Thiệt hại hàng tỉ USD vì 'nghẽn' giao thông: Tháo gỡ thủ tục, chia sẻ rủi ro
Nhiều dự án giao thông trọng điểm đình trệ, chậm tiến độ hàng chục năm, do năng lực quản lý yếu kém, thiếu vốn, rủi ro trong quá trình thi công...
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (đoạn qua TP.HCM) ì ạch tiến độ. Ảnh: Phạm Hữu
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều dự án giao thông trọng điểm đình trệ, chậm tiến độ hàng chục năm, do năng lực quản lý yếu kém, thiếu vốn, rủi ro trong quá trình thi công... Nhưng theo các chuyên gia, nút thắt lớn nhất vẫn là thủ tục.
Cải thiện chính sách để hút vốn
Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, bất cứ quốc gia nào, dù giàu hay nghèo thì ngân sách dựa vào thu thuế từ dân cũng không thể đủ xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngay cả các nước đang phát triển, ngân sách nhà nước cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu đầu tư về hạ tầng, 2/3 còn lại phải huy động từ các nguồn khác mà cách duy nhất là thu hút vốn tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thế nhưng tại VN hiện nay, BOT không còn là “miếng bánh ngon” cho các nhà đầu tư, do e ngại bất cập từ chính sách, dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp (DN). Các dự án trọng điểm vì thế rất khó huy động được nguồn vốn tư nhân.
Ông Tuấn phân tích: Đối với các nhà đầu tư, điều họ quan tâm cuối cùng vẫn là tỷ suất lợi nhuận. Đầu tư vào các dự án tại VN luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ thủ tục chính sách phát sinh, thời gian giải phóng mặt bằng, khoản thu từ người sử dụng dịch vụ... làm giảm tỷ suất lợi nhuận, thậm chí lỗ. Chưa kể khi xảy ra rủi ro trong quá trình triển khai dự án, hầu hết lỗi đều bị đẩy về phía DN.
“Vì thế, thay vì quá quan tâm, đi vào những tiểu tiết như chọn “thu giá”, “thu phí” hay “thu tiền”, Bộ GTVT cần thể hiện tốt vai trò của cơ quan quản lý trong việc cùng với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, tham mưu cho Chính phủ giải quyết những lằng nhằng, rắc rối về thủ tục, chính sách. Quan trọng nhất vẫn là phát hiện và chia sẻ rủi ro cùng DN. Nếu không cải thiện môi trường để thu hút tư nhân đầu tư, các dự án sẽ không thể thoát khỏi thảm cảnh đình trệ do thiếu vốn”, chuyên gia này cảnh báo.
Đồng tình, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định thủ tục luôn là nút thắt lớn nhất đối với tất cả dự án được triển khai tại VN. Trước đây, có nhiều dự án chậm trễ như vậy khiến mọi người nghi ngờ có thể do nhà đầu tư nước ngoài nhưng thực tế vấn đề nằm ở cơ chế của nước ta. Thủ tục quá lằng nhằng, rắc rối, chậm chạp khiến các nước khác không thể chịu nổi. Điều này dẫn đến hai hệ lụy. Thứ nhất, về mặt tài chính, dự án càng để lâu thì hiệu quả tài chính càng suy giảm nghiêm trọng. Thứ hai, đánh mất dần cơ hội thu hút vốn từ các nhà đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài, khiến họ “sợ” không dám “dây vào”.
Cũng vì thủ tục lằng nhằng khiến địa phương không được quyền chủ động triển khai nhiều dự án cấp bách còn làm mất niềm tin từ phía người dân. “Một dự án quan trọng, ngay cả khi địa phương muốn ứng vốn làm cho nhanh thì vẫn phải thông qua Bộ Tài chính và Bộ GTVT. Vì thế dự án chỉ có thể nhanh khi địa phương có được cơ chế tự chủ. Các dự án thuộc địa bàn tỉnh, thành, tác động trực tiếp đến kinh tế, xã hội của tỉnh, thành nào thì Chính phủ nên ủy quyền cho địa phương đó tự chủ toàn bộ việc giải ngân, kêu gọi đầu tư. Các bộ, ngành chỉ cần giám sát là được”, TS Nghĩa đề xuất.
