Nhịp đập Thị trường 09/05: Rung lắc mạnh trong phiên chiều
VN-Index sớm rơi sâu thêm khi bước vào phiên chiều, nhưng sau đó có 2 đợt hồi phục lớn, tạo cảm giác như bắt đáy sớm. Dù vậy, cả 2 đợt này đều không thành công, VN-Index rơi lần thứ 3 trong ATC về 947 điểm, tổng cộng giảm 0.44% so với cuối ngày hôm qua.
VN30-Index dẫn dắt chỉ số chính, nhưng lần này cũng ở dưới tham chiếu. Số mã tăng giá giảm chút ít so với phiên sáng, nhưng chỉ số giảm sâu hơn là do GAS giảm tới 2%. Ngân hàng cũng góp nhiều mã giảm trong nhóm này. Ở chiều kia, EIB tăng mạnh hơn phiên sáng lên +5.2%.
HNX-Index và UPCoM-Index cho thấy cổ phiếu trên 2 sàn này rõ ràng bị diễn biến trên HOSE dọa “chết khiếp”. Giảm mạnh và đi ngang ở đáy là dấu hiệu chung của 2 chỉ số này.
Ngân hàng nhìn bề ngoài thì phân hóa, với EIB, TPB, VCB… tăng giá, nhưng các mã giảm giá BID, CTG, ACB thì mức giảm mạnh hơn hẳn so với phiên sáng.
Khối ngoại vẫn giao dịch mạnh như thường lệ, dù trong buổi hội thảo gần đây về nới room và NVDR, đại diện 1 quỹ ngoại tỏ ý thiếu cổ phiếu cho họ đầu tư. Một số mã có giao dịch thỏa thuận nội khối lớn như TCB, VHM…
Nhóm BĐS dân dụng chìm trong khói lửa, nhưng DXG leo cao hơn 6% trong phiên chiều. cổ phiếu này được đẩy cao ngay từ đầu phiên chiều lên trên 19,000 đ/cp và giữ nguyên mặt bằng đó đến hết phiên. Đây rõ ràng là phiên băt đáy mạnh sau khi cổ phiếu rớt từ 22,000 đ/cp.
Dệt may có phiên tích cực khi đa số xanh hóa như VGT, VGG, TCM, STK… Tuy nhiên MSH vẫn tiếp nối chuỗi giảm giá ngắn hạn.
Cao su có 1 phiên khá thất vọng khi đồng loạt giảm, nhưng 3 mã săm lốp lại đồng loạt tăng.
Phiên sáng: Mọi thứ xấu, trừ VN30
Chỉ có mỗi chỉ số nhóm VN30 là xanh, trong khi VN-Index và mọi chỉ số phụ sàn HOSE đều đỏ vào cuối phiên sáng nay, tin được không? Ngoài ra, đầu phiên số cổ phiếu VN30 tăng giá và giảm giá cân bằng 13:13, đến cuối phiên vẫn vậy.
Phải chăng VN-Index bị Mid Cap và Small đạp, bất chấp nhóm Large Cap VN30 vẫn đang ở thế cân bằng? Có lẽ không đơn giản như thế. EIB tăng giá 4% dẫn đầu VN30 nhưng EIB không phải là mã có vốn hóa khủng, trong khi các mã lớn hơn nhiều như VHM, VIC, VJC hay GAS đều giảm.
Tuy vậy mức giảm của chỉ số nhìn chung không quá xấu. TTCK Việt Nam vốn luôn chịu áp lực mạnh mỗi khi có tin xấu gì từ cuộc chiến Mỹ - Trung, mà tin ra tối qua tưởng như sẽ tạo ra cú đập sàn hàng loạt, nhưng may thay không phải vậy. Thậm chí nếu so sánh với diễn biến các chỉ số chứng khoán lớn của châu Á sáng nay, diễn biến của VN-Index có khi còn nói là tích cực chán.
