hợp của CTCK KB Việt Nam (KBSV) và CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta), trong năm 2018 – 2019, KBSV đưa ra hai gói cho vay margin với lãi suất chỉ 8.3%/năm tổng hạn mức 300 tỷ đồng. Về phần mình, Yuanta VN tung ra gói cho vay margin với lãi suất chỉ 9%/năm.
Khó mà đánh giá rõ ràng hiệu quả của chiến lược này. Nhưng có thể thấy từ khi tham gia thị trường Việt Nam, dư nợ cho vay của các công ty này liên tục tăng. Kéo theo đó lãi các khoản phải thu tăng mạnh.
Nguồn: BCTC của một số CTCK
|
Song song đó, trong nhóm CTCK nội, một số công ty cũng chạy đua về lãi suất margin. Chẳng hạn CTCK Đông Á (DongASecurities) với mức lãi suất ưu đãi 9.5%/năm khi công ty này triển khai cho vay margin.
Những ngách cạnh tranh khác
Bên cạnh những mảng kinh doanh chủ đạo, nhiều CTCK cũng tìm thêm cho mình ngách đi riêng. Một số công ty tung ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới lạ để thu hút nhà đầu tư. Chẳng hạn như, KBSV với sản phẩm tiết kiệm bằng cổ phiếu.
Mảng ngân hàng đầu tư (IB) cũng là mảng các CTCK lựa chọn làm chìa khóa để gia tăng thu nhập. Có thể kể đến DongASecurities là công ty tiêu biểu trong việc tận dụng thế mạnh này để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Theo thông tin chia sẻ từ đại diện DongASecurities, Công ty hiện nằm trong top 5 thị trường Việt Nam về nghiệp vụ IB với số lượng khách hàng doanh nghiệp đạt hơn 500, đặc biệt là hoạt động tư vấn cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.
Ngoài ra, tăng cường mảng phân tích cũng là chiến lược được nhiều CTCK thực hiện song song với các chiến lược cạnh tranh kinh doanh. Một CTCK với đội ngũ phân tích chuyên nghiệp và luôn cập nhật chắc hẳn sẽ tạo ấn tượng tốt hơn đối với nhà đầu tư.
Tựu trung lại, dựa vào năng lực và chiến lược của mình mà mỗi CTCK có lối cạnh riêng trên thị trường. Được hay mất không thể nào chỉ ngày một ngày hai mà thấy hết được. Nhưng thương trường là vậy, chính nhờ sự cạnh tranh này mà thị trường mới luôn đa dạng và sôi động. Quan trọng là nhà đầu tư sẽ luôn là những người hưởng lợi đầu tiên.
Chí Kiên
FILI
|