Thứ Ba, 18/06/2019 09:55

Cần tư duy mới trong xúc tiến thương mại

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, để nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần đổi mới cách thức triển khai xúc tiến thương mại.

Xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu không chỉ là tham gia các hội chợ, triển lãm, mà còn là là sự kết nối giữa người mua và người bán, đối tác, thông tin thị trường...

Theo các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp nhìn nhận, muốn tận dụng và phát huy lợi thế cũng như các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, đòi hỏi các bên phải chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng thị hiếu và tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đồng thời, cần thay đổi căn bản về xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn. Xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu không chỉ là tham gia các hội chợ, triển lãm, mà còn là là sự kết nối giữa người mua và người bán, đối tác, thông tin thị trường...

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Cần tạo ra mạng lưới, tạo ra chuỗi giá trị và đầu vào

Hiện nay, Việt Nam đã mở cửa thị trường không chỉ với một quốc gia mà là kết nối quốc gia khu vực và toàn cầu. Với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, xúc tiến thương mại không còn đơn thuần là thị trường, mà điều cơ bản nhất vẫn là đối tác. Một công ty ở Mỹ nhưng ông chủ lại là người Hàn Quốc, hay Ấn Độ, hay Việt Nam….

Đối tác không phải chỉ để cùng nhau xuất khẩu mà phải xúc tiến cả nhập khẩu (nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu). Chơi với đối tác nào để tận dụng được cơ hội từ các FTA mang lại… mới là quan trọng.

Vì vậy, cần tạo ra mạng lưới, tạo ra chuỗi giá trị và đầu vào. Kinh tế thương mại ngày nay không chỉ lấy doanh nghiệp là trung tâm, mà thay vào đó là công chúng, đám đông, là người tiêu dùng. Đây là những đặc trưng thay đổi rất căn bản trong sản xuất thương mại của thế giới. Xúc tiến xuất khẩu nhiều khi không phải chỉ chạy ra nước ngoài bán hàng rồi thu ngoại tệ.

Theo tôi ngoại tệ chỉ là phương thức thanh toán, là cách tính. Mà chúng ta có thể làm xuất khẩu ngay từ trong nước. Đây là phương thức xuất khẩu tại chỗ, giúp doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu hiện không còn bó hẹp ở việc doanh nghiệp đưa hàng hoá ra thị trường nước ngoài mà còn là cung ứng sản phẩm cho các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, giống như bán hàng cho khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Ví dụ như doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp ngay Samsung để xúc tiến thương mại. Nếu doanh nghiệp cung ứng làm phụ kiện cho Samsung, trở thành nhà cung cấp cho Samsung ngay tại Việt Nam nghĩa là doanh nghiệp đang xuất khẩu. Hay như FPT ngồi tại Việt Nam viết phần mềm cho Boing, Airbus cũng chính là xuất khẩu.

Nếu cung cấp dịch vụ cho khách nước ngoài đến Việt Nam là xuất khẩu du lịch, mở trường đại học dạy sinh viên quốc tế cũng là xuất khẩu. Cùng với đó, nền tảng số đang mang lại cơ hội lớn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, giúp các mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ, các mặt hàng nông sản… tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một con số đáng chú ý về giá trị thương mại số đối với Việt Nam là giá trị xuất khẩu theo hình thức này tăng hơn 570% đến năm 2030, đến từ các ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nội dung số, thương mại điện tử. Sự lên ngôi của thương mại số sẽ thay thế phương thức xúc tiến thương mại xuất khẩu truyền thống.

Ông Lê Bá Ngọc, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft): Doanh nghiệp cần phải nhận thức đây là cuộc chơi chung

Hiệp hội có vai trò thực sự quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu. Nhận thức được điều này, tầm nhìn của chúng tôi rất rõ ràng từ đầu và chúng tôi có những bước đi khác với các hiệp hội khác. Chúng tôi chấp nhận thị trường cạnh tranh với con đường đi riêng để đạt mục tiêu khách hàng. Khách hàng là doanh nghiệp, là các nhà nhập khẩu nước ngoài, là các đơn vị cung cấp dịch vụ khác. Khác biệt đầu tiên là hiệp hội thu phí doanh nghiệp hội viên cao nhất ở Việt Nam.