EIB đang nổi nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu này cuối phiên sáng tăng 4%, trong phiên có lúc còn lên cao hơn thế. Ngoài EIB, còn 4 mã khác tăng giá là VCB, VPB, TCB và TPB. Tuy nhiên ACB và STB vẫn giảm suốt phiên, các đại gia khác như CTG, BID thì giá cả biến động phập phù.
Nhóm BĐS dân dụng đang chìm trong sắc đỏ, nhưng DXG và “người anh em thiện lành” LDG đang tăng nhẹ. DXG gần đây bỗng dưng giảm khá mạnh và đang quay lại mức đáy cuối năm … 2017, nên việc tăng giá sáng nay có thể được lý giải theo hướng bắt đáy.
GTN vẫn giảm giá, dù có vẻ như câu chuyện chào mua của VNM tại đây đang dần nóng trở lại. Quỹ ngoại PENM IV Germany GmbH & Co. KG vừa thông báo bán toàn bộ 15 triệu cổ phiếu GTN, tương đương với 6% từ tuần sau. Có khả năng họ sẽ bán cho VNM. Tuy nhiên so với mức giá chào mua công khai 13,000 đ/cp, thị giá GTN hiện tại vẫn cao hơn khoảng gần 41%.
Nhóm dầu khí chuyển sang sắc đỏ ngày càng nhiều. PVD, DPM, DCM vẫn tăng giá, PVX tăng tới 8% nhưng là số ít. GAS giảm giá hơn 1%, nhiều mã chuyển sang đỏ như POW, BSR, PVS, PVT…
BVH giảm giá 1,6% sáng nay với lượng giao dịch gần bằng hôm qua. Tuy nhiên so với hôm bắt đáy thì lượng khớp vậy còn thấp. Từng được giữ ở mức giá khá cao (xét theo tương quan P/E của BVH với mặt bằng P/E ở các mã vốn hóa lớn sàn HOSE) cộng với thanh khoản khá thấp, đây có lẽ là cổ phiếu chịu “thiệt hại” điển hình nhất liên quan đến cơ chế phát hành ưu đãi cổ phiếu ESOP.
Thông tin doanh nghiệp thủy sản cá tra lãi mạnh trong quý 1 năm nay lại được đưa lên trang chủ nhiều websites tài chính, nhưng chưa phản ánh vào giá cổ phiếu sáng nay. VHC tăng nhẹ 0.9% dù có thông tin sắp trả cổ tức tiền mặt, ANV tăng 0.4%...IDI giảm giá, ACL thậm chí giảm 1.9%.
10h30: VN-Index chịu sức ép từ vài mã lớn
VN-Index tăng vọt ngay sau ATO tưởng đã tạo ra 1 tâm lý thoải mái cho NĐT, vốn chịu sức ép tâm lý với thông tin từ nửa kia trái đất, nhưng điều này không kéo dài, VN-Index sau khi đạt hơn 953 điểm thì lại quay đầu giảm nhanh, thậm chí xuống dưới tham chiếu và giảm chừng 1 điểm.
Ngạc nhiên là chỉ số VN30-Index vốn diễn biến đồng dạng, nhưng điểm số lại có vẻ tích cực hơn 1 chút và đang nhỉnh hơn tham chiếu. Số mã tăng giảm trên VN30 là cân bằng 13 và 13, nhưng trong nhóm giảm có những mã khủng nhất sàn HOSE như VIC, VHM…
Trong nhóm VN30, EIB bất ngờ dẫn đầu với mức tăng tới 4%, tiếp theo là DHG (+2%) và DPM (+1.7%). Ở chiều kia vẫn là ROS (-2.6%) như thường lệ, tiếp theo là SBT (-1.4%) có lẽ chịu ảnh hưởng từ thông tin tập đoàn đóng cửa 4 nhà máy đường. FPT có tin trả cổ tức nhưng đang giảm nhẹ 0.7%. Cũng có tin trả cổ tức nhưng MWG vẫn trụ trên tham chiếu.
Diễn biến HNX xấu đi khi nhiều mã lớn lui về tham chiếu hay thậm chí chuyển sang đỏ như VCS, VCG, VGC… Ngạc nhiên là HUT đang quay lại tham chiếu.
Lượng giao dịch thỏa thuận nội khối của khối ngoại tại TCB đã lên 10 triệu cp, và cổ phiếu này tăng nhẹ 150 đồng. Trong nhóm ngân hàng, đang có phân hóa nhưng sắc xanh nhiều hơn. ACB, STB… vẫn đỏ suốt từ đầu phiên.
Bất động sản dân dụng cũng đang phân hóa như ngân hàng, VIC VHM giảm, nhưng VRE và nhiều mã nhỏ hơn lại đang tăng nhẹ.
Diễn biến trên nhóm dầu khí ít thay đổi, GAS vẫn giảm nhưng PVD vẫn xanh. Lưu ý là PVD hôm qua khớp lệnh tăng đột biến mà chưa rõ vì tin gì, nên có thể tâm lý đó vẫn đang chi phối giao dịch sáng nay.
Mở cửa: Diễn biến khó lường
Thị trường đang ở trong giai đoạn rất nhạy cảm với thông tin liên quan đến cuộc chiến Mỹ - Trung, tin xấu đã ra, nhưng tin tốt không phải không thể có. Nói cách khác “30 chưa phải Tết”, do đó VN-Index mở cửa sáng nay với mức giảm rất khiêm tốn, chỉ chừng hơn nửa điểm (-0.06%).
Diễn biến có vẻ khó lường khi nhóm VN30, nhóm tác động mạnh nhất lên VN-Index, vẫn có rất nhiều mã xanh. Mua thị sợ tiếp tục gặp tin xấu, nhưng bán thì không nỡ vì chỉ báo kỹ thuật cũng không hẳn xấu, đó có lẽ là tâm lý của nhiều người “chơi” lúc này.
Diễn biến trên HNX cũng sớm đỏ (do sàn này không có ATO nên được coi như là “chạy” khớ lệnh liên tục 15p trước HOSE) nhưng mức giảm cũng nhẹ. Thực tế nhóm Large Cap sàn này nhiều mã đang lưỡng lự ở quanh tham chiếu như ACB, VCG, VCS… một số mã khác lại hỗ trợ chỉ số như PVI, PLC, DBC…
Nhóm dầu khí sau khi trải qua phiên tăng giá chiều qua, sáng nay đang có sự dao động nhẹ. GAS giảm giá nhưng PVD, POW, BSR… tăng giá, dù mức tăng rất nhẹ trên tham chiếu.
BVH tiếp tục giảm nhẹ hơn 1% sau khi giảm 2.6% hôm qua. Nỗi lo xả hàng ESOP nhìn chung vẫn còn đó.
Các cổ phiếu lớn nhóm ngân hàng vẫn đang đứng yên, biến động giá chủ yếu ở các mã nhỏ. EIB tăng giá phiên thứ 2. TCB có giao dịch thỏa thuận khối ngoại khủng.
Nhóm chứng khoán bất ngờ khởi sắc khi có nhiều mã tăng giá. cổ phiếu đáng chú ý nhất trong nhóm này, tất nhiên là VCI. Vốn thường nằm trong Top 5 môi giới và nhiều dịch vụ khác, có lẽ ít ai ngờ VCI đã rớt giá gần như liền mạch từ 87,400 đồng tháng tư năm ngoái đến khoảng 30,000 đồng tháng Năm năm nay. Hôm qua cổ phiếu này giảm gần 6% nhưng lượng khớp tăng đột biến, là dấu hiệu bắt đáy. Do đó có thể lý giải mức tăng hơn 2% ATO sáng nay.
HVN hôm nay bắt đầu đóng góp vào VN-Index, may thay cổ phiếu này tăng giá nhẹ. Việc giảm giá ngày hôm qua cho thấy đâu phải game chuyển sàn nào cũng là happy ending. Mấu chốt vẫn là định giá. HVN đang được hỗ trợ bởi thông tin kinh doanh quý 1, cũng như kế hoạch tăng trưởng đội bay đầy tham vọng.
Hoàng Nam
FILI
|