20 quỹ tín dụng nhân dân bị kiểm soát đặc biệt
Do phát sinh nhiều rủi ro trong hoạt động, số quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt ngày càng tăng và hiện tại đã có trên 20 QTDND nằm trong danh sách này.
Theo các số liệu vừa được Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam công bố, chỉ tính đến đầu quý II/2019, tổng nguồn vốn cả hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên cả nước đạt khoảng 116 nghìn tỉ đồng, chiếm 1,1% nguồn vốn của hệ thống ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, có một thực tế là tổng nguồn vốn lại không đồng đều giữa các QTDND, trong đó có 12 QTDND có tổng nguồn vốn rất nhỏ 1-10 tỉ đồng, trong khi đó có 11 QTDND có tổng nguồn vốn lớn hơn 500 tỉ đồng và cá biệt có QTDND có tổng nguồn vốn hoạt động rất lớn, lên đến trên 1.300 tỉ đồng.
Đáng lo ngại là các quy định của pháp luật về an toàn và hoạt động hiện nay lại được áp dụng chung đối với tất cả các QTDND. Theo bà Phạm Bảo Khánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV), điều này có thể gây ra rủi ro cho hệ thống khi các QTDND quy mô lớn chỉ cần tuân thủ các quy định hiện hành mà không tự giác nâng cao khả năng phòng thủ rủi ro.
Cũng theo bà Phạm Bảo Khánh, một thực tế đáng lo ngại là hoạt động của QTDND phát sinh ngày càng nhiều rủi ro, trong đó rủi ro đạo đức chiếm đa số. Cụ thể thời gian qua xuất hiện các QTDND vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật dẫn đến được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
“Số QTDND được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt ngày càng tăng và hiện tại đã có trên 20 QTDND. Trong đó hầu hết các quỹ này đều có các sai phạm xuất phát từ rủi ro đạo đức” - bà Khánh cho biết và dẫn chứng một số vụ sai phạm tại QTDND trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó giám đốc cùng người nhà thâu tóm, chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn, lấy tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, dẫn đến mất khả năng chi trả.
Bên cạnh các sai phạm trong công tác huy động vốn do việc quản lý lỏng lẻo, sai phạm trong việc quản lý sổ tiết kiệm trắng, bà Khánh cũng dẫn ra nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay như cho vay một số đối tượng không phải là thành viên Quỹ, là các cá nhân ngoài địa bàn hoạt động, là chủ một số doanh nghiệp dẫn đến thua lỗ, không có khả năng trả nợ tại nhiều địa bàn như Thanh Hóa.
Hay việc Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Phó giám đốc kiêm cán bộ tín dụng, kế toán, thủ quỹ và một số cán bộ quỹ lập hồ sơ tín dụng khống; Ban kiểm soát buông lỏng quản lý dẫn đến không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động cho vay gây mất an toàn kho quỹ.
Cá biệt có chủ tịch HĐQT lập hồ sơ khống rút tiền của quỹ, ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc điều hành lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô chiếm đoạt tài sản lớn của quỹ tại địa bàn Hà Nội, Hưng Yên.
“Điều này cho thấy hệ thống kiểm soát rủi ro tại các QTDND vốn đã yếu lại dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi các cá nhân lãnh đạo quỹ”, bà Khánh nhìn nhận.
Lam Duy
Lao Động
|