'Tiếng thì thầm của đất...'
Lời quen thuộc ấy nhắc chúng ta nhớ tới ca khúc khá nổi tiếng Tình đất.
Lời quen thuộc ấy nhắc chúng ta nhớ tới ca khúc khá nổi tiếng Tình đất. Nhưng đã từ lâu, việc quản lý đất đai, đặc biệt là đất đai đô thị và vùng phụ cận, không còn êm ả trữ tình như lời bài hát, dẫu 'mảnh đất quê hương ta' vẫn 'ôm trọn kiếp người'.
Hôm nay (27-5), Quốc hội thực hiện giám sát tối cao chuyên đề "về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018".
Cuộc giám sát này được đông đảo cử tri, dư luận trông đợi, trong bối cảnh xã hội nhiều năm qua luôn có trên 70% vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, làm nảy sinh những vụ nhức nhối như Thủ Thiêm, Vũ "nhôm"...
Vài vụ việc, vụ án nêu trên có lẽ chỉ là phần chóp đỉnh nổi lên của khối băng chìm chứa đầy sự phức tạp và căng thẳng. Hãy nhìn những dòng nước mắt, những giọt mồ hôi, những mái đầu bạc của cụ ông, cụ bà (đi kiện từ khi tóc còn xanh) trong các buổi tiếp xúc cử tri "nóng bỏng" ở nhiều nơi để cảm nhận vấn đề.
Còn nhớ cách đây một năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị chuyên đề về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do một số quy định của pháp luật còn bất cập, không phù hợp với thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
"Chúng ta không coi thường những đốm lửa nhỏ, những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng nóng và gió lớn dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo.
Luật đất đai được Quốc hội sửa đổi, bổ sung lần gần đây nhất là năm 2013. Nhưng đạo luật bị đánh giá là có nhiều điểm bất cập chỉ ít lâu sau khi nó có hiệu lực thi hành.
Các quy định về định giá đất, thu hồi đất, đền bù, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... được coi là những điểm mấu chốt làm nảy sinh phức tạp, khiếu kiện, tham nhũng. Ở những nơi có đất bị thu hồi, người dân không mấy khi hài lòng về mức giá.
Chính cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cũng nhiều lần thừa nhận: giá đất đền bù thấp hơn giá thị trường. Có không ít trường hợp người có đất bị thu hồi sau khi nhận tiền đền bù đã chua chát: "mỗi mét vuông đổi được vài bát phở".
Điều đáng nói là nếu người dân hi sinh quyền lợi vì quốc gia, ví như thu hồi đất cho các dự án an ninh, quốc phòng, thủy điện lớn, công trình công cộng thiết yếu... thì còn chấp nhận được.
Đằng này, ở không ít nơi, người dân bị thu hồi mảnh đất nhiều đời gắn bó để phục vụ quyền lợi của các nhà đầu tư. Đặc biệt là những khu vực thu hồi đất nông nghiệp, rồi chuyển đổi mục đích sử dụng để làm khu đô thị, xây cao ốc, biệt thự, trung tâm thương mại.
Giá trị đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng thường tăng gấp hàng chục, hàng trăm lần. Thậm chí trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng, nhiều vi phạm pháp luật về quản lý đất đai đã xảy ra. Chịu không thấu, bất đắc dĩ người dân đã phải ròng rã nhiều năm trời kéo nhau đi hàng ngàn cây số để thưa kiện.
Chính vì vậy mà hôm nay, người dân nhiều nơi trên cả nước đang rất trông đợi vào phiên giám sát tối cao của Quốc hội và những quyết sách được đưa ra sau phiên giám sát này.
LÊ KIÊN
Tuổi trẻ