SBT – Nhiều mảng sáng tối đan xen
Mặc dù là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành mía đường ở Việt Nam nhưng giá cổ phiếu của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT) vẫn chưa thể bứt phá. Hãy cùng mổ xẻ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thực trạng ngành mía đường Việt Nam
Theo số liệu của Hiệp hội Đường thế giới (International Sugar Organization – ISO) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (United States Department of Agriculture – USDA), tốc độ tăng trưởng của ngành đường là 1.4% trong 10 năm qua. Giới chuyên gia dự báo tốc độ này sẽ đạt khoảng 1.8%-2% trong vòng 10 năm tới. Đây là một tỷ lệ tăng trưởng khá thấp và cho thấy ngành đường thế giới bắt đầu có dấu hiệu bão hòa.
Ngành đường Việt Nam còn non trẻ và chủ yếu mang tính tự cung tự cấp vì sản lượng sản xuất trong nước chỉ xấp xỉ nhu cầu tiêu dùng nội địa và có năm phải nhập khẩu thêm vì thiếu hụt sản lượng.
Chuỗi giá trị (Value Chain) của ngành mía đường
Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành còn kém hơn so với các nước trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung. Điều này làm cho việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Việt Nam có năng suất trồng mía thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ khó áp dụng cơ giới hóa, vùng nguyên liệu cả nước chưa phân bổ hợp lý… Mặt khác, việc tổ chức sau thu hoạch còn nhiều bất cập đã làm giảm hiệu suất thu hồi đường trong mía.
Nguồn: VSSA và TTC Group
Hiệp định ATIGA gây khó cho đường Việt Nam
Bên cạnh đường nhập lậu, thách thức cho ngành đường Việt Nam còn là đường ở khu vực ASEAN nhập khẩu chính ngạch sau khi hiệp định ATIGA có hiệu lực.
Trước kia, khi chỉ cạnh tranh với đường nhập lậu, SBT và các doanh nghiệp trong nước chỉ phải cạnh tranh ở phân khúc tiêu dùng, bán lẻ (B2C). Nhưng nếu đường Thái có thể nhập chính ngạch với số lượng lớn thì cạnh tranh ở phân khúc khách hàng công nghiệp (B2B) sẽ gia tăng sau hội nhập.
Mối nguy cơ từ đường lỏng
Những năm gần đây, một dạng thực phẩm có vị ngọt là đường lỏng được nhập khá nhiều về Việt Nam. Do có giá rẻ hơn 10% nhưng độ ngọt lại cao hơn 1.2 lần so với đường trắng trong nước, các cơ sở kinh doanh và nhà máy nhỏ đã bắt đầu sử dụng đường lỏng này làm phụ gia tạo ngọt trong chế biến thực phẩm.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đường lỏng chính là xi-rô ngô giàu fructose (High-Fructose Corn Syrup - HFCS). Đây là một sản phẩm công nghiệp chế biến từ tinh bột bắp ngô. Đường lỏng được dùng rộng rãi trong chế biến thức ăn nhanh, thực phẩm đóng chai…
Nhiều khảo sát, nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ đường lỏng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh nội tiết và chuyển hóa như gan nhiễm mỡ, béo phì…
Đường lỏng (HFCS) với thuế suất 0% và không hạn ngạch tràn về từ Trung Quốc, Hàn Quốc đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp ngành đường.
SBT có thị phần lớn nhưng gây lo ngại về nợ
SBT hiện đang chiếm hơn 50% thị phần đường nội địa và đứng đầu ngành đường. Doanh nghiệp có hệ thống kênh phân phối đa dạng và rộng khắp 63 tỉnh thành.
Nguồn: VietstockFinance và SBT
Kênh khách hàng công nghiệp (B2B) đạt xấp xỉ 182,000 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ và đóng góp 50.28% tổng sản lượng tiêu thụ.
Kênh bán lẻ (B2C) đạt 30,000 tấn, tăng 22.0% so với cùng kỳ và đóng góp 8.29% tổng sản lượng tiêu thụ.
Kênh xuất khẩu đạt 94,000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ và đóng góp 25.97% tổng sản lượng tiêu thụ.
Kênh kinh doanh thương mại đạt 56,000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ và đóng góp 15.5% tổng sản lượng tiêu thụ.
Sau khi sáp nhập với CTCP Đường Biên Hòa, các chỉ tiêu hoạt động của SBT bứt phá nhưng cũng khiến cho nợ phải trả tăng cao. Nếu so sánh với các công ty trong nước đang niêm yết trên sàn thì DER của SBT đang cao nhất.
Nguồn: VietstockFinance
Thậm chí, nếu so sánh với các công ty sản xuất đường khác trong khu vực thì chúng ta có thể thấy tỷ lệ DER của SBT vẫn ở mức cao. Trong số 4 công ty có DER cao hơn SBT thì có đến 3 công ty bị lỗ là Shree Renuka Sugars Ltd, Biosev ON và JDW Sugar Mills Ltd.
Nguồn: Investing.com và TradingView
Giá đường thế giới duy trì mức thấp
Sau khi phá vỡ khỏi mẫu hình Descending Triangle trong năm 2004, giá đường bắt đầu một xu hướng tăng trưởng mới. Giá liên tục đi lên và tạo đỉnh cao nhất trong năm 2010 tại mức 33,810.
Tuy nhiên, kể từ đó xu hướng giảm bắt đầu chi phối khiến giá đường sụt giảm mạnh, đỉnh điểm là đáy trong năm 2015 và 2018. Hiện tại, giá đã phục hồi nhưng vẫn ở vùng khá thấp và đang tích lũy quanh vùng 11,800-13,400.
Nguồn: TradingView
Chiến lược giao dịch
Với một số thách thức như đã phân tích ở trên thì dự kiến giá SBT sẽ khó bứt phá qua khỏi đỉnh cũ tháng 01/2019 (tương đương vùng 21,000-22,500).
Khối lượng cũng dần đi xuống trong những tháng gần đây cho thấy nhà đầu tư đang khá thận trọng. Các ngưỡng Fibonacci Retracement 50% và 61.8% (tương đương vùng 15,800-17,000) sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho giá trong thời gian tới.
Việc canh mua khi giá về lại vùng 15,800-17,000 đang được giới phân tích ủng hộ.
Nguồn: VietstockUpdater
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi
|