ĐHĐCĐ Genco 3: Từ năm 2020, câu chuyện về điện không phải là giá mà là có hay không!
Tại ĐHĐCĐ thường niên sáng 27/06 của Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco 3, UPCoM: PGV), Tổng Giám đốc Đinh Quốc Lâm cho biết từ năm 2020 trở đi, toàn bộ hệ thống điện miền Nam sử dụng hết dự phòng. Vì thế, câu chuyện ở đây không phải là giá điện cao hay không mà là có hay không.
ĐHĐCĐ sáng 27/06 của PGV có sự tham dự của 77 cổ đông sở hữu và đại diện ủy quyền trực tiếp tham dự cho 99.48% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Tổng Công ty.
|
Chuẩn bị các bước để có đủ điều kiện chuyển niêm yết trên sàn HOSE
Nhận định về thị trường điện thời gian tới, đại diện PGV cho biết theo kế hoạch phát triển điện VII sửa đổi, EVN ước tính mức tiêu thụ điện sẽ đạt 352 tỷ kWh - 379 tỷ kWh, tăng trưởng tiêu thụ ở mức 10.4%. Trong khi đó, giá điện tại Việt Nam khá thấp so với các nước trong khu vực. Điều đó cho thấy tiềm năng tăng trưởng ngành điện còn cao.
Hiện các nhà máy điện thuộc PGV có tổng công suất lắp đặt 6,304 MW (tương đương khoảng 13% tổng công suất lắp đặt của Hệ thống điện quốc gia hiện nay). PGV là một trong ba Tổng Công ty Phát điện của EVN và là đơn vị được chọn triển khai cổ phần hóa đầu tiên.
Ngoài các dự án hiện tại, PGV cũng đang nghiên cứu đầu tư 4 dự án điện mới gồm điện mặt trời, tuabin khí sử dụng LNG với tổng công suất dự kiến 1,335 MW, sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2019-2024. Nếu đầu tư hiệu quả, PGV sẽ có mức tăng trưởng tốt sau giai đoạn 2025 trong bối cảnh nhu cầu điện vẫn rất cao.
Riêng trong năm 2019, PGV đặt kế hoạch sản lượng điện 32,570 triệu kWh, tổng doanh thu 42,550 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 409 tỷ đồng. Kết quả sản lượng điện trong 5 tháng đầu năm của PGV đạt 14,371 triệu kWh, xấp xỉ cùng kỳ 2018 và đạt hơn 40% kế hoạch cả năm. Doanh thu mang về 17,832 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ 2018.
Đối với kế hoạch cung ứng nhiêu liệu khí, PGV cho biết sẽ tiếp tục làm việc với PVGas (GAS), tăng khối lượng khí bao tiêu, thống nhất phụ lục hợp đồng bổ sung nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt. Công ty cũng xúc tiến nhập khẩu LNG, mục tiêu nhập và sử dụng LNG từ năm 2021. Đối với nhiên liệu than, PGV đa dạng nguồn than nguyên liệu cho hoạt động sản xuất để đảm bảo nhu cầu cung ứng điện cao liên tục, bao gồm than nội địa và nhập khẩu. Còn với điện mặt trời, PGV vừa vận hành Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (42.65 MWp), đồng thời cũng xúc tiến đầu tư xây dựng dự án Điện mặt trời Ninh Phước 7 (200 MWp), Buôn Kuốp và Srêpók 3 (100 MW).
Về kế hoạch thoái vốn và nâng cao năng lực tài chính, PGV thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư tại Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), Nhơn Trạch 2 (NT2) và Điện Việt Lào nhằm gia tăng lợi nhuận tài chính, dòng tiền thu được sẽ cân đối dùng để trả nợ vay, chuẩn bị các bước để có đủ điều kiện chuyển niêm yết sang sàn HOSE, tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2018 đạt con số 77,446 tỷ đồng
Nói về tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2018, doanh thu của PGV đạt mức 39,338 tỷ đồng, tăng gần 4% so với năm 2017. Lợi nhuận sản xuất điện đạt 1,860 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 38% so với năm trước. Về cơ cấu doanh thu, nhiệt điện khí tiếp tục trở thành mảng kinh doanh đóng góp doanh thu lớn nhất của PGV. Trong đó, Nhiệt điện Phú Mỹ chiếm hơn 47% doanh thu, tiếp theo là Nhiệt điện Vĩnh Tân với 22.65%, Nhiệt điện Mông Dương hơn 19%, còn lại là Nhiệt điện Buôn Kuốp.
Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của PGV đạt con số 77,446 tỷ đồng. Với đặc thù sản xuất kinh doanh điện, tài sản cố định của PVG chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản. Còn tài sản dài hạn chiếm 59,069 tỷ đồng, chiếm hơn 76% tổng tài sản. Tương ứng với đó, tài sản ngắn hạn là 18,377 tỷ đồng, chiếm 24.73% trong tổng tài sản. Nhìn chung, tài sản ngắn hạn ở mức ổn định trong 3 năm gần đây.