Bộ không nên “ôm” tất
PGS-TS Nguyễn Quang Toản, Đại học GTVT Hà Nội, cho rằng Bộ không nên “ôm” tất các dự án lớn, dễ dẫn đến cơ chế quản lý quan liêu, nên mạnh dạn giao về địa phương quản lý. Hiện nay nhiều địa phương đã tiệm cận năng lực quản lý kỹ thuật, tài chính so với cấp trung ương, hoàn toàn đủ khả năng đứng ra đảm nhận vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án.
Trước lo ngại về nhân lực giám sát, quản lý, am hiểu giao thông của địa phương có thể không nhiều và chuyên sâu như Bộ GTVT, theo ông Toản, trình độ quản lý và kỹ thuật của một Vụ, một ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT cũng ngang với một sở GTVT tại địa phương. Bên cạnh đó, các công ty tư vấn, tư vấn giám sát độc lập cũng không phụ thuộc vào địa phương hay Bộ GTVT. “Thực tế nhiều DN trái ngành tham gia đầu tư vào giao thông từ hầm đường bộ, sân bay, cao tốc… đều đã làm thành công. Tương tự, địa phương dù kinh nghiệm quản lý có thể chưa bằng được Bộ GTVT nhưng nếu tin tưởng và có cơ chế giao về hoàn toàn có thể quản lý dự án. Về mặt quy định, Bộ GTVT và UBND tỉnh là cơ quan ngang cấp”, ông Toàn nhìn nhận.
Đồng ý với một số ý kiến cho rằng nhà đầu tư “thích” làm trực tiếp với địa phương do không phải qua nhiều tầng nấc quản lý, có thể được quản lý “lỏng tay” hơn, PGS-TS Nguyễn Quang Toản bổ sung, còn vì làm ở địa phương có nhiều quyền lợi hơn như sử dụng đất đai. Ngay cả giải phóng mặt bằng cũng do địa phương quản lý, nhà đầu tư có thể cùng với địa phương thúc tiến độ dự án nhanh hơn.
Cầu Vàm Cống sẽ khánh thành đưa vào hoạt động ngày 19.5
*Cần Thơ kiến nghị giữ lại phà Vàm Cống
Ngày 14.5, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cùng đoàn công tác có buổi khảo sát địa điểm tổ chức khánh thành cầu Vàm Cống ở phía bờ Cần Thơ đã được Bộ GTVT dự kiến tổ chức ngày 19.5.
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư), cho biết đã thuê tư vấn độc lập trong nước là Viện Khoa học công nghệ GTVT VN cùng tư vấn quốc tế thực hiện kiểm định đánh giá độc lập, thử tải để khẳng định cầu đủ điều kiện khai thác, báo cáo Hội đồng nghiệm thu nhà nước. Tại buổi khảo sát, lãnh đạo phà Vàm Cống cho biết bến phà vẫn hoạt động bình thường trong ngày khánh thành cho đến khi có lệnh ngưng từ Tổng cục Đường bộ. Tuy nhiên, theo ông Võ Thành Thống, kinh nghiệm khi khánh thành cầu Cần Thơ, mặc dù đã có cầu nhưng một bộ phận người dân vẫn có nhu cầu đi phà, đặc biệt là người đi phương tiện thô sơ, những người làm việc ở các tổ chức hai bên bờ gần phà. Nếu đi đường vòng qua cầu sẽ mất gần 20 km. Chính vì vậy, Cần Thơ sẽ kiến nghị Bộ GTVT giữ lại phà Vàm Cống để phục vụ đi lại của người dân có nhu cầu.
Đình Tuyển - Thanh Nhàn
|
Mai Hà - Hà Mai
Thanh Niên
|