Thương mại điện tử quy mô 8 tỉ USD nhưng 97% thanh toán tiền mặt
Rào cản lớn nhất cho việc thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Đại diện Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương đã nhận định như vậy.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết phương thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn là chủ yếu. Ảnh T.Lan
|
Tại hội thảo hiến kế về phát triển kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 sáng 2-5, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết thương mại điện tử đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh.
Trong 5 năm gần đây, lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2018 đạt 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt. Chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).
"Việc thay đổi thói quen của khách hàng, cải thiện quy trình thanh toán là đòi hỏi cấp thiết, không chỉ riêng với thương mại điện tử mà cả với sự phát triển của kinh tế số", bà Huyền nhận định.
Ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng nhà nước, cho rằng nhiều người vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt, dù rằng áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán, mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều.
Chia sẻ nhận định trên, ông Đào Minh Tuấn, phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết 60% dân số Việt Nam đủ độ tuổi mở thẻ, nhưng 80% trong số này vẫn dùng tiền mặt. Mua hàng trực tuyến đã thay đổi thói quen, song giao hàng nhận hàng và trả tiền trực tiếp vẫn là chủ yếu.
Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ông Đào Minh Tuấn đề nghị nên có chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp thanh toán điện tử.
Theo bà Huyền, cơ quan quản lý cần xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Cụ thể, Chính phủ cần đưa ra những hành lang pháp lý, những thể chế để thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, cũng cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi niềm tin của khách hàng với quy trình thanh toán không dùng tiền mặt.
L.Thanh
Tuổi Trẻ
|