Ứng cử viên Tổng giám đốc PVN và dấu hỏi về đại dự án thua lỗ ngàn tỉ
Việc ông Lê Mạnh Hùng được giới thiệu vào chức danh Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) đã và đang đặt ra nhiều dấu hỏi, khi một số dự án ngành dầu khí do ông Hùng phụ trách thua lỗ nặng.
Dự án xơ sợi Đình Vũ được xác định thua lỗ hơn 1.400 tỉ đồng nhưng đến nay chưa tìm ra "địa chỉ trách nhiệm".
CHÍ HIẾU
|
PVN vừa tổ chức hội nghị làm quy trình giới thiệu nhân sự chức danh thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc PVN, thay thế ông Nguyễn Vũ Trường Sơn vừa từ chức. Cuộc họp có sự tham gia của các lãnh đạo PVN, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương và Bộ Nội vụ.
Theo đó, người được giới thiệu là ông Lê Mạnh Hùng, hiện đảm nhận chức vụ Phó tổng giám đốc PVN. Dự kiến sau khi hoàn thiện xong quy trình giới thiệu nhân sự này, Hội đồng thành viên PVN sẽ có tờ trình nhân sự chức danh tổng giám đốc lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để thực hiện các quy trình tiếp theo, trước khi PVN công bố chính thức quyết định bổ nhiệm.
Dự án thua lỗ
Việc ông Lê Mạnh Hùng được giới thiệu vào chức danh Tổng giám đốc điều hành của PVN đã và đang đặt ra nhiều dấu hỏi, bởi ông Hùng có trách nhiệm trong một số dự án thua lỗ lớn của PVN, nhưng việc xử lý trách nhiệm này đến đâu, như thế nào cho đến nay chưa được làm rõ. Điển hình trong đó là dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (xơ sợi Đình Vũ).
Hồi đầu tháng 10.2016, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Dự án này do PVN và Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) hợp tác, thông qua việc thành lập pháp nhân PVTEX để quản lý. Dự án có tổng mức đầu tư 324,8 triệu USD, trong đó 30% số vốn là của chủ sở hữu, còn lại đi vay. Theo tính toán, dự án sẽ hoàn vốn sau thời gian 8 năm 8 tháng. Tuy nhiên, kết quả sản xuất của dự án từ khi chạy thử cho đến lúc vận hành thương mại đều liên tục lỗ. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 366 tỉ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỉ đồng. Tổng lỗ trong 3 năm là 1.472 tỉ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải "đắp chiếu", đến cuối năm 2015 thì dừng hoạt động hẳn.
Theo TTCP, trong quá trình triển khai thực hiện, PVTEX đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí... trị giá khoảng 38,7 triệu USD, dẫn đến dự án bị đội vốn lên hơn 363 triệu USD.
TTCP xác định PVN phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ khoản lỗ hơn 1.400 tỉ đồng của dự án bởi PVN có vốn chi phối tại dự án và quá trình triển khai mắc nhiều sai phạm, chưa thực hiện hết trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát để đảm bảo dự án thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Khu nhà ở cho công nhân dự án xơ sợi Đình Vũ đầu tư hơn 300 tỉ đồng hiện đang bỏ hoang
ẢNH: LÊ TÂN
|
Trách nhiệm còn bỏ ngỏ
Ngoài việc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương và PVN kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, TTCP đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Bộ Công an xem xét trách nhiệm hình sự đối với các dấu hiệu tội phạm về cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Theo tài liệu Thanh Niên thu thập, trong quá trình triển khai dự án xơ sợi Đình Vũ, ông Lê Mạnh Hùng được biết đến là Phó tổng giám đốc PVN phụ trách dự án. Ông Hùng cũng là người đã có ý kiến và chủ trương đồng thuận, là cơ sở để Hội đồng thành viên PVN ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương nghiệm thu có điều kiện dự án xơ sợi Đình Vũ kết thúc quá trình chạy thử và nhận bàn giao nhà máy để tiếp tục tự tổ chức chạy thử dưới hình thức vận hành thương mại. Kết quả, khi vận hành thương mại PVTEX lỗ hơn 1.000 tỉ đồng.
Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố vụ án cố ý làm trái và nhận hối lộ xảy ra tại PVTEX. Tuy nhiên, hành vi phạm tội những người liên quan trong vụ án này xảy ra tại một dự án nhỏ, không liên quan đến việc xây dựng dự án xơ sợi Đình Vũ. Đáng chú ý, từ cuối năm 2016, sau khi TTCP công bố kết luận thanh tra tại dự án xơ sợi Đình Vũ thì Vũ Đình Duy, Tổng giám đốc PVTEX, đã bất ngờ cáo ốm rồi xin phép ra nước ngoài chữa bệnh. Sau khi xác định Vũ Đình Duy bỏ trốn, hồi tháng 5.2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với người này.
Sẽ thẩm định kỹ trước khi trình Thủ tướng
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong giai đoạn từ 2015 đến nay đã có hàng loạt cán bộ cấp cao của PVN bị xem xét trách nhiệm hình sự do liên quan đến các "đại án" kinh tế, tham nhũng. Trong đó, có 4 người từng bước lên đỉnh cao quyền lực tại PVN, là các đời Chủ tịch Hội đồng thành viên: Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc Khánh. Tuy nhiên, trách nhiệm cá nhân tại PVN chắc chắn sẽ chưa dừng lại khi hàng loạt đại dự án thua lỗ khác đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan chức năng, như các dự án nhiên liệu sinh học, dự án xơ sợi Đình Vũ, nhận lãi ngoài hợp đồng của Ngân hàng OceanBank.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên về trường hợp ông Lê Mạnh Hùng, một lãnh đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho biết cơ quan này đang xin ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, sau đó mới báo cáo trình Thủ tướng quyết định bổ nhiệm. “Đối với các chức danh chủ chốt của Tập đoàn PVN cần phải có ý kiến của nhiều cơ quan T.Ư như ý kiến của Đảng ủy khối các cơ quan T.Ư, khối doanh nghiệp T.Ư, nói chung là còn phải qua nhiều quy trình thủ tục nữa”, vị này nói.
Về việc xử lý trách nhiệm tập thể liên quan các dự án thua lỗ ngàn tỉ, vị lãnh đạo này cho biết PVN đã có báo cáo giải trình. “Về vấn đề nhân sự chủ chốt của tập đoàn dầu khí thì chúng tôi đã phải sàng lọc rất kỹ. Cả tập đoàn hiện chỉ có vài người nằm trong quy hoạch. Mặt khác dầu khí có 3 khâu quan trọng là khai thác, chế biến và tiêu thụ, thì về nguyên tắc tổng giám đốc phải có chuyên môn về khai thác và chế biến, và trường hợp anh Hùng thì đáp ứng được những nguyên tắc về chuyên môn này”, vị này nói và cho rằng dầu khí có những vấn đề lịch sử, nếu để chờ đợi cho xong thì không biết bao giờ mới xong. Do đó, cơ quan hữu trách sẽ xem xét thận trọng, kỹ lưỡng mọi yếu tố.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết đối với ứng viên Tổng giám đốc PVN như ông Lê Mạnh Hùng thì quy trình giới thiệu, bổ nhiệm sẽ được tiến hành chặt chẽ, thận trọng theo 5 bước từ dưới cơ sở lên theo Quy định 105 của Bộ Chính trị về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đối với nhân sự chủ chốt tại PVN, trước khi được trình lên Thủ tướng, Ban Cán sự Chính phủ thì Bộ Nội vụ với chức năng của mình phải tổng hợp, thẩm định lại toàn bộ hồ sơ nhân sự.
“Đối với một số phản ánh về trường hợp của anh Hùng, chúng tôi rất lắng nghe và sẽ trao đổi với anh em để thẩm định kỹ hơn. Vấn đề này thì yên tâm bởi quy trình nhân sự càng ngày chúng ta thực hiện càng chặt hơn, chưa kể nhân sự của PVN lâu nay vốn có vấn đề nên càng phải thận trọng hơn”, ông Thừa khẳng định.
THÁI SƠN
THANH NIÊN
|