Thảo luận
Đại diện nhóm cổ đông Nhiệt điện Vĩnh Tân: Việc đảm bảo nhiên liệu than có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thiếu hụt cả về khối lượng và chủng loại. PGV đã có những kế hoạch cụ thể gì để đảm bảo đủ nhiên liệu vận hành từ năm 2019-2020 và về dài hạn?
Nhiên liệu than cho PGV có 3 nhà máy, Vĩnh Tân 2, Mông Dương 1 và Nhiệt điện Ninh Bình. Trong đó, than cho Vĩnh Tân 2 (nhu cầu 3.8 triệu tấn than/năm) và Mông Dương 1 (nhu cầu 3-3.4 triệu tấn/năm).
Với nhu cầu 3.8 triệu tấn than của Vĩnh Tân 2, TKV và Đông Bắc sẽ cấp 2 triệu tấn than cho PGV than trong nước và than pha trộn, còn 1.8 triệu tấn là nhập khẩu. Đối với Mông Dương, TKV cấp 3 triệu tấn than trong nước, và dự kiến dùng than trộn nhập khẩu 400,000 tấn.
PGV đã thí nghiệm đốt than trộn và thành công, nguồn than lớn nhất là nhập từ Nam Phi, đang thí nghiệm sang nguồn thứ 2 là Úc với chất lượng rất tốt. Riêng năm 2019, PGV sẽ cố gắng thực hiện nhập 1.8 tấn, ký hợp đồng dài hạn.
Đại diện nhóm cổ đông Nhiệt điện Phú Mỹ: Năm 2018, Công ty đề cập đến đề án xây dựng các dự án điện mới. Vậy tiến độ dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn như thế nào?
Theo kế hoạch đầu tư dự án Nhiệt điện Phú Mỹ, giai đoạn từ năm 2018-2020 là chuẩn bị, từ năm 2020-2024 bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhà máy điện, từ năm 2024 - 2028 đưa vào vận hành các nhà máy điện, giai đoạn từ năm 2023-2028 mở rộng kho cảng LNG.
Công suất của dự án này là 3,600-4,500 MW (với 3 nhà máy điện). Còn kho cảng LNG đầu tư theo 2 giai đoạn.
Vốn đầu tư, lãi suất vay cũng như lợi nhuận dự kiến của Điện mặt trời Vĩnh Tân 2?
Công suất dự án này là 42.65 MWp, sản lượng điện hàng năm 68 triệu kWh, tổng mức đầu tư thực tế là 720 tỷ đồng, các loại chi phí toàn dự án chiếm 17 tỷ đồng/1MWp. Theo đó, PGV đã tiết kiệm được rất nhiều so với mức vốn đầu tư phê duyệt hơn 900 tỷ đồng.
Hoạt động bán tro xỉ của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 hiện nay như thế nào?
Vĩnh Tân có gần 1 triệu tấn tro xỉ, cơ bản cuối năm 2019 sẽ xử lý được 600,000 tấn, còn khoảng 400,000 tấn chuyển lên bãi tái xỉ. Hướng sử dụng rộng rãi để làm vật liệu san lấp trong ngành xây dựng.
Còn với Mông Dương, công tác xử lý tro xỉ thuận lợi hơn, Công ty cũng đã đấu thầu và sử dụng để san lấp.
Chứng khoán Bản Việt: Thị trường điện cạnh tranh, Phú Mỹ góp lớn trong nguồn thu của PGV, vậy việc bỏ bao tiêu có làm Phú Mỹ mất đi lợi thế cạnh tranh?
Từ tháng 3/2019, giá khí của Phú Mỹ đã tính theo giá thị trường, tính thuận lợi giảm hơn nhiều. Nhưng giá này không cao hơn so với giá khu vực nên trên thị trường vẫn cạnh tranh bình thường, không có gì khó bởi hợp đồng đã chiếm 90% sản lượng hàng năm, còn lại khoảng 20% mới cạnh tranh thị trường.
Ban lãnh đạo đánh giá xu hướng giá điện trong năm 2019 như thế nào?
Theo PGV, giá điện bình quân thị trường năm 2019 sẽ không giảm, 5 tháng đầu năm gần như bằng và nhỉnh hơn 2018.
Các năm gần đây, Việt Nam không khởi công dự án điện lớn nào, còn theo quy hoạch, các dự án điện hiện nay không theo được tiến độ, trong khi nhu cầu điện tăng rất cao. Theo tính toán của EVN, nhu cầu tăng trên 10%. Như vậy, về nguồn điện trong thời gian tới, năm 2019 tạm ổn, nhưng từ năm 2020 trở đi, toàn bộ hệ thống điện miền Nam đã sử dụng hết dự phòng. Vì thế, câu chuyện ở đây không phải là điện giá cao hay không mà là có hay không.
Kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại PGV tiếp theo như thế nào?
Theo tiến độ cổ phần hóa của PGV là huy động vốn để đầu tư các dự án, còn kế hoạch thoái vốn Nhà nước là xuống dưới 51%. Ngoài ra, PGV cũng đã thuê tư vấn xác định để thoái vốn tại Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH). Mục tiêu cuối cùng là đưa hệ số nợ của PGV xuống dưới 3 lần.
Minh An
Fili
|