Chuyển động dòng tiền 10 - 14/06
Dòng tiền phân hóa trong nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản
Thanh khoản thị trường tiếp tục ảm đạm trong tuần giao dịch từ 10 - 14/06. Dòng tiền trên thị trường cho thấy diễn biến phân hóa trong hai nhóm chính là ngân hàng và bất động sản.
Chuỗi ngày ảm đạm của thị trường chứng khoán tiếp tục kéo dài trong tuần giao dịch 10 - 14/06. Chỉ số chính của thị trường tiếp tục sụt giảm, VN-Index giảm 0.5% về còn 953.61 điểm, HNX-Index giảm hơn 0.7% về còn 103.46 điểm.
Trong bối cảnh này, thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng. Trên HOSE, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 145.6 triệu đơn vị/phiên, giảm 3.2% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân trên sàn vẫn ở mức thấp 3,500 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản HNX có phần khá hơn với khối lượng giao dịch bình quân tăng gần 5.5% lên trên 26 triệu đơn vị/phiên. Song, giá trị giao dịch bình quân lại sụt nhẹ, đạt 281 tỷ đồng/phiên.
Tổng quan thanh khoản thị trường tuần 10 - 14/06
|
Theo dõi vận động thanh khoản của các cổ phiếu riêng lẻ. Có thể thấy ngân hàng và bất động sản đã hút tiền trở lại tuy nhiên vẫn có sự phân hóa trong nhóm.
Các mã cổ phiếu ngân hàng đều ghi nhận thanh khoản tăng vọt so với tuần trước. EIB, TPB có khối lượng giao dịch bình quân tăng trên 200% so với tuần trước đó. Trong khi khối lượng giao dịch của VCB cũng tăng gần gấp đôi lên mức 820,000 đơn vị/phiên.
Song song đó, diễn biến tăng thanh khoản của cổ phiếu bất động sản trải đều từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tới vốn hóa lớn. Hàng loạt mã như VIC, CRE, TDH, LMH, DLG, LGL đều ghi nhận thanh khoản tăng đáng kể so với tuần trước.
Trong đó, các cổ phiếu bất động sản với vốn hóa vừa và nhỏ có vẻ thu hút hơn so với các mã vốn hóa lớn.
Dựa vào lực đẩy của dòng tiền, hầu hết các cổ phiếu kể trên đều cải thiện về thị giá. Chỉ trừ có VIC ghi nhận mức giảm hơn 1% về giá 115,500 đồng/cp (chốt phiên 14/06).
Song song đó, một số cổ phiếu thuộc hai nhóm này vẫn ghi nhận thanh khoản sụt giảm. TCB, STB là hai mã ngân hàng hàng kém hút tiền trong tuần qua. Đối với nhóm bất động sản thì đó là NBB, LHG.
Mặt khác, xét ở chiều giảm, cổ phiếu họ dầu khí bị dòng tiền rút ra mạnh nhất trong tuần vừa qua. Trên HOSE, PVD, PVT, PLX đều ghi nhận thanh khoản sụt giảm trên 40% so với tuần trước. Kéo theo đó là thị giá của các mã này đi xuống. Trên HNX, PVC, PVX và PVS cũng chịu cùng cảnh ngộ.
Trong tuần qua, hai cổ phiếu nông nghiệp HAI và HSL là hai mã có thanh khoản tăng đột biến nhất. Khối lượng giao dịch bình quân của hai mã này lần lượt tăng hơn 413% và 320% so với tuần trước.
Đối với HAI, thông tin cổ phiếu này thoát diện kiểm soát đặc biệt có lẽ là nguyên nhân chính để dòng tiền quay trở lại. Ngay sau khi thông tin được công bố, giá cổ phiếu HAI tăng trần 2 phiên liền và ghi nhận một phiên cận trần ngày 14/06 với khối lượng giao dịch gần 7 triệu cp.
Trên sàn HNX, không có nhiều cái tên thuộc nhóm cổ phiếu tăng thanh khoản. DST là mã có khối lượng giao dịch bình quân tăng cao nhất, 185% lên mức 287,000 đơn vị/phiên.
Về nhì là VCR với khối lượng gần gấp đôi tuần trước, đạt gần 355,000 đơn vị/phiên. Thị giá cổ phiếu này cũng tăng hơn 24% so với tuần trước lên mức 26,700 đồng/phiên.
Ngược lại, dòng tiền trên sàn HNX vẫn chưa trở lại đối với các cổ phiếu tài chính - ngân hàng khi NVB, SHS, ACB, SHB vẫn có tên trong danh sách giảm khối lượng giao dịch bình quân.
Top 20 cổ phiếu tăng/giảm thanh khoản mạnh nhất trên HOSE
|
Các cổ phiếu tăng/giảm thanh khoản mạnh nhất trên HNX
|
* Danh sách các mã tăng, giảm thanh khoản nhiều nhất xét đến khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 đơn vị/phiên.
Chí Kiên
FILI
|