Việc điều chỉnh tăng giá điện là một trong những nội dung “nóng” bao trùm nghị trường trong ngày đầu tiên Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội và thu chi ngân sách (ngày 30/5). Nhiều đại biểu cũng yêu cầu mổ xẻ làm rõ nguyên nhân của sự độc quyền dẫn đến “điệp khúc” giá điện tăng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc tính giá điện của EVN chưa có gì sai...
Lo ngại “té nước” theo giá điện
Là người đầu tiên phát biểu trong phiên họp thảo luận về phát triển kinh tế xã hội, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, nếu chỉ nhìn vào những con số tăng trưởng và thành tựu đạt được thì mọi người lẽ ra đều “rất vui mừng” nhưng nhiều cử tri lại thể hiện sự hồ nghi, vì niềm tin bị lung lay. Dẫn ví dụ cụ thể về tăng giá điện, ông Hiếu cho biết, Bộ Công thương có tờ trình gần 20 trang với 100 phụ lục, rất nhiều con số lập luận để khẳng định “bộ làm đúng”. Tuy nhiên, như nghề y, cho dù phác đồ đúng mà tình trạng bệnh nhân không tốt lên thì phải xem xét lại.
“Nhiều khi trên lý thuyết đúng nhưng triển khai áp dụng lại sai ở một mắt xích nào đấy, lúc này buộc phải dừng lại suy xét, không bảo thủ duy ý chí, che giấu sai lầm. Vậy nên, khi nhiều người dân phản ứng, bức xúc thì Bộ Công thương cần nghiêm khắc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền trong thời gian qua và trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu. Phải chăng, nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có sự cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán truyền tải điện?”, ông Hiếu nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Ảnh: Như Ý
|
ĐHQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) thẳng thắn nói rằng, cử tri mong muốn Chính phủ đánh giá cụ thể hơn và có dự báo trong thời gian tới việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân. “Trong khi tiền lương của cán bộ công chức và người lao động không tăng, hàng loạt các chi phí thiết yếu đều tăng như điện, học phí, xăng dầu…làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, ông Hận nói, đồng thời đề nghị Quốc hội đưa giá điện vào danh mục cần kiểm toán.
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lo ngại việc tăng giá điện dễ tạo hiệu ứng “té nước theo mưa”. Các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá, gây bức xúc cho nhân dân. Bà đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ, giám sát hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp, đề phòng những yếu tố bất thường của thị trường, sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện có đúng trình tự, quy định không.
"Tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi"
Cho biết, từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà, giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương nói: Điều người dân cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. “Kỳ tăng giá điện vừa qua có nhiều mập mờ cần phải làm rõ. Người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện 8,36% như doanh nghiệp công bố là không chuẩn xác, khi số tiền điện họ phải trả theo hóa đơn thực tế nhiều gấp đôi, gấp ba”, ông Cương nói.
Một phân tích nữa cũng được ông Cương chỉ ra là việc EVN và cơ quan quản lý nhà nước so sánh giá điện của Việt Nam thấp, nhưng lại không so sánh đầu vào dẫn đến khập khiễng. Chưa kể một doanh nghiệp độc quyền như EVN được nhà nước ưu đãi đủ thứ, chưa tính đến chuyện thất thoát điện năng, thu nhập đầu người… “Có một việc đáng so sánh là một số nước do nắng nóng họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn, sao không thấy ai so sánh. Cứ nói rằng tăng giá điện thì các bên đều được lợi, nhưng thực tế người tiêu dùng lợi đâu chẳng thấy mà răng chẳng còn. Lần nào tăng giá điện cũng nói có nguồn kinh phí để tái đầu tư ngành điện, nhưng một doanh nghiệp độc quyền và luôn luôn lỗ thì có nên tiếp tục không?”, ông Cương đặt câu hỏi và đề nghị cho công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ để thấy bức tranh đầy đủ về một doanh nghiệp độc quyền như EVN.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại hội trường Ảnh: Minh Châu
|
“Cách tính điện của EVN chưa có sai phạm gì”
Lý giải xoay quanh vấn đề giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, điều hành giá điện phải đạt hai mục tiêu: Kiểm soát lạm phát và có giá hợp lý để kêu gọi đầu tư. Theo quy định hiện nay, điện là mặt hàng nhà nước xác định theo thị trường và có điều tiết theo biên độ nhà nước. Khung giá, cơ chế điều chỉnh giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Theo Phó Thủ tướng, để đảm bảo bù đắp và có mức lợi nhuận tối thiểu cho ngành điện là 3%, EVN và Bộ Công Thương đề xuất 3 kịch bản. Trên cơ sở cân nhắc, Chính phủ đã chọn phương án tăng 8,36% và điều chỉnh trong thời gian từ 15 đến 30/3. Thực tế trong 10 lần điều chỉnh, giá điện đã có 4 lần điều chỉnh trong tháng 3. Nếu điều chỉnh muộn hơn, sớm hơn hoặc vào giữa năm, sau tháng 7 mới điều chỉnh thì tỷ lệ sẽ cao hơn.
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những nguyên nhân tăng giá điện đột biến trong tháng 4 vừa qua. Theo báo cáo ban đầu của Bộ Công Thương, sơ bộ do ba nguyên nhân: Thứ nhất, do việc điều chỉnh giá điện tăng; thứ hai, số ngày ghi công tơ tháng 4 nhiều hơn tháng 3 là 3 ngày; và thứ ba là nhu cầu điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường. Ba nguyên nhân này dẫn tới điện tăng 10,6% so với cùng kỳ 2018 và tăng 14.3% so với tháng 3/2019. “Kiểm tra sơ bộ cho tới nay, cách tính điện của EVN chưa có sai phạm gì”, ông Huệ cho hay.
Theo báo cáo ban đầu của Bộ Công Thương, sơ bộ do ba nguyên nhân: Thứ nhất, do việc điều chỉnh giá điện tăng; thứ hai, số ngày ghi công tơ tháng 4 nhiều hơn tháng 3 là 3 ngày; và thứ ba là nhu cầu điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường. Ba nguyên nhân này dẫn tới điện tăng 10,6% so với cùng kỳ 2018 và tăng 14.3% so với tháng 3/2019. Kiểm tra sơ bộ cho tới nay, cách tính điện của EVN chưa có sai phạm gì”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN tiếp tục tiết giảm chi phí, minh bạch chi phí đầu vào, hoàn thiện văn bản pháp lý, mở rộng phạm vi thị trường và rà soát, nghiên cứu thị trường mô hình bán lẻ phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện khung pháp lý hiện hành, thí điểm bán lẻ thị trường điện cạnh tranh vào năm 2021. Đồng thời, bổ sung biểu giá điện hợp lý hơn, để hài hòa lợi ích của các hộ tiêu dùng điện; Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết quả thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm nếu có của EVN và cơ quan liên quan. “Chúng tôi cũng đề xuất để Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu và có thể đưa vào năm 2019 kế hoạch kiểm toán tài chính và kiểm toán chuyên đề giá điện của EVN”, ông Huệ cho hay.
|