Thừa tiền, ngân hàng rót vốn vào trái phiếu Chính phủ?
Hoạt động cho vay của các ngân hàng trong những tháng đầu năm nay khá chậm, với tăng trưởng tín dụng của toàn ngành cập nhật gần nhất đến giữa tháng 4 vừa qua chỉ hơn 3.2%. Trong bối cảnh vốn đầu ra cho vay trì trệ, các ngân hàng lại hướng vào thị trường trái phiếu Chính phủ.
Thị trường trái phiếu hút tiền do đâu?
Thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, tổng giá trị trúng thầu trên thị trường trái phiếu Chính phủ đạt hơn 82 ngàn tỷ đồng, tương đương 43% của cả năm 2018. Tỷ lệ khối lượng đăng ký/ gọi thầu cũng tăng mạnh lên 292%, cao hơn rất nhiều so với mức 197% của cả năm 2018, trong khi khối lượng trúng thầu/ gọi thầu cũng đạt mức 75%, cao hơn so với tỷ lệ 53% của cả năm 2018.
Các kỳ hạn 10 năm và 15 năm tiếp tục thu hút dòng tiền với giá trị trúng thầu tương ứng là hơn 36.1 ngàn tỷ đồng và 34.6 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44% và 42.2%, dù lãi suất trúng thầu ở 2 kỳ hạn này chỉ ở mức lần lượt là 4.7% và 5.0%. Đây cũng là 2 kỳ hạn có tỷ lệ trúng thầu/ gọi thầu cao nhất, tương ứng 84% và 83% trong 4 tháng qua.
Có nhiều lý do giải thích cho việc thị trường trái phiếu hút tiền trở lại, thứ nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm nay có dấu hiệu chậm lại, các ngân hàng lựa chọn tăng cường đầu tư vào trái phiếu Chính phủ để tối ưu hóa lượng vốn dư thừa.
Đặc biệt ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, vốn là những khách hàng lớn trên thị trường trái phiếu, số dư huy động vốn đầu vào vẫn tăng trưởng tích cực dù lãi suất huy động thấp hơn mức bình quân của thị trường, do đó đầu tư vào trái phiếu với mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn đảm bảo có lãi.
Thứ hai là ngoại trừ Vietcombank tăng được vốn tự có gần đây, các ngân hàng còn lại như BIDV hay VietinBank vẫn chưa thể tăng vốn, trong khi hệ số an toàn vốn (CAR) vẫn đang tiệm cận ở mức quy định 9%, do đó khó lòng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Vì vậy, các ngân hàng này đành lựa chọn đầu tư vào trái phiếu Chính phủ như một biện pháp thay thế cho tín dụng giải ngân chậm chạp, do trái phiếu Chính phủ được xác định có hệ số rủi ro là 0% khi tính hệ số CAR nên sẽ không làm ảnh hưởng lên hệ số này của các ngân hàng.
Theo BCTC quý 1 của VietinBank, trái phiếu Chính phủ ở mục chứng khoán kinh doanh tăng mạnh từ mức 1,276 tỷ đồng vào cuối năm 2018 lên gần 3,384 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2019, tương đương tăng hơn 2.6 lần. Trong ĐHĐCĐ gần đây của ngân hàng này hôm 23/04/2019, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch VietinBank cho biết, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của ngân hàng là 9.6% và hợp nhất là 10%. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Thông tư 41, hệ số CAR của ngân hàng đã ở mức dưới 8%.
Tại BIDV, chứng khoán Chính phủ để kinh doanh cũng tăng mạnh từ 104 tỷ lên hơn 3.9 ngàn tỷ đồng. Hệ số CAR của BIDV hợp nhất theo Thông tư 36 là 10.36%, tuy nhiên CAR của Ngân hàng riêng lẻ chỉ còn 9.1%, do đó Ngân hàng cũng gặp nhiều hạn chế trong việc đẩy mạnh tín dụng.
Ngoài ra, ngày 06/04/2019, Việt Nam được S&P nâng hạng tín nhiệm sau 9 năm, từ mức BB- lên BB với triển vọng ổn định, cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn và tiếp tục đẩy mạnh vào thị trường trái phiếu Việt Nam. Cũng cần lưu ý là trước S&P, hai tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín khác là Moody's và Fitch cũng đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong 12 tháng qua.
Cụ thể, Fitch Ratings thăng hạng cho Việt Nam từ mức BB- lên mức BB với triển vọng ổn định vào tháng 5/2018. Sau đó, Moody’s cũng nâng xếp hạng của Việt Nam từ mức B1 lên Ba3 với triển vọng từ ổn định lên tích cực vào tháng 8/2018.
Nghịch lý dòng tiền
Đứng về phía Chính phủ, với mục tiêu phát hành đến 260 ngàn tỷ đồng trái phiếu trong năm nay, tăng mạnh 30% so với kế hoạch năm 2018, thì việc đẩy mạnh phát hành ngay từ những tháng đầu năm là cần thiết, nhất là khi 2 năm liên tiếp vừa qua đều không đạt kế hoạch đề ra.
Có 2 nguyên nhân giải thích cho việc tăng mạnh kế hoạch phát hành trong năm 2019, thứ nhất là do lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay lên gần 119.6 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh 87.8% so với năm 2018, trong đó lượng trái phiếu đáo hạn tập trung phần lớn vào 6 tháng đầu năm nay. Thứ 2 là kế hoạch bội chi ngân sách Nhà nước tiếp tục tăng trong năm nay lên 222 ngàn tỷ đồng từ mức 204 ngàn tỷ đồng năm 2018, tương đương tăng 8.8%.
Do đó, trong những tháng tới Kho bạc sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ là điều có thể thấy trước. Với tăng trưởng tín dụng chậm hơn giúp thanh khoản các ngân hàng dồi dào sẽ phần nào giúp các đợt phát hành đảm bảo thành công, cũng như tạo điều kiện để phát hành với lãi suất thấp, giúp mặt bằng lãi suất trên thị trường trái phiếu ổn định.
Tuy nhiên, có một nghịch lý cũng đáng chú ý, đó là trong khi vốn đầu tư công vẫn giải ngân chậm, việc phát hành trái phiếu liên tiếp thành công với khối lượng lớn đã dẫn đến tình trạng thừa tiền ở Kho bạc, buộc phải gửi vào ngân hàng với lãi suất thấp hơn lãi suất phát hành trái phiếu. Trong khi làm lợi cho các nhà băng thì điều này lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách.
Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy tính chung 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đạt 73.4 ngàn tỷ đồng, bằng 21.3% kế hoạch năm. Còn gần đây Bộ Tài chính cho biết tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong quý 1/2019 chỉ đạt khoảng 11% dự toán.
Rõ ràng với nguồn tiền gửi Kho bạc lớn, mà theo thống kê hết đến quý 1/2019, số tiền gửi phải xấp xỉ 400 ngàn tỷ đồng, thì không chỉ giúp thanh khoản các ngân hàng dồi dào mà còn được lợi về chi phí vốn đầu vào. Trong tình trạng như thế, các ngân hàng càng có động lực để tiếp tục đầu tư mạnh trên thị trường trái phiếu. Như tại Vietcombank, tiền gửi của KBNN là hơn 74.6 ngàn tỷ đồng vào cuối quý 1/2019, tại BIDV hơn 71.1 ngàn tỷ đồng và tại VietinBank là hơn 54.8 ngàn tỷ đồng.
Các ngân hàng lựa chọn đầu tư vào trái phiếu Chính phủ như một biện pháp thay thế cho tín dụng giải ngân chậm chạp, do trái phiếu Chính phủ được xác định có hệ số rủi ro là 0% khi tính hệ số CAR nên sẽ không làm ảnh hưởng lên hệ số này của các ngân hàng.
|
Nhung Võ
FILI
|