Cạnh tranh trong bối cảnh bản thân doanh nghiệp không phải doanh nghiệp nào cũng chuyên nghiệp, mà trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập và còn nhiều khó khăn, cạnh tranh trong bối cảnh doanh nghiệp “tay không bắt giặc”. Hồng Kông, Ấn Độ, Thái Lan… có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khách hàng vào nhập khẩu hàng của nước họ. Nếu Hồng Kông dùng vé máy bay miễn phí cho khách hàng, Ấn Độ và Philippines miễn phí khách sạn cho nhà nhập khẩu… thì chúng tôi chỉ có dịch vụ duy nhất là “cười” với khách hàng. Chúng tôi cạnh tranh bằng nụ cười và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho họ.

Bên cạnh đó, sự chuyên nghiệp trong xuất khẩu của doanh nghiệp còn thiếu rất nhiều. Thời gian qua, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhiều khách hàng đã rời bỏ thị trường Trung Quốc để tìm đến Việt Nam với kỳ vọng nhà cung cấp mới. Nhưng họ đặt câu hỏi: Tại sao giá Việt Nam đắt như vậy và tại sao doanh nghiệp Việt Nam không chuyên nghiệp trong báo giá. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng hội nhập, trong khi khách hàng rời Trung Quốc mang theo tâm lý hàng giá rẻ. Nhưng hàng Việt Nam không rẻ chút nào bởi phân khúc chung của chúng ta là sản xuất hàng trung và cao cấp. Điều này không dễ dàng khi muốn trở thành đơn vị chuyên nghiệp. Về vấn đề phát triển sản phẩm, đây là câu chuyện chúng ta đã và đang bàn, trong khi các nước Bắc Âu đã làm cách đây hơn 200 năm.

Doanh nghiệp Việt Nam không sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm mới và lười đầu tư vào sản phẩm mới dù rất muốn có khách hàng. Do đó, hiệp hội đầu tư và bán sản phẩm mới. Sau khi có khách hàng, hiệp hội bán lại sản phẩm mới và khách hàng cho doanh nghiệp. Hiện chưa đến 10% doanh nghiệp Việt Nam đạt chuẩn hoá quốc tế, do đó tôi cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần phải nhận thức đây là cuộc chơi chung, bắt tay để phát triển. Hiệp hội đi rất sớm về các công cụ xúc tiến thương mại mới thông qua việc tổ chức các Diễn đàn quốc tế kết nối mạng lưới toàn cầu mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thu hút 12 quốc gia, vùng lãnh thổ; ứng dụng 4.0 trong sản xuất và tiếp thị sản phẩm…

Ông Jonas Grunder, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thuỵ Sỹ, Đại sứ quán Thuỵ Sỹ tại Việt Nam: Doanh nghiệp Việt “vướng” khi tiếp cận thị trường nước ngoài

Quá trình phát triển kinh tế Việt Nam qua ba thập kỷ qua đạt tốc độ khá cao. Thành công trong hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn còn thách thức trong tiếp cận thị trường nước ngoài, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với 4 nhóm rào cản, đó là rào cản tiếp cận thị trường; hình thức phi thuế quan; thủ tục và yêu cầu về chất lượng; các chuẩn mực về tính bền vững. Người tiêu dùng ngày nay muốn biết rõ điều kiện sản xuất sản phẩm, nên đặt ra chuẩn mực môi trường và sinh thái là tiêu chí quan trọng.

Đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, rất khó để tiếp cận được với các xu thế mới nhất về chuẩn mực. Muốn đạt thành công trong xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, EU, thì doanh nghiệp cần biết tất cả các yêu cầu này. Bên cạnh đó, vấn đề pháp lý tại nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ Việt Nam không biết luật pháp của nước xuất khẩu như thế nào, bởi thông tin thị trường với họ dường như rất ít. Hơn nữa, các biện pháp thuế quan chính là rào cản lớn nhất của các DNNVV Việt Nam.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, dệt may… các biện pháp phi thuế quan là chiếm chi phí rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Muốn tối đa hoá lợi nhuận, doanh nghiệp cần quan tâm tới người lao động. Cùng với đó, là vấn đề môi trường xung quanh của nền kinh tế cũng như toàn cầu. Nếu doanh nghiệp quan tâm tới môi trường tức là đã đóng góp vào phúc lợi cho cả hành tinh này.

Vì vậy, Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ tại Việt Nam (SECO) sẽ nỗ lực thúc đẩy tính bền vững, hỗ trợ DNNVV. Đặc biệt hỗ trợ nâng cao tính cạnh tranh cho các DNNVV. Cũng giống Việt Nam, 97% doanh nghiệp Thuỵ Sỹ là DNNVV, nên chúng tôi muốn thúc đẩy các DNNVV trên toàn cầu trở thành những công ty phát triển bền vững, về lâu dài giúp họ cạnh tranh mạnh hơn.

Làm thế nào để các DNNVV địa phương Việt Nam có tính cạnh tranh hơn, gây hứng thú cho các DN nước ngoài, giúp họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là vấn đề đặt ra. Chúng tôi tập trung xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp sẵn sàng xuất khẩu. Có thể doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm chất lượng cao song vẫn phải đối mặt với các thách thức để có thể thực sự xuất khẩu. Vì thế các dịch vụ xúc tiến thương mại như tìm kiếm thông tin thị trường, tiếp thị… là vấn đề then chốt đặt ra.

Tiếp theo là tuân thủ chuẩn mực cho sản phẩm để xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Nâng cao tính hiệu quả về tài nguyên để xây dựng khu vực tư nhân có tính cạnh tranh vì nó liên quan chặt chẽ tới môi trường cũng như các sản phẩm sạch hơn. Đồng thời, tạo ra khuôn khổ để tạo điều kiện và đào tạo nhà xuất khẩu Việt Nam làm quen với các chính sách thương mại quốc tế, kỹ năng đàm phán thương mại. Việt Nam đang ở ngã tư giữa hiệu quả thu hút FDI nhưng hiệu quả tích cực cho xã hội chưa đạt được, nên làm thế nào để kết nối DNNVV với chuỗi giá trị toàn cầu là rất quan trọng. Theo tôi, định hướng tương lai của vấn đề này là ưu tiên các dịch vụ xúc tiến thương mại.

Ông Nguyễn Trọng Bảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Pannam: Hiệp hội nên thành lập văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài

Dù chúng ta hoạt động theo cơ chế thị trường từ rất lâu nhưng trong tư duy của chúng ta vẫn mang tính bao cấp, vẫn ngồi chờ nhà nước cho gì, Chính phủ cho gì, doanh nghiệp thì mạnh ai nấy làm. Công ty nào mạnh thì xúc tiến được còn yếu thì ngồi nhà. Do vậy, hơn lúc nào, vai trò hiệp hội bây giờ là rất quan trọng, đó là phải thay đổi tư duy trong cách xúc tiến thương mại. Cái gì nhà nước làm thì cứ làm nhưng với doanh nghiệp phải tự làm, tự cứu mình chứ không phải ngồi chờ.

Chúng ta có ngoại giao nhân dân, tại sao chúng ta không có thương vụ nhân dân được. Hiệp hội có thể thành lập văn phòng xúc tiến thương mại, nguồn tài chính lấy từ các thành viên, ai sử dụng thông tin và tư vấn, ai sử dụng để kiểm tra đối tác nước ngoài thì trả tiền. Nhân sự là sinh viên tốt nghiệp nước ngoài, con em người Việt kiều thế hệ thứ 2 đang rất thiếu việc làm... Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rất bận, rất nhiều khách phải đón tiếp nên để lo việc cho doanh nghiệp rất khó.

Do đó, chúng ta cần có cách tiếp cận khác. Doanh nghiệp phải tự làm, tự lo, khi không lo được thì có hiệp hội. Vai trò của hiệp hội rất quan trọng trong xúc tiến thương mại. Vì vậy tôi đề nghị các hiệp hội nên thành lập văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài, quy mô từ nhỏ đến lớn, làm từ từ, mỗi văn phòng chỉ cần 1-2 người, làm sao để chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất. Với cách tiếp cận này thì hiệu quả công tác xúc tiến thương mại mới nhanh được, còn nếu trông chờ vào nhà nước, vào thương vụ thì công cuộc xúc tiến này còn kéo dài rất nhiều năm nữa, nếu không nhiều năm sau họp chúng ta vẫn bàn bạc như thế này.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Tính tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững

Mỗi doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu theo cách đi riêng của mình nhưng đều có đích chung là tiếp cận tận nơi từng thị trường. Có những doanh nghiệp rất nhỏ nhưng họ len lỏi, bán từng quả thanh long đến từng thị trường ở châu Âu, châu Phi, nơi mà chúng ta nghĩ rằng người Việt Nam còn chưa đặt chân tới nói gì đến hàng hoá. Song chính sự chủ động của doanh nghiệp là then chốt để hàng hoá của Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó là vai trò của các hiệp hội, tổ chức xúc tiến… Tôi cho rằng, vai trò hiệp hội không trùng lắp với doanh nghiệp, đó là vai trò định hướng, dẫn dắt, làm những việc mà doanh nghiệp chưa làm được, sau đó doanh nghiệp làm theo, khi doanh nghiệp làm được hiệp hội sẵn sàng nhường sân để tiếp tục khai phá thị trường mới. Còn góc độ nhà nước, vai trò cơ quan quản lý nhà nước là thiết lập môi trường và cơ chế chính sách cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoạt động xuất khẩu của chúng ta thời gian qua tăng trưởng rất tốt, sắp tới chúng ta cần tính tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Tăng trưởng này không chỉ dựa trên con số kim ngạch mà dựa trên giá trị mang lại. Có thể kim ngạch không tăng nhưng hàm lượng giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam cao hơn. Bên cạnh đó, chúng ta phải phát triển xuất khẩu đồng bộ với tái cơ cấu sản xuất.

Hiện nay, bên cạnh mặt hàng truyền thông xuất khẩu nhiều, Việt Nam cũng đang xuất những mặt hàng công nghệ thông tin. Đến nay chúng ta chuyển hướng đẩy mạnh phát triển xuất khẩu dịch vụ là hướng nhắm đến. Xuất khẩu nhưng không quên vai trò, trách nhiệm bảo vệ môi trường, nâng cao quyền lợi, phúc lợi của người lao động. Chúng ta không đánh đổi chạy theo con số mà gây ảnh hưởng tới môi trường, không đóng góp vào hoạt động phát triển kinh tế xã hội địa phương…

Các tin tức khác

>   Ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD (18/06/2019)

>   Thu phí đậu xe 'lụi', tiền vào túi ai? (18/06/2019)

>   Bộ Giao thông vẫn muốn xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn trên nóc (17/06/2019)

>   Tập đoàn Cao su nhận đền bù 600 triệu mỗi ha đất sân bay Long Thành (17/06/2019)

>   Phó thủ tướng yêu cầu có quy định đấu thầu dự án điện mặt trời (17/06/2019)

>   Giá xăng dầu có thể giảm trong hôm nay (17/06/2019)

>   Thủy sản gặp khó tại thị trường trong nước (17/06/2019)

>   Mua điện thoại cao cấp ở VN, tôi không biết gì ngoài iPhone, Samsung (16/06/2019)

>   Long An là tỉnh thứ 12 của ĐBSCL có dịch tả heo châu Phi (16/06/2019)

>   Lãng phí giao thông thủy (16/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật