Thứ Hai, 27/05/2019 13:31

Trong khói lửa “chiến tranh”

Đương nhiên đó là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một leo thang và diễn biến khó lường. Người viết dùng từ “khói lửa” vì cho rằng những tác động của cuộc thương chiến này lên nền kinh tế Việt Nam, dù dưới bất cứ khía cạnh nào, đều không bao giờ là một “cơ hội” như nhiều quan điểm đã phân tích.

Một nền kinh tế nhỏ, dễ bị tổn thương như Việt Nam làm sao có thể hưởng lợi ích nào đó từ cuộc chiến tranh có tầm vóc toàn cầu này.

Mỹ đã từng đưa ra cảnh báo đối với ngành thép của Việt Nam khi có dấu hiệu để hàng Trung Quốc “mượn đường quá cảnh” để sang thị trường Mỹ nhằm né thuế nhập khẩu cao trong năm 2018. Ảnh: Thành Hoa

Tác động lên sản xuất trong nước và xuất khẩu

Quan điểm phổ biến hiện nay thường cho rằng khi hàng hóa Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ, do bị đánh thuế khiến giá tăng, sẽ tạo ra cơ hội thay thế cho hàng hóa của các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Theo người viết, điều này khó có thể xảy ra trong thực tế, bởi đưa được hàng vào thị trường Mỹ là điều không dễ dàng và phụ thuộc phần lớn vào năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, điều mà trong ngắn hạn không thể nào đạt ngay. Bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ phải cân nhắc việc đầu tư để hướng đến thị trường Mỹ có khả thi hay không cùng với nhận định là thương chiến sẽ kết thúc khi nào và như thế nào.

Trong khi đó, việc hàng hóa Trung Quốc dạt sang các thị trường khác và tràn vào Việt Nam với giá rẻ hơn (do đồng nhân dân tệ giảm giá) thì có thể xảy ra tức thời và doanh nghiệp lại phải lo đối phó với áp lực cạnh tranh mới phát sinh này.

Trung Quốc hiện là nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho rất nhiều ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Thương chiến leo thang dễ khiến một số ngành sản xuất của Trung Quốc co cụm lại hoặc thu hẹp về thị trường nội địa của họ, làm cho chúng ta bị thiếu nguồn nguyên vật liệu hoặc phải nhập với giá cao hơn trước đây và điều này hoàn toàn triệt tiêu lợi thế nhập khẩu giá rẻ do nhân dân tệ giảm giá như nhiều người phân tích.

Cũng có quan điểm cho rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng với các doanh nghiệp của Trung Quốc lẫn nước ngoài sẽ dịch chuyển sang Việt Nam, mượn nguồn gốc xuất xứ “made in Vietnam” để tìm đường sang Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội và môi trường.

Tình hình sản xuất, nguồn gốc hàng hóa xuất xứ cũng sẽ trở nên lộn xộn. Nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát được tình hình này thì khả năng các ngành sản xuất của Việt Nam bị Mỹ trừng phạt sẽ rất cao. Mỹ đã từng đưa ra cảnh báo đối với ngành thép của Việt Nam khi có dấu hiệu để hàng Trung Quốc “mượn đường quá cảnh” để sang thị trường Mỹ nhằm né thuế nhập khẩu cao trong năm 2018.

Bên cạnh đó, làn sóng FDI chảy vào sẽ tạo ra sự gia tăng đột ngột về nhu cầu nguồn nhân lực và điều này sẽ khiến các doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu cạnh tranh và khan hiếm về đất đai và lao động trong ngắn hạn, gây khó khăn và làm đội giá thành hàng hóa của Việt Nam.

Vì vậy, những tác động tích cực và ưu điểm của dòng vốn FDI chảy vào gia tăng cần phải được đánh giá một cách đầy đủ dựa trên các rủi ro và đánh đổi đi kèm trước khi xem rằng đó là một cơ hội mà thương chiến mang lại cho Việt Nam.

Sức ép khi Trung Quốc phá giá nội tệ

Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để trả đũa lại Mỹ đã gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang thị trường Trung Quốc sẽ gánh chịu thiệt hại đầu tiên khi doanh thu xuất khẩu bị sụt giảm do giá nhân dân tệ giảm. Sức mua của nhân dân tệ yếu đi cũng khiến cho nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu giảm sút, khiến cho thị phần xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam bị thu hẹp.

Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá nội tệ sẽ kích hoạt xu hướng giảm giá chung của đồng tiền này so với tất cả các đồng tiền chủ yếu khác trên thị trường thế giới, làm cho hàng hóa của Trung Quốc đồng loạt giảm giá trên thị trường toàn cầu.

