G20: Căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, nhưng không kêu gọi đưa ra giải pháp
Trong ngày Chủ nhật (09/06), các nhà lãnh đạo tài chính từ nhóm G20 cho biết căng thẳng thương mại và địa chính trị đã “leo thang”, nhưng lại bỏ qua sự cấp thiết của việc giải quyết căng thẳng trong dự thảo thông cáo chung cuối cùng. Về mặt tích cực, họ cho biết tăng trưởng có khả năng hồi phục.
Sau cuộc đàm phán khó khăn và gian truân, các bộ trường tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương đã tụ họp tại Fukuoka (Nhật Bản) để khẳng định lại những nhận định về thương mại ở Buenos Aires (Argentina) vào tháng 12/2018.
“Tăng trưởng toàn cầu có thể ổn định trở lại và nhìn chung được dự báo tăng sau đó trong năm nay và sang năm 2020”, trích từ dự thảo cuối cùng mà Reuters thu thập được.
“Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn còn thấp và rủi ro đang nghiêng về hướng suy giảm. Quan trọng nhất, căng thẳng thương mại và địa chính trị đã leo thang. Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết những rủi ro này và sẵn sàng đưa ra hành động”, trích từ thông cáo chung.
Trong thông cáo chung, các nhà lãnh đạo tài chính đã nhất trí tuân thủ theo nguyên tắc chung cho tới năm 2020 để khỏa lấp những lỗ hổng mà các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Facebook và Google tận dụng để giảm thuế doanh nghiệp.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires vào tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí đình chỉ thương mại để đàm phán với mục đích chấm dứt cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng này. Thế nhưng, các cuộc đàm phán đã rơi vào thế bế tắc trong tháng 5/2019 và cả hai bên áp thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau.
Đáng chú ý, thông cáo chung cuối cùng của các nhà lãnh đạo tài chính G20 đã loại bỏ đoạn “thừa nhận sự cấp thiết để giải quyết căng thẳng thương mại” từ thông cáo chung của năm trước.
Nguồn tin từ G20 cho biết, việc loại bỏ trên là do Mỹ đòi hỏi. Điều này cho thấy Washington muốn tránh những trở ngại khi họ leo thang thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuyên bố trên cũng không có đoạn thừa nhận rằng thương chiến Mỹ-Trung đang gây tổn thương tới tăng trưởng toàn cầu.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ làm giảm tăng trưởng toàn cầu vào năm tới và thị trường tài chính cũng bị bán tháo nặng nề vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Trong ngày thứ Bảy (08/06), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông không nhận thấy bất kỳ tác động nào từ xung đột thương mại tới tăng trưởng kinh tế Mỹ và Chính phủ Mỹ sẽ thực hiện các động thái để bảo vệ người tiêu dùng trước hàng rào thuế quan.
Hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập
Ông Mnuchin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp ở hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào ngày 28-29/06/2019.
Ông Mnuchin đã mô tả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 6 này là khá giống với cuộc gặp hồi ngày 01/12/2018 ở Buenos Aires. Còn nhớ, tại thời điểm đó, ông Trump đang chuẩn bị nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ông Trump đã triển khai nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và sẵn sàng áp thêm thuế 25% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại chưa bị áp thuế từ Trung Quốc sau cuộc họp thượng đỉnh G20.
Tại cuộc gặp ở Buenos Aires (Argentina), các nhà lãnh đạo thuộc nhóm G20 đã mô tả hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế là “động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, năng suất lao động, đổi mới, tạo việc làm và phát triển”.
Trong thông cáo chung hồi tháng 12/2018, các nhà lãnh đạo kêu gọi cải cách các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cam kết xem xét lại tiến triển của việc cải cách tại hội nghị thượng đỉnh tháng 6/2019.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FiLi
|