Khi đó doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, các nước Đông Á sẽ phải đương đầu với chương trình “khuyến mãi” diện rộng của Trung Quốc, nhẹ thì làm hàng hóa Việt Nam bị giảm tính cạnh tranh, còn nặng thì ta bị mất luôn thị phần, vốn đã eo hẹp vào tay doanh nghiệp Trung Quốc.

Điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái

Nhân dân tệ đang giảm giá, còn đô la Mỹ đã tăng giá liên tục trong những ngày vừa qua. Hai tác động này tựa như hai gọng kìm đang siết chặt và gia tăng áp lực lên chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang.

Trong năm 2018, NHNN đã rất kịp thời và táo bạo trong việc chủ động phá giá tiền đồng 1% ngay trước khi chính quyền Trung Quốc và Mỹ “động thủ”. Điều này đã tạo ra một khoản lùi về chính sách và vùng đệm an toàn cho các biến động tỷ giá hối đoái, giảm sức ép tâm lý và tác động đầu cơ lên tỷ giá chính thức, góp phần triệt tiêu tối đa sức ép của thương chiến lên thị trường Việt Nam.

Sau đó, NHNN một mặt kiên định với lập trường tiền tệ thắt chặt, ổn định giá cả, một mặt tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ giá thêm 1,5% để đáp ứng lại các biến động của nhân dân tệ và đô la Mỹ, đưa con thuyền kinh tế Việt Nam cập bến an toàn một cách ngoạn mục.

Liệu năm nay, chiến lược điều hành chính sách như vậy có còn hữu hiệu hay không? Các diễn biến những ngày vừa qua cho thấy tình hình lần này phức tạp hơn. Một phần là do cuộc thương chiến đã leo thang với những động thái ngày càng khó lường của cả Mỹ và Trung Quốc. Một phần là tâm lý và kỳ vọng lạm phát của công chúng đang bị dồn nén do tác động của việc tăng giá điện, xăng và bong bóng giá nhà đất, dễ khiến thị trường xuất hiện hành vi bầy đàn, đổ xô mua vàng và đô la Mỹ để tìm nơi trú ẩn an toàn trước tin tức thương chiến sẽ leo thang.

Hoàn toàn là không nên. Nếu NHNN phá giá tiền đồng như kịch bản năm 2018 thì tác động lần này sẽ rất tiêu cực. Bởi như đã phân tích, tâm lý thị trường thời điểm này rất khác so với một năm trước đây, tin tức phá giá sẽ tạo ra cú sốc rất lớn lên niềm tin của công chúng vào giá trị tiền đồng và đánh mạnh vào kỳ vọng lạm phát.

Lợi ích của phá giá lên sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu thì mờ nhạt trong khi hậu quả từ ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát sẽ rất lớn. Hơn nữa, năm nay NHNN cũng đang có nhiều lợi thế trong việc bảo vệ tỷ giá khi dự trữ ngoại hối đã liên tục gia tăng từ đầu năm.

Phản ứng chính sách thích hợp nhất vào lúc này là NHNN cần sớm tái khẳng định lập trường tiền tệ, để công chúng và thị trường thấy rõ định hướng kiên định đối với mục tiêu thắt chặt tiền tệ, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát và bảo vệ tối đa giá trị của tiền đồng.

Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân ổn định tâm lý và củng cố niềm tin vào sức mạnh của chính sách tiền tệ để họ không phải tự thân vận động bằng cách rút lui vào các hầm trú ẩn là vàng, đô la hay đất đai. Nếu không, tình hình sẽ dễ mất kiểm soát và tạo ra những tác động rất tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế của năm nay, một năm có nhiều các sự kiện chính trị quan trọng.

Nguyễn Khắc Quốc Bảo

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Báo động 5 tháng đầu năm, nhập hơn 30 tấn tôm hùm đất về TP.HCM (27/05/2019)

>   Tăng tuổi hưu, vì sao nhiều người không muốn? (27/05/2019)

>   Tòa xem xét kháng cáo kêu oan của Vũ 'Nhôm' (27/05/2019)

>   Chưa cần thiết đầu tư thêm sản xuất thép (27/05/2019)

>   Oằn lưng trả nợ cho doanh nghiệp nhà nước (27/05/2019)

>   Chưa cần thiết đầu tư thêm sản xuất thép (27/05/2019)

>   5 triệu tài khoản ví điện tử phải khai lại thông tin? (26/05/2019)

>   Thôi bức xúc về giá điện, cách nào? (26/05/2019)

>   Quản không xuể xe công nghệ (25/05/2019)

>   Vì sao Việt Nam không nuôi tôm hùm đất? (25/05/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật